Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em - Nhiệm vụ chính trị trung tâm với tương lai đất nước

|

Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em - Nhiệm vụ chính trị trung tâm với tương lai đất nước

Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ chính trị trung tâm đối với tương lai đất nước, được nhấn mạnh trong các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho trẻ em. Để thực hiện nhiệm vụ này, vì thế hệ măng non của đất nước, động lực tăng trưởng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tương lai, Việt Nam thường xuyên quan tâm, đẩy mạnh nhiều chính sách chăm sóc và bảo vệ trẻ em, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Từ khóa: Trẻ em, chăm sóc, bảo vệ, khó khăn, an toàn, chính sách

Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được ưu tiên hàng đầu

Sau những nỗ lực không ngừng suốt cả thập kỷ, đến nay, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, gia đình và xã hội; tổ chức bộ máy, chính sách, nguồn lực, hệ thống y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, các dịch vụ xã hội được tăng cường, đáp ứng cơ bản yêu cầu chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; quyền trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gặp khó khăn trong cuộc sống được quan tâm. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình, nhà trường và xã hội ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến trẻ em.

Tiếp nối những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, trong năm 2023, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm thiểu tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước ở trẻ em. Các vụ việc xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật được phát hiện, ngăn chặn và được xử lý kịp thời. Công tác điều tra xử lý tội phạm đạt tỷ lệ cao, nhất là các vụ án, vụ việc liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; 100% tin báo, tố giác tội phạm được tiếp nhận, giải quyết, trong đó, nhóm hành vi phạm tội xâm hại tình dục trẻ em đã điều tra, khởi tố đạt trên 95,2%, không để tồn đọng vụ việc. Triển khai nhiều công văn gửi Bộ, ngành, địa phương về tăng cường các biện pháp bảo đảm môi trường an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn cháy nổ, chống đuối nước cho trẻ em. Đẩy mạnh thực hiện Đề án Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời giai đoạn 2018-2025, các hội thảo và tập huấn được triển khai tại 16 huyện thuộc 10 tỉnh, thành phố. Cơ quan chức năng đã triển khai rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng các văn bản liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, hướng dẫn khám sức khỏe định kỳ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, chăm sóc phát triển trẻ toàn diện trong 5 năm đầu đời…

 

Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vì thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước

Công tác truyền thông về trẻ em từng bước đổi mới, việc thông tin, tuyên truyền trên môi trường mạng được chú trọng, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm của gia đình, hướng dẫn cha mẹ kiến thức, kỹ năng ứng xử, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong gia đình và ý thức của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Việc rà soát, phối hợp xử lý, gỡ bỏ các thông tin, hình ảnh, nội dung xấu độc trên môi trường mạng thực hiện thường xuyên, kịp thời. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em được tổ chức thường xuyên. Lồng ghép các nội dung tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng chống đuối nước, sơ cấp cứu ban đầu, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ… vào chương trình hoạt động và học tập tại nhà trường.

Bên cạnh đó, trẻ em được thúc đẩy tham gia vào các diễn đàn nhằm trao cho các em cơ hội thảo luận, đề xuất kiến nghị, sáng kiến về những vấn đề liên quan đến trẻ em. Trong năm 2023, có 31 tỉnh, thành phố đã tổ chức diễn đàn trẻ em cấp tỉnh với hơn 4,7 nghìn lượt trẻ tham gia, 212 diễn đàn trẻ em cấp huyện với khoảng hơn 32 nghìn lượt trẻ em tham gia, 673 diễn đàn trẻ em cấp xã với khoảng hơn 77 nghìn lượt trẻ tham gia. Cũng trong năm, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội đã tổ chức phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I với sự tham gia của 263 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tại đây, các em thiếu nhi đã có điều kiện phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Cùng với đó, đã có 33 kỳ họp Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, 282 kỳ họp Hội đồng trẻ em cấp huyện được tổ chức.

Đáng chú ý, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em còn được tập trung đẩy mạnh ở nhóm đối tượng trẻ em yếu thế, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khó khăn với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau. Theo đó, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trẻ em vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tạo điều kiện để tiếp cận bình đẳng các dịch vụ cơ bản về chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần, dinh dưỡng, giáo dục, nước sạch vệ sinh và các chính sách an sinh xã hội để có thể thực hiện các quyền được sống, được phát triển, học tập và bảo vệ bản thân.

Cùng với các kết quả trên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng liên quan đến trẻ em tích cực được đổi mới cả về nội dung và hình thức, đảm bảo thiết thực, phù hợp; góp phần nâng cao nhận thức, sự đồng thuận và chung tay hành động của toàn xã hội đối với công tác trẻ em. Song song với đó, tổ chức phối hợp liên ngành về công tác trẻ em đã được hình thành ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã, giúp đẩy mạnh phối hợp, đôn đốc việc giải quyết các vấn đề trẻ em và thực hiện quyền của trẻ em ở địa phương.

Tăng cường nguồn lực và các chính sách, thực hiện quyền trẻ em

Để hiện thực hóa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, hàng năm, ngân sách nhà nước đều bố trí kinh phí thông qua chính sách, chương trình, đề án và hoạt động thường xuyên của các Bộ, ngành, địa phương theo lĩnh vực và phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành cho lĩnh vực trẻ em. Theo đó, ngân sách trung ương dành cho các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em do các Bộ, cơ quan trung ương thực hiện; chi thực hiện các chương trình mục tiêu, hỗ trợ có mục tiêu cho một số địa phương ngân sách khó khăn để thực hiện các chính sách, chế độ, đề án, chương trình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ngân sách địa phương cùng nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để thực hiện các chính sách, chế độ, đề án, chương trình và hoạt động thường xuyên cho công tác trẻ em trên địa bàn trong các lĩnh vực sự nghiệp y tế, giáo dục, bảo đảm xã hội và các sự nghiệp khác.

Theo Ủy ban Quốc gia về Trẻ em, trong năm 2023, để thực hiện các Chương trình, đề án đã được phê duyệt liên quan đến lĩnh vực trẻ em, ngân sách Trung ương đã bố trí 19,45 tỷ đồng trong dự toán chi đảm bảo xã hội của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đồng thời các Bộ, ngành và địa phương chi đảm bảo xã hội 489 tỷ đồng triển khai Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030. Từ các nguồn ngân sách và viện trợ của các tổ chức quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dành nguồn kinh phí trên 47,15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực trẻ em. Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh bố trí 200 triệu đồng cho hoạt động của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã huy động hơn 3 tỷ đồng hỗ trợ học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời thực hiện các hoạt động thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn nâng cao nhận thức về quyền trẻ em; hỗ trợ sáng kiến của trẻ em.

Thực hiện Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Vận động xã hội để hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2018-2025 (Quyết định 588), đã có hơn 10 nghìn trẻ được hỗ trợ mua chăn màn, áo ấm với số tiền 5 tỷ đồng nhân dịp Tết Nguyên đán. Từ năm 2019 đến nay, các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và địa phương đã triển khai thực hiện hỗ trợ cho hơn 6,4 triệu lượt trẻ em với tổng kinh phí trên 1.646 tỷ đồng theo Quyết định 588. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và các cơ sở Hội tại địa phương đã huy động từ các đối tác, doanh nghiệp để trao học bổng và quà tặng cho gần 15 nghìn trẻ em với tổng số tiền trị giá 1,15 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, nỗ lực hoàn thiện và thực hiện chính sách, pháp luật, các chương trình, đề án, kế hoạch hành động về trẻ em nhằm thực hiện tốt hơn quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em một cách kịp thời và đồng bộ. Đến nay, cơ sở dữ liệu về trẻ em đã được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện và theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện quyền trẻ em.

Các bộ, ngành đã chủ trì, phối hợp trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ký ban hành 01 Chỉ thị của Bộ Chính trị, 02 Luật, 01 Pháp lệnh, 04 Nghị định, 01 Nghị quyết của Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 Chỉ thị, 01 Quyết định. Các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã xây dựng và ban hành 10 Thông tư và Thông tư liên tịch liên quan đến bảo đảm quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em; nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung. Việc lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng các văn bản chính sách, pháp luật có liên quan đến trẻ em theo quy định của Luật trẻ em năm 2016 được các bộ, ngành quan tâm hơn.

Trong năm 2024, công tác chính sách, pháp luật dành cho trẻ em tiếp tục được quan tâm triển khai như: Thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến trẻ em, nhất là các nhiệm vụ được giao tại: Chỉ thị số 28-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 25/12/2023 về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ Về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ mồ côi giai đoạn 2023-2030 cùng các chỉ thị, chương trình dành cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vẫn còn tồn tại một số hạn chế, cần nhanh chóng thúc đẩy các giải pháp khắc phục. Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Phiên họp thường kỳ của Ủy ban Quốc gia về Trẻ em năm 2023 cho thấy, tình hình xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, bạo lực trong gia đình vẫn diễn biến phức tạp. Người chưa thành niên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng. Tai nạn thương tích dẫn đến tử vong ở trẻ em giảm chậm. Mạng lưới thiết chế văn hóa thể thao dành cho trẻ em phát triển chậm và có chiều hướng bị thu hẹp. Các nền tảng xã hội trực tuyến phát triển nhanh nhưng chưa có đủ công cụ, biện pháp hiệu quả xử lý nội dung độc hại, không phù hợp với trẻ em. Vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần của trẻ em; tình hình dịch bệnh ở trẻ em có diễn biến mới; chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi ở một số tỉnh đạt tỷ lệ thấp; tỷ lệ béo phì ở trẻ em có xu hướng tăng.

Để giải quyết những vấn đề đặt ra đối với công tác trẻ em, các cấp, các ngành cần hành động quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả, tạo chuyển biến thực sự trong năm 2024 và những năm về sau, để mọi trẻ em Việt Nam đều được hưởng điều kiện sống an toàn và điều kiện phát triển toàn diện, trở thành thế hệ chủ nhân tương lai, tự tin góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc./.

ThS.Trần Thị Tố Uyên
Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội