Bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong thời đại CMCN 4.0

|

Bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong thời đại CMCN 4.0

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc bảo hộ và quản lý tài sản Sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò quan trọng đối với từng quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với việc ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế khi tham gia ký kết hàng loạt các hiệp định hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia và nhiều khu vực trên thế giới, đòi hỏi Việt Nam cần có một hệ thống bảo hộ và quản lý tài sản SHTT hiệu quả. Đây là bước tạo đà nhằm thực hiện mục tiêu Chiến lược SHTT đến năm 2030 Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT.

Bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ của Việt Nam - một số kết quả khả quan

Tại Việt Nam, nền tảng pháp lý cho hoạt động SHTT thời gian qua luôn được các cơ quan, đơn vị từ Trung ương tới địa phương tập trung xây dựng và không ngừng được hoàn thiện, qua đó đã tạo được hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy việc tạo ra tài sản trí tuệ, quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển. Cụ thể, ngày 11/2/1989, Việt Nam đã thông qua Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Ngày 28/10/1995, Quốc hội khóa IX đã thông qua Bộ Luật Dân sự với các quy định về quyền SHTT; Ngày 29/11/2005, Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ. Tiếp theo đó là các năm 2009, 2019 và năm 2022, Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi; Tháng 6/2022, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, các địa phương cũng đã được ban hành các chính sách khá đẩy đủ như: Chỉ thị của tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo của Đảng trong phát triển sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa; chỉ thị của UBND cấp tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, duy trì và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh; quy chế phối hợp tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý...

 

Ảnh minh họa

Trên cơ sở hệ thống pháp luật, công tác xác lập quyền sở hữu công nghiệp Việt Nam những năm qua đã có nhiều thành tựu đáng kể, hoạt động bảo hộ tài sản trí tuệ (TSTT) gặt hái được nhiều kết quả, đóng góp vào sự thành công của hoạt động sản xuất, kinh doanh của Việt Nam. Hiện, hoạt động SHTT ngày càng gắn kết với hoạt động chung của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), các bộ, ngành và địa phương. Theo Báo cáo của Bộ KH&CN trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, tính đến tháng 01/2023, số đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên toàn quốc là 2.063 đơn; trong đó có 52 đơn xin cấp bảo hộ sáng chế, 30 đơn xin cấp bảo hộ giải pháp hữu ích, 139 đơn xin cấp bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, 1.842 đơn xin cấp bảo hộ nhãn hiệu.

Thông qua việc hỗ trợ bảo hộ, phát triển TSTT cho các sản phẩm chủ lực của địa phương nói riêng và hoạt động SHTT nói chung đã giúp Việt Nam nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, dịch chuyển từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung; từ sản xuất phát triển sản phẩm tự do sang sản xuất, kinh doanh sản phẩm bảo hộ quyền SHTT được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng. Sản phẩm sau khi được bảo hộ SHTT đã được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể. Đặc biệt, trong 15 năm triển khai Chương trình phát triển TSTT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 04/4/2005 đã hỗ trợ phát triển TSTT cho một số sản phẩm địa phương như: Lụa của tỉnh Quảng Nam, tiêu của tỉnh Quảng Trị, điều của tỉnh Bình Phước; hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho vải thiều Lục Ngạn của Bắc Giang và thanh long của Bình Thuận... Hoạt động này đánh dấu bước tiến lớn trong việc bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm chủ lực quốc gia.

Trình độ nhận thức và mức độ phát triển hệ thống bảo hộ SHTT của Việt Nam cũng cho thấy có nhiều điểm sáng. Những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam với việc đẩy mạnh hoạt động vươn mình ra thế giới đã ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của quyền SHTT, xây dựng, bảo vệ, phát triển TSTT và việc bảo hộ tài sản SHTT của doanh nghiệp. Nếu năm 2015, mới có gần 37.300 đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp thì đến năm 2020 đã có 55.600 đơn, tăng gần 50%. Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế thông qua Cục Sở hữu trí tuệ cũng tăng gấp đôi từ 105 đơn vào năm 2015 lên 269 đơn vào năm 2020.

Những thành tựu đạt được, cùng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương trong việc thiết lập các cơ chế, chính sách có liên quan trong lĩnh vực SHTT đã tạo ra bước phát triển mới, có tính đột phá. Theo Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2022, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng 20 bậc), xếp vị trí 48/132 quốc gia, giảm 4 bậc so với năm 2021 (Năm 2021 xếp thứ 44/132 quốc gia) và xếp vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Xin-ga-po (thứ 7) và Thái Lan (thứ 43). Ngoài ra, Việt Nam dẫn đầu thế giới về nhập khẩu công nghệ cao; đồng thời có sự cải thiện vị trí xếp hạng về đầu ra (thứ hạng 35, năm 2021 là 38). Đặc biệt, Việt Nam cùng với I-ran (hạng 53) và Phi-li-pin (hạng 59) là 3 nền kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những thách thức trong công tác bảo hộ, phát triển SHTT như: Chưa có nhiều sản phẩm chế biến được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; năng lực quản lý và khai thác nhãn hiệu của các chủ thể sản xuất và kinh doanh được trao quyền sử dụng nhãn hiệu còn hạn chế; nhiều chủ thể được lựa chọn để trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý còn gặp nhiều khó khăn trong tổ chức quản lý, vận hành, đa dạng hóa hoạt động tạo thêm giá trị gia tăng, chủ trì xây dựng và điều phối chuỗi giá trị; nhận thức của doanh nghiệp cũng như quá trình thực thi SHTT chưa tương xứng với thực trạng phát triển của cộng động doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0; một bộ phận người tiêu dùng ít có thông tin, hiểu biết chưa đầy đủ về sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý…

Khẳng định vai trò quan trọng của bảo hộ và quản lý tài sản SHTT đối với nền kinh tế, ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1068/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ. Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm; Số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng trung bình 6-8%/năm; Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 8-10%/năm; Số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12-14%/năm, 10-12% trong số đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài; đưa Việt Nam trở thành trung tâm bảo hộ giống cây trồng với việc hình thành cơ quan bảo hộ giống cây trồng khu vực ASEAN+; tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8-10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; có ít nhất 1-2 giống cây trồng được khai thác quyền ở nước ngoài…

Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ với vai trò là đầu mối giúp Chính phủ và Bộ KH&CN thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về SHTT và trực tiếp quản lý Nhà nước về sở hữu công nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Chiến lược SHTT quốc gia và Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và đẩy mạnh các dự án đầu tư công của Cục. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và chủ động tham gia đàm phán và bảo đảm thi hành có hiệu quả nội dung SHTT trong các Hiệp định thương mại quốc tế.

Nâng cao hiệu quả bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong thời đại CMCN 4.0

Để tiếp tục thúc đẩy nâng cao hiệu quả bảo hộ và quản lý tài sản SHTT của Việt Nam trong thời đại CMCN 4.0, thời gian tới, Việt Nam tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp như:

Một là, hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ theo hướng lồng ghép chính sách, giải pháp thúc đẩy sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT trong các chiến lược, chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia và các ngành, lĩnh vực; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền SHTT.

Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về SHTT theo hướng kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về SHTT theo hướng kiến tạo và hiệu quả; Tăng cường quản trị vĩ mô về TSTT thông qua xây dựng và hoàn thiện các chỉ số đo lường về SHTT trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, đề xuất đưa các chỉ tiêu về TSTT vào danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia và ngành, lĩnh vực; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về SHTT liên thông và kết nối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước.

Ba là, tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và với các cơ quan tư pháp trong việc bảo vệ quyền SHTT; phối hợp nghiên cứu việc tăng cường vai trò của tòa án trong giải quyết các vụ việc về SHTT; thúc đẩy phát triển dịch vụ giám định SHTT và dịch vụ tư vấn pháp luật về bảo vệ quyền SHTT.

Bốn là, thúc đẩy các hoạt động tạo ra TSTT. Thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo kết hợp với các hình thức đầu tư mạo hiểm nhằm ươm tạo các TSTT từ khâu hình thành ý tưởng, nghiên cứu, phát triển TSTT đến sản xuất thử nghiệm, hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn thiện công nghệ, tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao; Hướng dẫn doanh nghiệp tạo dựng và khai thác hiệu quả các chỉ dẫn thương mại cho sản phẩm, dịch vụ của mình; hỗ trợ đăng ký bảo hộ các chỉ dẫn địa lý tiềm năng.

Năm là, khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác TSTT với việc hình thành và phát triển mạng lưới trung tâm chuyển giao công nghệ và SHTT tại các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy việc tạo ra và khai thác TSTT; Đẩy mạnh thực hiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp có mức độ sử dụng TSTT cao, tạo ra các sản phẩm có uy tín và chất lượng, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng SHTT cao.

Sáu là, phát triển các hoạt động hỗ trợ về SHTT. Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp, chú trọng phát triển các trung tâm tư vấn về SHTT trong các viện nghiên cứu, trường đại học; Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội trong hỗ trợ và triển khai hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT.

Bảy là, tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động SHTT. Xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực về SHTT; Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan bảo vệ quyền SHTT.

Tám là, hình thành văn hóa SHTT trong xã hội thông qua tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về SHTT; Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về SHTT trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Chín là, tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về SHTT; Gia nhập các điều ước quốc tế về SHTT phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển của Việt Nam; tham gia xây dựng các tiêu chuẩn bảo hộ quyền SHTT trong khuôn khổ các điều ước quốc tế; Tích cực và chủ động tham gia vào hoạt động của các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực SHTT./.

ThS. Vũ Thúy Hằng

Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Bắc Ninh