Chăm lo sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trong triển khai các hoạt động thuộc Dự án 7, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đang được các địa phương tích cực triển khai, bước đầu đã có hiệu quả, chuyển biến tích cực.
Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em với mục tiêu là cải thiện sức khoẻ của người DTTS về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ. Tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) hiện đại. Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS&MN. Một số chỉ tiêu chủ yếu giải quyết nhu cầu cấp thiết của hộ DTTS, trong đó: Tối thiểu 80% phụ nữ có thai được phổ biến kiến thức, khám thai định kỳ, hỗ trợ y tế, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho 100% trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào DTTS&MN.
Thực hiện Chương trình, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Quảng Trị ưu tiên dành nhiều cơ chế, nguồn lực tập trung cho đồng bào DTTS. Trong đó, việc triển khai các hoạt động của Dự án 7 thuộc Chương trình bước đầu đã có những chuyển biến trong công tác dân số, CSSK vùng DTTS. Theo đó, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là xã miền núi còn khó khăn, nằm xa trung tâm với hơn 900 hộ dân sinh sống với chủ yếu là đồng bào DTTS song công tác CSSK nhân dân ở địa phương được thực hiện khá hiệu quả. Hiện, cả 7 thôn trên địa bàn xã đều có các nhân viên y tế thôn bản. Mỗi khi người dân đau ốm bệnh tật, nhân viên y tế thôn bản sẽ hỗ trợ, tư vấn cho người dân để bảo vệ sức khoẻ. Nhận thức của người dân về CSSK đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu trước đây khi đau ốm người dân thường ở nhà tự điều trị bằng việc lên rừng hái thuốc, hoặc cúng bái thì giờ người dân sẽ đến Trạm Y tế hoặc Trung tâm Y tế huyện để thăm khám.
Năm 2023, từ nguồn vốn hơn 1,4 tỷ đồng được phân bổ, Trung tâm Y tế huyện đã tích cực phối hợp cùng địa phương triển khai các nội dung thuộc Dự án 7. Theo đó đã khám sàng lọc sức khỏe cho người cao tuổi 14 xã vùng DTTS. Tổ chức các hoạt động truyền thông tư vấn cho lứa tuổi vị thành niên trước khi kết hôn, CSSK sinh sản. Hướng dẫn cách chế biến thức ăn tại các thôn, bản có số trẻ em suy dinh dưỡng cao bằng hình thức trình diễn tại chỗ. Đến nay, các hoạt động của Dự án 7 đang đem lại những hiệu quả nhất định.
Trong triển khai Dự án 7, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị năm 2023, được phân bổ, giao kế hoạch vốn là 3.820 triệu đồng. Theo đó, sẽ triển khai các hoạt động xây dựng và phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng dân số và CSSK, dinh dưỡng bà mẹ trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS.
Huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị nỗ lực chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS
Tại tỉnh Lạng Sơn thời gian qua, công tác CSSK bà mẹ, trẻ em vùng đồng bào DTTS đã được các cấp, ngành liên quan của Tỉnh quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Qua đó, giúp bà mẹ, trẻ em được tiếp cận các dịch vụ CSSK hiện đại, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS. Hiện, mạng lưới y tế cơ sở, cơ sở vật chất và đội ngũ y, bác sĩ vùng đồng bào DTTS ngày càng đáp ứng yêu cầu cơ bản về CSSK cho bà mẹ, trẻ em. Hằng năm, các cơ sở y tế trên địa bàn Tỉnh đã triển khai can thiệp dinh dưỡng sớm, phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em; duy trì bổ sung đa vi chất hoặc viên sắt cho phụ nữ mang thai; theo dõi tăng trưởng, bổ sung vitamin A, viên đa vi chất cho trẻ dưới 5 tuổi…
Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em DTTS cũng được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Từ năm 2020 đến nay, hằng năm, các cấp ngành đã tổ chức truyền thông, tư vấn, khám sức khỏe cho trên 7.700 lượt phụ nữ mang thai; các cơ quan dân số trên địa bàn tổ chức thăm gần 4.800 hộ, tuyên truyền cho gần 6.000 lượt bà mẹ về CSSK sinh sản. 6 tháng đầu năm 2023, có gần 1.050 lượt cán bộ dinh dưỡng tuyến cơ sở, trên 24.000 lượt bà mẹ được tư vấn về chế độ dinh dưỡng cho trẻ em…
Hương Hóa - Quảng Trị
Công tác CSSK bà mẹ, trẻ em vùng đồng bào DTTS cũng được cải thiện. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm qua từng năm: Năm 2022 là 12,33%, 6 tháng đầu năm 2023 là 11,49% (giảm 0,85% so với cùng kỳ năm 2022); tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi là 16,82% (năm 2022), 6 tháng đầu năm giảm còn 15,93% (giảm 0,91% so với cùng kỳ năm 2022); tỷ lệ phụ nữ DTTS được khám thai từ 3 lần trở lên đạt 80% (vượt 5% so với kế hoạch giao); tỷ lệ phụ nữ được bổ sung viên đa vi chất hằng năm đạt trên 85%.
Tại TP. Hà Nội triển khai Dự án 7, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 221/KH - UBND về việc thực hiện Dự án CSSK Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Theo đó, Dự án sẽ triển khai tại địa bàn 13 xã, thuộc 4 huyện vùng đồng bào DTTS&MN của Thủ đô, gồm huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai và Mỹ Đức.
Dự án thực hiện nhằm cải thiện sức khỏe của người DTTS về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ; tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc có chất lượng, hiện đại về sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS&MN, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.
TP. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, dự án sẽ hỗ trợ đào tạo bác sĩ Chuyên khoa I, Chuyên khoa II và sinh viên ngành Điều dưỡng, các ngành thuộc nhóm: kỹ thuật, y học cho các huyện nghèo, khó khăn, vùng đồng bào DTTS&MN. Dự án cũng đặt ra các nội dung thực hiện như tiến tới không có virus bại liệt hoang dại.
Phấn đấu 85% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm tại các xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN. Với phụ nữ có thai, trên 95% được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thời kỳ của thai kỳ; trên 99,9% phụ nữ sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự giúp đỡ của cán bộ y tế. Đặc biệt chú trọng duy trì tỷ suất tử vong mẹ dưới 10 ca/100.000 trẻ đẻ sống; duy trì tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi xuống dưới 4%.
Về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể gày còm ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 3%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 11,5%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 6,8%./.
Minh Nghĩa