Thực trạng tiếp cận an sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái

|

Thực trạng tiếp cận an sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái

Phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái thường được coi là nhóm người yếu thế của xã hội, do đó, các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước thường bao gồm cả vấn đề đảm bảo an sinh, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn đặc thù ở nhiều địa phương, nhiều đối tượng vẫn chưa thể tiếp cận sự hỗ trợ từ chính sách an sinh xã hội (ASXH), trong đó có phụ nữ và trẻ em gái.

Hạn chế trong tiếp cận an sinh xã hội khiến phụ nữ và trẻ em gái chưa thể phát triển toàn diện

Với hệ thống pháp luật và chính sách bao phủ hầu khắp các lĩnh vực, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng mừng trong mục tiêu về bình đẳng và bình đẳng giới. Đặc biệt, hệ thống chính sách ASXH hỗ trợ nhóm yếu thế trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tiếp cận việc làm, nhà ở, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa đã mang lại những hiệu quả tích cực về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo điều kiện phát triển về mọi mặt, nhất là với phụ nữ và trẻ em gái. Song, việc tiếp cận ASXH đối với nhóm phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn tồn tại những bất cập dẫn đến một bộ phận nhóm đối tượng này chưa thực sự được thụ hưởng các chính sách, phải chịu thiệt thòi ở nhiều lĩnh vực. Tại nhiều địa phương trên cả nước, phụ nữ và trẻ em gái phải chịu thiệt thòi trong đời sống, vấn đề bảo đảm mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản như: Lao động, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, y tế… còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình, bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em, quấy rối tình dục, mua bán phụ nữ và trẻ em vẫn còn là những vấn đề nghiêm trọng chưa thể giải quyết triệt để. Nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới có thể là cả phụ nữ, trẻ em gái, nam giới và trẻ em trai, tuy nhiên, trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam, nạn nhân chủ yếu thường là phụ nữ và trẻ em gái.

Các kết quả về thu nhập tối thiểu, giảm nghèo, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, dịch vụ xã hội cơ bản… mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua đã đem lại góc nhìn bao quát về thực trạng tiếp cận ASXH của phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam. Kết quả điều tra Lao động - Việc làm của Tổng cục Thống kê trong 10 năm giai đoạn 2012-2021 cho thấy, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (LLLĐ) của nữ có xu hướng giảm, từ 72,5% năm 2012 xuống còn 61,6%. Tỷ lệ này có sự chênh lệch đáng kể giữa nam và nữ, trong đó, tỷ lệ tham gia LLLĐ của nữ giới luôn thấp hơn so với nam giới. Tỷ lệ LLLĐ nữ đã qua đào tạo có xu hướng tăng nhưng vẫn luôn ở mức thấp hơn so với LLLĐ nam.

Điều tra Lao động việc làm năm 2021 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, nữ giới chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới ở 4/9 nhóm nghề theo cơ cấu nghề nghiệp của lao động. Trong đó, chỉ có 24,9% trong tổng số lao động nữ có việc làm từ 15 tuổi trở lên là “Nhà lãnh đạo”. Lao động nữ cũng chiếm tỷ trọng cao ở những nghề không yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật, làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương hơn nhiều hơn so với nam; có sự phân biệt rõ rệt nghề “ưa thích nữ”, nghề “ưa thích nam”. Có đến 16,4% nữ giới là lao động gia đình không hưởng lương, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ 7,6% ở nam giới. Mặt khác, lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ bằng 1/2 đến 2/3 nam nhưng thường tập trung ở những công việc và ngành nghề có tiền lương thấp hơn và thiếu sự bảo vệ từ pháp luật của nước tiếp nhận. Bên cạnh đó, thu nhập của nữ dù có xu hướng tăng, nhưng tốc độ tăng chậm hơn nam; thu nhập của nam cao hơn khoảng 9-12% so với nữ.

Với chính sách bảo hiểm xã hội, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội của LLLĐ nữ trong độ tuổi ngoài 30 chưa đạt tới sự cân bằng với LLLĐ nam trong cùng độ tuổi nhưng lại có xu hướng giảm với tốc độ giảm nhanh hơn LLLĐ nam.

 

Nhiều chính sách an sinh xã hội hướng tới đối tượng yếu thế trong đó có phụ nữ và trẻ em gái 

Sự chênh lệch về mức sống và cơ hội việc làm dẫn đến nảy sinh nhiều vấn đề xã hội lớn về quan hệ gia đình và khả năng tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phát triển tại nơi sống và làm việc của phụ nữ, nhất là với lao động nữ di cư. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN), hơn 37% phụ nữ di cư không được hưởng hỗ trợ nào về đời sống sinh hoạt cơ bản hàng ngày như: Nơi ở, điện, nước sinh hoạt; tiếp cận hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp (tai nạn, bị bạo lực, cướp bóc); chính sách bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe.

Ngay cả trong kết quả giảm nghèo, sự chênh lệch giới cũng được thể hiện rõ ràng, nhất là ở khu vực nông thôn những năm gần đây, khi tỷ lệ hộ nghèo có chủ hộ là nữ có xu hướng gia tăng, từ 16,32% năm 2012 tăng lên 22% năm 2020. Đặc điểm của những hộ nghèo có phụ nữ làm chủ hộ là thường có trình độ học vấn thấp, làm các công việc đơn giản hoặc không có việc làm.

Bên cạnh đó, mức sinh giảm đã khiến khoảng cách giới được thể hiện rõ ràng hơn khi vẫn còn bộ phận lớn người Việt Nam mang tâm lý “trọng nam khinh nữ” và lựa chọn giới tính khi sinh khiến nhiều trẻ em gái không được ra đời. Mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra với tốc độ nhanh, ngày càng lan rộng ở mức cao và nghiêm trọng; tình trạng sinh con ở tuổi chưa thành niên có xu hướng ngày càng tăng. Theo Kết quả Điều tra biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình năm 2022, tổng tỷ suất sinh năm 2022 đạt 2,01 con/phụ nữ. Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh là 112 bé trai/100 bé gái; tỷ suất sinh thô là 14,9‰; tỷ suất chết thô là 7‰.

Gia cảnh cùng những điều kiện sống chưa phù hợp về nhà vệ sinh, nước sạch, nhà ở… có ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sức khỏe, thể trạng và cơ hội phát triển của trẻ em, nhất là với trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm tỷ lệ trẻ đi học đúng tuổi ở các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông dù tăng nhưng chưa bao trùm hết trẻ em Việt Nam; tỷ lệ trẻ không được đi học hay không đi học đúng tuổi còn tồn tại ở các cấp lần lượt là: 4,2%, 9,5% và 22,8%, trong đó có nhiều trẻ em gái. Ngoài những thiệt thòi về nhu cầu cuộc sống, trẻ em gái còn phải đối mặt với những nguy cơ liên quan đến nhóm hành vi bạo lực, bạo hành, xâm hại, bắt cóc, mua bán, trao đổi… trẻ em.

Ngoài ra, chính sách giảm nghèo chưa tính đến trẻ em nghèo. Những phương pháp và cơ chế để xác định đối tượng thụ hưởng chính sách chưa đo lường được một cách chính xác những thiếu hụt cụ thể của trẻ em, dẫn tới trẻ em không được hưởng các hỗ trợ theo nhu cầu. Hầu hết chính sách giảm nghèo của Việt Nam đặt mục tiêu và có giải pháp hỗ trợ cho các hộ nghèo; trong khi Liên Hợp Quốc đang hướng tới giảm nghèo theo đầu người.

Nỗ lực và giải pháp bao phủ chính sách an sinh tới mọi đối tượng yếu thế

Đảm bảo ASXH là một trong những mục tiêu hàng đầu của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Trong vai trò là thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đã có nhiều hành động quyết liệt thúc đẩy ASXH cho người dân nói chung, cho phụ nữ và trẻ em gái nói riêng. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách để người dân có cơ hội tiếp cận, tham gia và thụ hưởng thành quả của phát triển một cách bình đẳng. Cụ thể, hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới và lao động - việc làm hiện nay tương đối toàn diện, tương thích với các tiêu chuẩn và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Nguyên tắc bình đẳng giới và không phân biệt đối xử, nhất là với phụ nữ và trẻ em gái trong lĩnh vực lao động - việc làm đã được thể hiện rõ ràng trong Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Luật Bình đẳng giới, Luật Việc làm, Luật Giáo dục Nghề nghiệp, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn-vệ sinh lao động,... Các văn bản chính sách, pháp luật về lao động, việc làm cũng được xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung theo hướng lồng ghép giới, nhạy cảm hơn về giới.

Quy định về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tạo điều kiện cho nhiều nhóm lao động nữ yếu thế trong thị trường lao động có cơ hội được tham gia bảo hiểm xã hội BHXH. Trong đó, chế độ thai sản theo Luật BHXH năm 2014 của Việt Nam là một trong số những chính sách ưu việt của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực ASEAN về thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng; đồng thời, thể hiện nguyên tắc bình đẳng giới khi quy định lao động nam được hưởng chế độ thai sản trong một số trường hợp cụ thể.

Hiện nay, Chính phủ đang triển khai ba Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Giảm nghèo, Nông thôn mới, Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được tích hợp nhiều chính sách dân tộc để tập trung nguồn lực, đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Chương trình triển khai thực hiện Dự án thành phần số 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" và Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9 về "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống". Đây cũng là lần đầu tiên có một dự án riêng biệt, đặc thù về giới trong Chương trình mục tiêu Quốc gia được Quốc hội thông qua và Chính phủ giao cho Hội LHPN chủ trì thực hiện, giúp tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ dân tộc thiểu số yếu thế được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ hỗ trợ về giáo dục, y tế, văn hóa…

Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững là cơ hội lớn để phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội tiếp cận ASXH do giảm nghèo bền vững và bảo đảm ASXH sẽ hướng tới bảo đảm công bằng xã hội, trong đó có bảo đảm bình đẳng giới. Bên cạnh đó, chính sách trợ giúp xã hội của Việt Nam đã từng bước hoàn thiện theo hướng hội nhập quốc tế; tiếp cận dựa trên quyền con người, lấy con người là trung tâm.

Nhiều chính sách về giáo dục, y tế nhằm tạo cơ hội nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục có chất lượng cho trẻ em, giúp trẻ nhận thức tốt hơn về bình đẳng giới, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nam và nữ trong việc học tập. Các chính sách phổ cập, hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề nhằm đảm bảo mọi trẻ em đều được tiếp cận giáo dục bắt buộc đã thúc đẩy cơ hội học tập cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và dễ bị tổn thương, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong giáo dục, đặc biệt là tăng cơ hội học tập cho trẻ em gái, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em nghèo.

Các chính sách đảm bảo tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản cho bà mẹ và trẻ em (thời kỳ mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ dưới 5 tuổi), giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản luôn là một trong những trọng tâm trong hệ thống chính sách y tế, đã có tác động mạnh mẽ đến thúc đẩy bình đẳng giới về ASXH cho phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái trong lĩnh vực này. Ngoài ra, các chính sách hiện hành về các dịch vụ xã hội cơ bản khác như thông tin, nhà ở và nước sạch đã có một số quy định đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản này. Các quy định này đã được lồng ghép trong các chính sách giảm nghèo và chính sách đối với vùng DTTS và miền núi, trong đó, phụ nữ và trẻ em gái là một trong những đối tượng được hưởng lợi và quan tâm hơn.

Để phụ nữ và trẻ em gái được tiếp cận chính sách ASXH một cách toàn diện và bao phủ, một số giải pháp được đặt ra, tập trung vào một số lĩnh vực cơ bản như việc làm, giáo dục, y tế… Cụ thể:

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về kinh tế, lao động để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hội nhập kinh tế của Việt Nam, phù hợp với sự phát triển của phụ nữ và trẻ em gái.

Thực hiện lồng ghép giới một cách đầy đủ và hiệu quả vào các Chương trình MTQG như Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững nói riêng và các chính sách giảm nghèo nói chung.

Trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách trợ giúp xã hội và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, cần bảo đảm quan tâm đầy đủ tới nhu cầu và điều kiện thực tế của từng nhóm đối tượng này; bảo đảm tiếp cận dựa trên quyền con người của cả phụ nữ và nam giới, của trẻ em trai và trẻ em gái. Trong đó, việc nghiên cứu, xây dựng mức chuẩn trợ cấp xã hội và các hệ số trợ cấp xã hội dựa trên nhu cầu tối thiểu của các nhóm đối tượng trợ giúp xã hội, đồng thời xem xét nhu cầu khác nhau của phụ nữ và nam giới, trẻ em trai và trẻ em gái.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh lồng ghép giới trong các chính sách giáo dục để thúc đẩy những biện pháp chính sách có nhạy cảm giới, chú trọng nhiều hơn đến đặc thù nam và nữ theo từng vùng miền, hoàn cảnh kinh tế, nguy cơ đối diện với rủi ro… Song song với tăng cường các chính sách bù đắp thích hợp dành riêng cho phụ nữ theo từng nhóm như nhóm nữ cán bộ, công chức, viên chức; nhóm phụ nữ nông thôn; nhóm lao động nữ (nhất là lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động ngoài nhà nước);… Tạo điều kiện tối đa để trẻ em, nhất là trẻ em gái vùng dân tộc, trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt dễ bị tổn thương có thế đến trường và hoàn thành chương trình học.

Về y tế, thúc đẩy lồng ghép BĐG vào luật pháp, chính sách, chương trình, kế hoạch, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cơ bản cho trẻ em, có biện pháp can thiệp đặc biệt giải quyết những bất lợi về sức khỏe trong một số nhóm đối tượng trẻ em, nhất là trẻ em gái. Tăng cường cung cấp thông tin, nâng cao hiểu biết và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho cả nữ giới và nam giới. Đảm bảo các yêu cầu tối thiểu về nhà ở, đi lại, nước sạch, sinh hoạt… cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái.

Chăm sóc an sinh, phúc lợi, nâng cao cơ hội tiếp cận chính sách ASXH cho các đối tượng yếu thế, nhất là phụ nữ và trẻ em gái là một trong những nội dung quan trọng để phát triển đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực xóa bỏ bất bình đẳng giới và thực hiện các cam kết quốc tế. Đây không chỉ là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội vì sự phát triển bền vững của đất nước với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau./.

 
Thu Hiền