Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em

|

Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 (2021-2025) xây dựng dự án 8 về Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em đã đặt ra mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Đối tượng của dự án là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã và thôn đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người DTTS trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn/lấy chồng nước ngoài trở về, người khuyết tật.

Dự án tập trung vào các nội dung như: Hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em. Một số hoạt động chính bao gồm: Xây dựng các nhóm truyền thông tiên phong thay đổi trong cộng đồng; Thực hiện các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em; Hội thi/liên hoan các mô hình sáng tạo và hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ và trẻ em; Triển khai 4 gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em, trong đó: Phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm và tín dụng tự quản để tăng cường tiếp cận tín dụng, cải thiện cơ hội sinh kế, tạo cơ hội tạo thu nhập và lồng ghép giới; Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS; Thí điểm và nhân rộng mô hình địa chỉ an toàn hỗ trợ bảo vệ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình; Thí điểm và nhân rộng mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người.

Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị bao gồm: Đảm bảo tiếng nói và vai trò của phụ nữ trong các vấn đề kinh tế - xã hội tại địa phương; Đảm bảo tiếng nói và vai trò của trẻ em gái trong phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng thông qua mô hình Câu lạc bộ “thủ lĩnh của sự thay đổi”; Công tác giám sát và đánh giá về thực hiện bình đẳng giới trong thực hiện Chương trình; Nâng cao năng lực của phụ nữ DTTS tham gia ứng cử, vận động bầu cử vào các cơ quan dân cử.

Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng bao gồm: Xây dựng chương trình phát triển năng lực thực hiện bình đẳng giới; Xây dựng đội ngũ giảng viên nguồn về lồng ghép giới; Thực hiện các hoạt động phát triển năng lực cho các cấp; Đánh giá kết quả hoạt động phát triển năng lực.

Chương trình dự án do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành xây dựng văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện dự án. UBND cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện dự án theo định kỳ, đột xuất.

Triển khai thực hiện Dự án 8, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Phước đã thực hiện tuyên truyền vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm đóng góp vào xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu trong gia đình và cộng đồng, một số vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; Tổ chức hội nghị truyền thông về vấn đề phụ nữ và trẻ em; Xây dựng, chuẩn hóa bộ tài liệu và tập huấn xây dựng đội ngũ giảng viên nguồn cấp huyện và cấp xã tham gia thực hiện dự án; Thành lập ra mắt mô hình địa chỉ tin cậy cộng đồng và tập huấn hướng dẫn vận hành mô hình, phương pháp hỗ trợ nạn nhân. Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng; giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đảm bảo tiếng nói và vai trò của trẻ em gái trong phát triển kinh tế - xã hội tại cộng đồng qua mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”.

Dự án 8 tại Lào Cai cũng được triển khai tại 130 thôn thuộc 66 xã của 9 huyện, thị xã, thành phố. Tính đến hết năm 2022, các cấp Hội phụ nữ đã tổ chức được trên 20 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập và vận hành các mô hình, câu lạc bộ với sự tham gia của gần 2.000 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ, cán bộ công chức cấp xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn, bí thư chi đoàn thanh niên, người có uy tín trong cộng đồng,… Thành lập mới 258 Tổ truyền thông cộng đồng (trong đó có 2 mô hình điểm của tỉnh), 6 Tổ/nhóm sinh kế, tổ hợp tác, Hợp tác xã do phụ nữ làm chủ/đồng làm chủ ứng dụng công nghệ 4.0; 11 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 41 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, tổ chức 17 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản; xây dựng 24 chương trình truyền thông bằng tiếng việt, 24 chương trình truyền thông bằng tiếng Mông, Dao, Giáy trên sóng phát thanh Đài truyền thanh truyền hình tỉnh Lào Cai. Truyền thông qua các trang điện tử của Hội LHPN tỉnh, zalo, facebook, fanpage. Phát hơn 400 poster giới thiệu các chỉ tiêu chính  của dự án đến 138 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Thông qua các hoạt động này đã góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ hội các cấp, đồng thời từng bước thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Trong năm 2023, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng qua các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp từ tỉnh đến địa phương. Đẩy mạnh triển khai các mô hình hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới, chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS các cấp và nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, người có uy tín. Phối hợp với các ngành liên quan thực hiện Dự án 8, trong đó chú trọng phối hợp với Sở Y tế tuyên truyền, tư vấn và vận động nhóm phụ nữ DTTS sinh con tại nhà cao tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn. Những hoạt động này sẽ tiếp thêm niềm tin, động lực để phụ nữ Lào Cai vươn lên khẳng định vai trò và vị thế của mình trong thời kỳ mới; góp phần thực hiện hiệu quả bình đẳng giới trong gia đình và từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.

Tại Quảng Ngãi, qua 2 năm triển khai thực hiện dự án 8, Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức 10 hội nghị hướng dẫn thành lập và vận hành quản lý Tổ truyền thông với 578 đại biểu tham dự; 7 Hội nghị tuyên truyền xóa bỏ định kiến giới, khuôn khổ mẫu giới với 568 đại biểu tham dự; Thành lập 119 Tổ truyền thông cộng đồng, hỗ trợ trang thiết bị cơ bản phục vụ công tác truyền thông và truyền thông trên nền tảng số để chia sẻ, kết nối hoạt động của các Tổ truyền thông tại 119 thôn của 6 huyện Dự án (Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Minh Long, Nghĩa Hành); xây dựng 4 Chương trình truyền thông các hoạt động Dự án 8 và phát sóng trên Đài phát thanh Truyền hình Quảng Ngãi, Trang Thông tin điện tử Hội LHPN Tỉnh; tổ chức Hội thảo hoàn thiện khung logic, góp ý bộ công cụ khảo sát và tổ chức khảo sát đầu kỳ, tìm hiểu thực tế của đối tượng hưởng lợi và thực trạng phụ nữ sinh con tại nhà cho 583 người của 15 thôn/5 xã tại huyện Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ; Tổ chức 2 lớp tập huấn ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS với 160 người tham gia là cán bộ, hội viên, phụ nữ các mô hình sinh kế của các huyện thuộc Dự án.

Triển khai Dự án 8 tại tỉnh Quảng Ngãi, hầu hết các đối tượng thụ hưởng từ dự án đều tham gia tích cực trong các hoạt động trên địa bàn và được sự đồng tình cao trong cộng đồng dân cư bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; đồng bào DTTS luôn phát huy truyền thống xây dựng và đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình./.
 

Minh Thư