Nâng cao vai trò của phụ nữ và các cấp hội phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới

|

Nâng cao vai trò của phụ nữ và các cấp hội phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới

Bước sang năm thứ 4 của giai đoạn 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Những kết quả đạt được có sự đóng góp tích cực với nhiều thành quả đáng ghi nhận của phụ nữ và các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tham gia xây NTM.

Phụ nữ và các cấp Hội LHPN Việt Nam  tích cực tham gia xây dựng NTM

Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM cán bộ, hội viên, phụ nữ vừa là chủ thể thực hiện, vừa là nhân tố tích cực thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, vừa là người được trực tiếp thụ hưởng những thành quả tốt đẹp của chương trình. 

 

Khẳng định vai trò và tầm quan trọng của phụ nữ và Hội LHPN trong xây dựng NTM,  Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Trung ương Hội LHPN Việt Nam chủ trì, hướng dẫn triển khai thực hiện nội dung Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025; vun đắp, gìn giữ giá trị tốt đẹp và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam; thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Đây là điều kiện thuận lợi để Hội LHPN các cấp tiếp tục phát huy năng lực, trách nhiệm trong thực hiện các nội dung thành phần Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Bước sang năm thứ 4 thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, kinh tế nông thôn phát triển, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống về vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt. Có được những kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến địa phương, sự đồng tình, hưởng ứng, tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân. Trong những nỗ lực chung này còn có sự đóng góp tích cực với nhiều thành quả đáng ghi nhận của phụ nữ và các cấp Hội LHPN Việt Nam tham gia xây NTM.

Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng điều phối NTM các cấp năm 2024, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết, thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, vai trò, vị thế chủ thể của phụ nữ trong NTM ngày càng được tôn trọng và phát huy. Theo đó, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội, giai đoạn 2021-2023, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ ngành tập trung chỉ đạo các cấp Hội thực hiện các nội dung thành phần được phân công chủ trì, phối hợp thực hiện; tích cực đóng góp ý kiến và đề xuất sửa đổi các thông tư, hướng dẫn thực hiện Chương trình nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ Hội LHPN Việt Nam được Chính phủ giao thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ 2022-2027 gắn với cuộc vận động, Chương trình, Đề án của Hội để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, tạo khí thế thi đua, tinh thần phấn khởi trong cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Đặc biệt, ghi nhận vai trò nòng cốt của các cấp Hội cơ sở trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM theo hướng dẫn của Trung ương Hội; đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện các hoạt động xây NTM bằng nhiều chương trình và hình thức cụ thể như: Tham gia Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG từ Trung ương đến địa phương; vận động phụ nữ hiến đất, góp công xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, thủy lợi nội đồng; Thực hiện tín dụng chính sách, để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình, tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất để tăng giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi, gắn công nghiệp chế biến với thị trường tiêu thụ sản phẩm; Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu của thị trường; hỗ trợ thúc đẩy và phát triển các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo; hỗ trợ mô hình doanh nghiệp, HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho phụ nữ và đối tượng khác; tham gia vào việc phổ cập giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục từ gia đình đến nhà trường; vận động hội viên và nhân dân tham gia bảo hiểm y tế để tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; chủ động tham gia các chương trình/hoạt động nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa gắn với đảm bảo an sinh - xã hội: Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, tiếp bước cho em đến trường, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu trẻ mồ côi phát huy hiệu quả, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao, thu hút sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, vun đắp giá trị gia đình Việt Nam lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức cũng như hành động của hội viên phụ nữ và cộng đồng; đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình được cải thiện rõ nét; vai trò chủ thể của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng cao, trở thành nhân tố tích cực trong xây dựng NTM.

 

Bên cạnh đó, tham gia vào xây dựng NTM, phụ nữ là nhân tố quan trọng, quyết định hiệu quả cuộc vận động, là lực lượng chủ chốt tham gia công tác vệ sinh, bảo vệ môi trường nông thôn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu...; đồng thời, tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội đề xuất chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới và phát triển nông thôn.

Phụ nữ phát huy vai trò thành viên trong tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Qua đó, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách tại địa phương, làm căn cứ đề xuất với cấp ủy, chính quyền để có giải pháp tháo gỡ để triển khai Chương trình ngày càng đi vào chiều sâu và có chất lượng.

Các cấp Hội phụ nữ cũng đã chủ động triển khai, lựa chọn, đăng ký, đảm nhận những công trình/phần việc phù hợp với khả năng của Hội và nhu cầu của phụ nữ trong xây dựng NTM.  Thực hiện “3 sạch” gắn với hàng chục nghìn công trình/phần việc bảo vệ môi trường do các chi hội/tổ phụ nữ đảm nhiệm được triển khai rộng khắp làm thay đổi bộ mặt nông thôn và khẳng định vai trò của tổ chức Hội trong xây dựng NTM.

Các cấp Hội phụ nữ tham gia các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, điển hình như: Hướng dẫn hộ dân phân loại rác tại nguồn, ra quân thu dọn vệ sinh đường phố, khu dân cư và các tuyến kênh nội đồng; xóa các điểm bỏ rác tự phát, trồng cây xanh, cây hoa các loại góp phần làm mới và duy trì nâng cao chất lượng “Tuyến đường phụ nữ - xanh, sạch, đẹp”, hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và tiếp cận với các điều kiện sử dụng nước sạch được quan tâm thực hiện.

Phụ nữ tích cực tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Đề án 939 hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; Đề án 01 về HTX; bảo vệ môi trường, trồng nhiều cây xanh, tuyến đường hoa, xanh - sạch - đẹp - văn minh, đóng góp đáng kể trong thực hiện các tiêu chí xã NTM nâng cao, kiểu mẫu, đô thị văn minh, góp phần thực hiện 13/19 tiêu chí NTM.

Kết quả sau 3 năm, đã có 22.083 cơ sở Hội đăng ký các hoạt động thiết thực, phù hợp tham gia xây NTM, đô thị văn minh, được 40.648 công trình/phần việc (vượt 136% so với kế hoạch); giúp 17.931.440 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (vượt chỉ tiêu đăng ký); vận động hỗ trợ 698.854 hộ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; 3.619.579 hộ sử dụng nước sạch.

Đạt được kết quả trong Chương trình MTQG xây dựng NTM, trong 3 năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, triển khai Chương trình, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp Hội; Công tác tham mưu với cấp ủy, đề xuất với chính quyền và phối hợp với các ngành chức năng đã được các cấp Hội quan tâm, chú trọng. Nhiều địa phương sáng tạo trong đề xuất cơ chế, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị địa phương trong triển khai Chương trình và tập trung các nguồn lực để thực hiện các nội dung thành phần được phân công; cụ thể hóa các tiêu chí phù hợp để thực hiện, phát huy sự tham gia tích cực của các tầng lớp hội viên, phụ nữ.

Tiếp tục nâng cao vai trò của phụ nữ và các cấp hội phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới

Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, ứng dụng khoa học công nghệ trong thời đại 4.0 phát triển mạnh mẽ, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt và dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hội viên phụ nữ, tác động đến sản xuất, đến phong trào thi đua xây dựng NTM của các cấp Hội, từ đó đặt ra những thách thức đối với các cấp Hội và quá trình triển khai tổ chức thực hiện.

Để phát huy vai trò của cán bộ, hội viên phụ nữ trong xây dựng NTM, tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu của Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027 nhằm đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch đề ra, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã và đang  tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả những giải pháp trọng tâm cơ bản sau:

Một là, tăng cường đổi mới các hoạt động tuyên truyền, vận động, ứng dụng công nghệ thông tin và đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số để tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ về Chương trình MTQG xây dựng NTM; hướng dẫn thực hành sử dụng các kỹ năng số, nền tảng số phục vụ công tác Hội và xây dựng NTM tại địa phương hướng đến xây dựng nông thôn thông minh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Hai là, đẩy mạnh tập huấn, truyền thông nâng cao năng lực, kiến thức cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp; xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình Tăng cường các hoạt động nâng cao kiến thức, năng lực cho cán bộ Hội các cấp về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất; thúc đẩy phụ nữ tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển ngành nghề truyền thống; Bảo vệ môi trường...

Ba là, phát huy vai trò của tổ chức Hội và các tổ chức thành viên trong tổ chức thực hiện các nội dung Chương trình. Trung ương Hội tiếp tục chỉ đạo Hội LHPN các tỉnh/thành xây dựng đề án/kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021-2025 theo kế hoạch/hướng dẫn của Trung ương Hội và Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG tỉnh/thành...; mở rộng quan hệ phối hợp với các tổ chức trong nước, quốc tế để tập trung nguồn lực cho hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, giảm nghèo bền vững.

Bốn là, thực hiện đánh giá giữa kỳ cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, đảm bảo duy trì bền vững các mô hình xây dựng NTM ở cơ sở góp phần xây dựng NTM; Nâng cao chất lượng các phần việc/hoạt động xây dựng NTM ở cơ sở nhằm thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đề ra có liên quan xây dựng NTM; nghiên cứu và bổ sung hướng dẫn triển khai xây dựng “Gia đình 5 có, 3 sạch” trong thôn/xã NTM thông minh, xã thương mại điện tử; xây dựng thực hiện, nhân rộng các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh khả thi...

Năm là, nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, đề xuất chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới. Trung ương Hội tiếp tục đề xuất ứng dụng Bộ công cụ và cơ chế giám sát việc thực hiện bình đẳng giới trong xây dựng NTM đưa vào Bộ Chỉ số giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025; Phối hợp với ban, ngành, đoàn thể cùng cấp tiếp tục tham gia giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM ở địa phương; tham gia phản biện xã hội về các cơ chế, chính sách, lồng ghép các chương trình, dự án, nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG.../.

 

Minh Thư