Thực hiện Quyết định số 1325/QĐ-BKHĐT ngày 23/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc Phê duyệt nhiệm vụ bảo vệ môi trường năm 2022, Tổng cục Thống kê (TCTK) hệ thống hóa và cập nhật số liệu thống kê môi trường giai đoạn 2014 - 2021, từ các nguồn số liệu của TCTK và các Bộ ngành liên quan. Mục tiêu nhằm cải thiện phạm vi cung cấp số liệu rộng hơn với dãy số thời gian dài hơn và cập nhật số liệu thống kê môi trường. Qua đó phân tích, nhận định, đánh giá và đưa ra những khuyến nghị, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường tại Việt Nam hiện nay. Kết quả này được thể hiện trong ấn phẩm “Số liệu thống kê môi trường Việt Nam giai đoạn 2014 - 2021”.
Một số phân tích cơ bản về môi trường Việt Nam theo 8 lĩnh vực, như sau.
Môi trường sống dân cư
Việt Nam là quốc gia đông dân với dân số trung bình năm 2021 là hơn 98,5 triệu người. Giai đoạn 2001-2021 đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể của dân số Việt Nam, điều này đồng thời tạo ra cơ hội và thách thức. Quy mô dân số nước ta tăng gần 20 triệu người (từ 78,6 triệu người năm 2001 lên 98,5 triệu người năm 2021). Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm trong khoảng trên dưới 10‰ trong giai đoạn 2005-2021 (năm 2005 là 13,3 ‰, năm 2021 là 9,3‰).
Hình 1. Dân số trung bình, giai đoạn 2001-2021 (nghìn người)
Nguồn: TCTK
Tổng sản phẩm trong nước (theo giá so sánh) giai đoạn 2010 - 2021 tăng nhanh chóng. Năm 2021, tổng sản phẩm trong nước theo giá so sánh 2010 là 5.134 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 1,87 lần so với năm 2010 (năm 2010 tổng sản phẩm trong nước theo giá so sánh là 2.740 nghìn tỷ đồng). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng gấp 1,4 lần; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng cao nhất, gấp 2,1 lần; khu vực dịch vụ tăng gần 2 lần.
Theo số liệu của Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam, chính quyền các xã đánh giá ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí là hai vấn đề môi trường nổi cộm tại các xã (tỷ lệ xã có vấn đề về ô nhiễm nguồn nước năm 2008 là 22,5%, năm 2020 là 17,4%; tỷ lệ xã có vấn đề ô nhiễm không khí năm 2008 có 7,2%, năm 2020 có 8,4%). Các biện pháp bảo vệ môi trường đã đạt được những bước tiến tích cực, khi tỷ lệ hộ gia đình xử lý rác thải sinh hoạt bằng cách có người đến lấy mang đi tăng dần từ 19,4% năm 2002 lên 68,5% năm 2020; và tỷ lệ hộ gia đình vứt rác thải sinh hoạt xuống ao, hồ, sông suối, vứt ở khu vực gần nhà giảm từ 52,8% năm 2002 xuống còn 4,5% năm 2020.
Đất và đa dạng sinh học
Số liệu thống kê diện tích đất theo chuỗi thời gian 21 năm (từ năm 2001 đến 2021) cho thấy: Diện tích đất nông nghiệp tăng 31,89% (từ 21.225 nghìn ha năm 2001 lên 27.994 nghìn ha năm 2021); diện tích đất phi nông nghiệp tăng 36,36% (từ 2.896 nghìn ha năm 2001 lên 3.949 nghìn ha năm 2021); trong khi đó diện tích đất không sử dụng giảm 7 lần (từ 8.804 nghìn ha xuống còn 1.191 nghìn ha). Điều đó cho thấy, diện tích đất không sử dụng đang dần được quy hoạch, cải tạo để đưa vào sử dụng; diện tích đất trồng rừng, đất bảo tồn cũng được quan tâm.
Hình 2. Diện tích đất theo loại đất, giai đoạn 2001-2021 (nghìn ha)
Nguồn:Niên giám Thống kê, TCTK
Hình 3. Biến động diện tích đất theo loại đất, giai đoạn 2011-2021 (Ha)
Nguồn: TCTK
Môi trường không khí
Giao thông vận tải có tác động lớn đến môi trường không khí. Một trong những hoạt động của ngành giao thông vận tải là hoạt động vận chuyển hành khách. Trong giai đoạn 2012-2019, số lượt hành khách đi lại bằng phương tiện công cộng đường bộ tăng bình quân 8,5%/năm, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình dịch vụ vận tải công cộng đường bộ trên cả nước. Sự phát triển đó đột ngột bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19 vào năm 2020, khi tốc độ tăng trưởng âm 26,8% lần đầu tiên được ghi nhận và tiếp tục giảm vào năm 2021.
Hình 4. Số lượt hành khách vận chuyển, giai đoạn 2001-2021(triệu lượt người)
Nguồn: TCTK
Số giờ nắng trung bình ở nước ta khoảng 1.400 - 3.000 giờ nắng/năm, ở nơi nhiều nhất gấp đôi nơi ít nhất. Nắng giảm dần từ Nam ra Bắc, từ hải đảo vào đất liền và từ vùng núi thấp lên vùng núi cao. Nói chung, khu vực phía Nam có trên 2000 giờ nắng/năm, vùng đồng bằng duyên hải cực Nam Trung Bộ có 2.600 - 3.000 giờ nắng/năm. Hầu hết các nơi ở khu vực phía Bắc đều có ít hơn 2.000 giờ nắng/năm, trong đó các địa phương ở sườn đông dãy Hoàng Liên Sơn chỉ có 1.400 - 1.600 giờ nắng/năm.
Trong giai đoạn 1994 - 2016, tổng lượng phát thải khí nhà kính (KNK) của Việt Nam đã tăng khoảng 3 lần, từ 103,8 triệu tấn lên 316,7 triệu tấn CO2 tương đương. Trong đó, lượng khí thải trong lĩnh vực năng lượng đã tăng lên đáng kể - khoảng 8 lần so với năm 1994 do nhu cầu đối với năng lượng tăng nhanh. Đáng chú ý là lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) đang dần chuyển đổi từ phát thải KNK sang hấp thụ KNK từ năm 2010. Đây là kết quả của các chương trình bảo vệ rừng và trồng rừng hiệu quả đã được triển khai trong những năm trước.
Hình 5. Tổng lượng phát thải KNK năm 1994, 2000, 2010, 2014, 2016
(Triệu tấn CO2 tương đương)
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bảng 1. Tổng lượng phát thải KNK năm 1994, 2000, 2010, 2014 và 2016
(Triệu tấn CO2 tương đương)
Năm | Năng lượng | Các quá trình công nghiệp | Nông nghiệp | LULUCF | Chất thải | Tổng |
1994
2000
2010
2014 |
25,6
52,2
146,2
171,6 |
3,8
10,0
21,7
38,6 |
52,0
65,1
87,6
89,7 |
19,4
15,1
-20,7
-37,5
|
2,6
7,9
17,9
21,5 |
103,8
150,9
252,7
283,9 |
Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc (08 lưu vực sông lớn, 25 lưu vực sông liên tỉnh, 75 lưu vực sông nội tỉnh với hơn 3.000 sông, suối), nhưng chỉ có khoảng 37% tổng lượng nước sinh ra trên phần lãnh thổ Việt Nam. Lưu lượng nước trên các lưu vực sông có sự biến động theo mùa, theo vùng miền (khoảng 80% lượng nước tập trung mùa mưa từ tháng 6 năm trước đến tháng 1 năm sau và giảm mạnh, thậm chí khô kiệt vào mùa hè).
Năm 2021, cả nước có 552 công trình thủy điện đang vận hành. Trong 6 vùng kinh tế - xã hội, Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có số công trình thủy điện đang vận hành lớn nhất cả nước với 286 công trình, chiếm 52%. Đồng bằng sông Hồng là vùng có số công trình thủy điện vận hành thấp nhất cả nước với 01 công trình, chiếm 0,2%.
Chất thải rắn
Cùng với sự gia tăng dân số, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đang gia tăng cả về khối lượng và chủng loại. Ở Việt Nam, công tác quản lý CTRSH còn nhiều bất cập như: Tỷ lệ thu gom CTRSH nông thôn còn chưa cao; CTRSH chưa được phân loại tại nguồn; tỷ lệ tái chế còn thấp; phương thức xử lý chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh,… Những bất cập này đã trở thành vấn đề nổi cộm, bức xúc ở nhiều địa phương thời gian qua.
Theo Báo cáo môi trường quốc gia năm 2019, Chỉ số phát triển CTRSH đô thị bình quân trên đầu người tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc là cao nhất với 1,20 kg/người/ngày; tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với 1,17kg/người/ngày; thấp nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 0,82kg/người/ngày.
Tỷ lệ thu gom CTRSH đô thị trung bình cả nước đạt khoảng 92%. Như vậy, còn 8% khối lượng CTRSH không được thu gom và bị thải bỏ vào môi trường xung quanh. Các thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ thu gom CTRSH đô thị tương đối cao ( TP. Hà Nội đạt 99,0%; TP.Hồ Chí Minh đạt 100%; Cần Thơ đạt 95,5%; Đà Nẵng đạt 100%; Hải Phòng đạt 97,0%). Ngoài ta, tại các đô thị, nhiều trạm trung chuyển, một số điểm tập kết còn có hiện tượng tồn đọng CTRSH kéo dài, gây mùi khó chịu, khiến người dân bức xúc do môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tỷ lệ thu gom CTRSH đô thị cao nhất là vùng Đông Nam Bộ với 98,6%, tiếp theo là vùng Đồng bằng sông Hồng với 96,8%; thấp nhất là vùng Tây Nguyên với 62,5%.
Thiên tai
Giai đoạn 2001-2021 trung bình mỗi năm có 6 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới đổ bộ và ảnh hưởng đến Việt Nam. Từ năm 2007, so với các năm trước tần suất bão ảnh hưởng đến Việt Nam có xu hướng tăng
Hình 6. Số cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam
giai đoạn 2001-2020
Nguồn: BCĐ phòng chống lụt bão Trung ương
Ngoài bão và áp thấp nhiệt đới, nước ta còn chịu ảnh hưởng của các loại thiên tai khác như: Động đất, lũ, lốc, mưa đá, ngập lụt, rét hại, sạt lở đất, sét đánh, triều cường.
Từ năm 2015 - 2021, thiên tai làm thiệt hại 1.230 nghìn ha lúa. Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại nặng nhất về lúa.
Hình 7. Ước giá trị thiệt hại giai đoạn 2015-2021 (tỷ đồng)
Nguồn: TCTK
Trong 7 năm (2015 - 2021), ước tính tổng giá trị do thiên tai gây ra lên đến 150,2 nghìn tỷ đồng. Năm 2017 là năm chịu tổn thất về thiên tai lớn nhất, tổng giá trị thiệt hại lên tới 60 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,2% GDP cả nước năm 2017. Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng có tổng thiệt hại ước tính lớn nhất cả nước.
Từ năm 2015 đến năm 2021, thiên tai đã làm 1.664 người chết và mất tích. Năm 2017 và 2020 là hai năm có số người chết và mất tích cao nhất, lần lượt là 389 người và 377 người.
Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là những vùng có số người chết và mất tích cao nhất cả nước. Số người chết và mất tích ở hai vùng này từ năm 2015 đến năm 2021 chiếm 85% tổng số người chết và mất tích của cả nước. Số người mất tích chủ yếu do thiên tai như: Giông sét, bão lũ, chủ yếu xảy ra ở khu vực miền núi phía Bắc và duyên hải miền Trung.
Tiêu thụ năng lượng
Theo tính toán từ kết quả Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam, mức tiêu thụ năng lượng bình quân đầu người của Việt Nam có xu hướng gia tăng. Tiêu dùng năng lượng bình quân đầu người tăng từ 4.020 nghìn đồng năm 2016 lên 6.468 nghìn đồng năm 2020.
Trong giai đoạn 2010 - 2020, tổng cung năng lượng sơ cấp ở Việt Nam tăng nhanh, gấp gần 2 lần: Từ 634,3 PJ năm 2010 lên 1.194,8 PJ năm 2020; tốc độ tăng tổng cung năng lượng sơ cấp năm 2018/2017 cao nhất (11,4%), năm 2020/2019 thấp nhất (2,8%). Điều này cho thấy, việc xanh hóa sử dụng năng lượng trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng.
Tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch trong tổng cung năng lượng sơ cấp có xu hướng giảm dần qua các năm. Năm 2010, tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch trong tổng cung năng lượng sơ cấp là 43,2%, đến năm 2020 tỷ trọng này giảm xuống còn 25,3%. Điều này cho thấy, xu hướng sử dụng năng lượng “sạch” đang có xu hướng gia tăng (trong giai đoạn 2010-2020, tỷ trọng của nhiên liệu hóa thạch trong tổng cung năng lượng sơ cấp đã giảm 17,9 điểm phần trăm).
Hoạt động quản lý ngân sách và bảo vệ môi trường
Theo kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011, trong số 245 làng nghề có phát thải nước thải công nghiệp và 546 làng nghề có phát thải chất thải rắn thì có đến 60% số làng nghề không xử lý nước thải và 11% không xử lý chất thải rắn.
Giai đoạn 2013-2020, chi ngân sách cho bảo vệ môi trường tăng hơn 1,6 lần từ 16.391 tỷ đồng năm 2013 lên 26.949 tỷ đồng năm 2020. Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng là 2 vùng có mức chi ngân sách cho bảo vệ môi trường cao nhất cả nước.
Số vụ vi phạm môi trường đã được xử lý giai đoạn 2012-2021 tăng hơn 5,7 lần, từ 2.438 vụ năm 2012 lên 14.042 vụ năm 2021 với số tiền xử phạt tăng gần 7,6 lần (năm 2012 số tiền xử phạt vi phạm môi trường khoảng 31,9 tỷ đồng, năm 2021 số tiền xử phạt môi trường vào khoảng 240,7 tỷ đồng).
Đỗ Thị Hồng
Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường - TCTK