Tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06. Sau hơn 1 năm triển khai, tình hình thực hiện Đề án 06 đã đạt kết quả tích cực hơn song cũng vẫn còn không ít nút thắt cần được hóa giải.
Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đổi mới phương thức quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Nhận diện nhiều khó khăn, thách thức và "điểm nghẽn" cần phải tập trung tháo gỡ ngay, liên quan đến pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh, an toàn, nguồn nhân lực... trong quá trình triển khai Đề án 06, cách đây 01 năm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ tại Công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023).
Những kết quả tích cực
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND địa phương cấp tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 06 năm 2024; 55/63 địa phương đã ban hành Chỉ thị đẩy mạnh triển khai Đề án 06, nhiều địa phương có các cách làm hay, sáng tạo như Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Bình Dương, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Nghệ An…
Qua 01 năm triển khai các văn bản chỉ đạo, kết quả thực hiện Đề án 06 có chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của Bộ Công an tại Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn' trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế tổ chức vào ngày 10/6/2024 cho thấy, các bộ ngành đã hoàn thành 01/8 nhiệm vụ chung và 11/15 nhiệm vụ cụ thể trong tổng số 23 nhiệm vụ chỉ đạo tại Công văn 452. Nổi bật là, thể chế, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện với Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Căn cước được Quốc hội thông qua và 02 Nghị định có liên quan được ban hành, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, minh bạch, hiệu lực.
Bên cạnh đó, dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Tính đến hết tháng 4/2024, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp trên 4.500 dịch vụ công trực tuyến (chiếm 71,7% tổng số 6.287 thủ tục hành chính). Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở địa phương đạt 47,8%, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023; ở bộ, ngành đạt 49,4%, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến ở bộ, ngành đạt 24,11%; ở địa phương đạt 43,11%.
Bên cạnh đó, dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Tính đến hết tháng 4/2024, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp trên 4.500 dịch vụ công trực tuyến (chiếm 71,7% tổng số 6.287 thủ tục hành chính). Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở địa phương đạt 47,8%, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023; ở bộ, ngành đạt 49,4%, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến ở bộ, ngành đạt 24,11%; ở địa phương đạt 43,11%.
Quy trình của hầu hết các dịch vụ công thiết yếu được tái cấu trúc; thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông điện tử, tái sử dụng dữ liệu số hóa giúp tiết giảm thủ tục, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp. Đã đơn giản hóa 763/1.084 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, đồng thời công bố, cập nhật công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó điều chỉnh, tái cấu trúc lại quy trình nội bộ, quy trình điện tử để thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Bộ Tài chính và 62/63 địa phương ban hành các văn bản về miễn giảm phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính theo hướng ưu đãi khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đề án 06 đã cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng/năm.
Thêm vào đó, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành tiếp tục được đẩy mạnh, tạo tiện ích trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới người dân, doanh nghiệp. Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư đã được kết nối, chia sẻ với 18 bộ, cơ quan và 63 địa phương. Đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp, kích hoạt 54 triệu tài khoản và tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin.
Bộ Công an đã tích hợp, sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập Cổng dịch vụ công Quốc gia và các ứng dụng của các Bộ, ngành; thực hiện tích hợp thông tin cư trú (sổ hộ khẩu điện tử) của công dân lên tài khoản định danh điện tử. Chính thức triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID từ ngày 22/4/2024 tại một số tỉnh và bước đầu phát huy hiệu quả. Hạ tầng số cũng được quan tâm đầu tư và đạt một số kết quả tích cực, nhất là Trung tâm dữ liệu quốc gia đang được tích cực triển khai.
Bên cạnh kết quả trên, đến nay, đã có 18 Bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước, 03 doanh nghiệp viễn thông và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, tỷ lệ tra cứu, xác thực, khai thác thông tin dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính ngày càng tăng, giúp tiết kiệm chi phí thực hiện các thủ tục đáng kể cho người dân.
Ở một số địa phương đã chủ động nghiên cứu, triển khai các giải pháp kết nối, chia sẻ để tạo thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến. Điển hình như tỉnh Bình Định thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với Hệ thống thông tin của các bệnh viện, trường học, doanh nghiệp cấp nước, vệ sinh môi trường trên địa bàn, giúp người dân thanh toán trực tuyến viện phí, phí trên Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hay như tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng Cơ sở dữ liệu quản lý lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn Tỉnh và kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, đơn vị khác.
Sau hơn 1 năm triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, tình hình thực hiện Đề án 06 đã đạt
kết quả tích cực hơn song cũng vẫn còn không ít nút thắt cần được hóa giải
Vẫn còn những “nút thắt”
Tuy nhiên, đánh giá một cách thẳng thắn, khách quan, việc triển khai Đề án 06 vẫn còn không ít những “nút thắt” cần tháo gỡ. Trước hết là tiến độ xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách vẫn chậm so với yêu cầu, còn 317/1.084 thủ tục hành chính cần tiếp tục sửa đổi, đơn giản hóa, một số nghị định chưa được ban hành đúng hạn, còn 1 địa phương chưa hoàn thành việc ban hành các Nghị quyết miễn, giảm phí lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai Đề án trong năm 2024-2025.
Đặc biệt, việc tái cấu trúc, quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính còn rất chậm, nhất là với các thủ tục liên quan đến nhiều cơ quan. Còn 06 Bộ, ngành chưa hoàn thành tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch công quốc gia đối với 06 TTHC theo Quyết định 422/QĐ-TTg và Quyết định số 206/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Còn 06 bộ, ngành chưa hoàn thành công bố danh mục TTHC thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình để địa phương tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn quốc, làm chậm tiến độ chuyển hóa các thủ tục hành chính lên môi trường điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thêm vào đó, phát triển hạ tầng số cũng còn nhiều bất cập, chưa khắc phục được tình trạng "manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt và co cụm dữ liệu". Vẫn còn các thôn, bản "trắng" sóng, "lõm" sóng, chưa có điện lưới để đáp ứng nhu cầu của người dân và phục vụ công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06. Tỉ lệ tái sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa phục vụ giải quyết thủ tục hành chính còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa của Bộ, ngành chỉ đạt 1,13%, của địa phương chỉ đạt 10,35%. Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương còn gặp khó khăn, chưa đồng bộ, tương thích về mặt kỹ thuật. Nút thắt này nếu không được tháo gỡ sẽ là rào cản thực hiện mục tiêu đến năm 2025 cắt giảm 50% thủ tục hành chính liên quan đến dữ liệu dân cư.
An ninh, an toàn bảo mật cũng là vấn đề đáng được quan tâm. Hiện còn 21/100 Hệ thống thông tin chưa đáp ứng tất cả các tiêu chí an toàn, an ninh mạng, 11/100 Hệ thống thông tin của 04 Cơ quan chưa thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh mạng. Tình trạng tấn công mạng có xu hướng gia tăng, vẫn còn tình trạng chưa bảo đảm về an toàn thông tin, lộ lọt dữ liệu công dân, gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.
Để đạt được các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, trong đó có việc triển khai hiệu quả Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, "không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm", phát huy quyết tâm "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là có kết quả cân đong đo đếm được", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
Một là, khẩn trương hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển dữ liệu về dân cư, kết nối, chia sẻ dữ liệu nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung; các bộ ngành, địa phương phải chủ động, tích cực, sáng tạo theo thẩm quyền, không trông chờ, không ỷ lại.
Hai là, đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân.
Ba là, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ ngành, địa phương, tạo tiền đề cho phát triển, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia và hình thành kho thông tin định danh số cho công dân, tổ chức trong thực hiện các thủ tục hành chính. Đẩy mạnh tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển Chính phủ số và thúc đẩy các giao dịch thương mại trên môi trường số được thường xuyên, liên tục, an toàn.
Bốn là, các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, khắc phục hiệu quả những hạn chế, tồn tại trên và có lộ trình thực hiện cụ thể về pháp lý, dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng số, an ninh, an toàn mạng, nguồn lực, chỉ đạo, điều hành…
Hơn 2 năm là chặng đường không ngắn nhưng cũng chưa dài đối với nhiệm vụ thực hiện Đề án 06 nói riêng và công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói chung. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, cùng sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, đồng thời thực hiện hiệu quả việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, tin tưởng Việt Nam sẽ hình thành hệ sinh thái công dân số, cung cấp nhiều tiện ích cho người dân và sớm về đích hành trình chuyển đổi số; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững./.
B.N