Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam - Những vấn đề đặt ra

|

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam - Những vấn đề đặt ra

Tăng trưởng kinh tế trong nước có nhiều chuyển biến tích cực
 
Đối mặt với cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với sự mất cân đối trong nhiều năm của nội tại nền kinh tế, những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực chèo lái con thuyền kinh tế trong khó khăn, thử thách để duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, giai đoạn 2011-2017, tăng trưởng kinh tế nước ta đã thoát khỏi sự phụ thuộc vào các giải pháp kích cầu ngắn hạn và ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát, đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra; một số ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội then chốt tiếp tục thu được kết quả quan trọng; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; thu hút khách quốc tế, đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp mới thành lập tăng mạnh trong những năm gần đây; an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh chính trị - xã hội ổn định. Điều này được minh chứng qua những số liệu thống kê cụ thể: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2011 đạt 6,24%, năm 2012 giảm xuống còn 5,25%, từ năm 2013 đã dần phục hồi với tốc độ tăng 5,42%, năm 2014 đạt 5,98%, năm 2015 đạt 6,68%, năm 2016 đạt 6,21%, năm 2017 đạt 6,81% và năm 2018 đạt 7,08%. Bình quân giai đoạn 2011-2018, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,2%/năm, là quốc gia có mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.
 
Điều đáng mừng trong những năm qua, Việt Nam không những duy trì được tốc độ tăng trưởng khá mà chất lượng tăng trưởng đã được cải thiện. Thể hiện ở chỗ, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP đã giảm từ 19,57% năm 2011 xuống 15,34% năm 2017; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 32,24% lên 33,40%; khu vực dịch vụ tăng từ 36,73% lên 41,26%. Xét từng khu vực kinh tế cho thấy những chuyển biến đáng kể về chất. Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Sản xuất lúa có xu hướng thu hẹp diện tích, chú trọng chuyển đổi sang lúa chất lượng cao phù hợp với thị trường; diện tích trồng cây lâu năm có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt với những loại cây trồng, sản phẩm phục vụ xuất khẩu; nuôi trồng thủy sản chuyển dịch mạnh mẽ sang nuôi trồng các loài trọng điểm dùng làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu… Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng: Giảm tỷ trọng ngành khai khoáng, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất hiện ngày càng nhiều các ngành mới, có công nghệ phát triển… Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa với kim ngạch hai chiều tăng cao, nhập siêu giảm mạnh; quy mô xuất khẩu hàng hóa tăng cao; cơ cấu hàng xuất khẩu thay đổi theo hướng gia tăng sản phẩm chế biến và tinh chế...
 
Một trong những thành công đáng kể của nước ta trong thời gian qua là vừa duy trì tốc độ tăng trưởng khá, vừa kiềm chế lạm phát thành công. Nhớ lại, năm 2011, lạm phát của nước ta ở mức 18,58%, cao nhất trong các nước thuộc khối ASEAN, nhưng đến năm 2017 giảm xuống chỉ còn 3,53% (bình quân mỗi năm giai đoạn 2011 – 2017 lạm phát tăng 6,33%), năm 2018 là 3,54%. Có được kết quả đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, áp dụng chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, góp phần tăng thu nhập thực của người dân.
 
Bên cạnh đó, độ mở của nền kinh tế nước ta khá cao, thuộc nhóm nước có độ mở khá trong khu vực ASEAN. Số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ so với GDP tăng cao trong những năm gần đây: Năm 2011 đạt 162,9%, năm 2012 đạt 156,5%, năm 2013 đạt 165,1%, năm 2014 đạt 169,5%, năm 2015 đạt 178,8%, năm 2016 đạt 184,7%, năm 2017 đạt 200,3% và năm 2018 là 208,6%. Điều này chứng tỏ Việt Nam đã khai thác được thế mạnh của kinh tế trong nước, đồng thời tranh thủ được thị trường thế giới. Đây là kết quả của quá trình hội nhập với thế giới trong điều kiện toàn cầu hóa. Cán cân vãng lai của nền kinh tế được cải thiện. Sau một thời gian dài luôn ở trong tình trạng thâm hụt, giai đoạn 2011-2017, lần đầu tiên cán cân vãng lai của Việt Nam duy trì trạng thái thặng dư. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kết thúc năm 2011 cán cân vãng lai của Việt Nam đã bắt đầu thặng dư, dù mức thặng dư không lớn, chỉ 48 triệu USD; năm 2017 ước tính 4676 triệu USD.
 
Chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế được cải thiện còn thể hiện ở sự tăng bậc của một số chỉ số như: Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam từ thứ hạng 68/131 năm 2007 đã tăng lên 55/137 năm 2017; Xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2018 đứng thứ 68/190, tăng 14 bậc so đánh giá năm 2017; Chỉ số nhà quản trị mua hàng và Hệ số tín nhiệm quốc gia đều được nâng lên.
 
Một số yếu tố trực tiếp tác động đến chất lượng tăng trưởng cũng có tiến bộ đáng kể như: Năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp… NSLĐ của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm. NSLĐ xã hội của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành giai đoạn 2011-2017 lần lượt là: 55,2 triệu đồng/lao động; 63,1 triệu đồng/lao động; 68,7 triệu đồng/lao động; 74,7 triệu đồng/lao động; 79,4 triệu đồng/lao động; 84,5 triệu đồng/lao động và 93,2 triệu đồng/lao động. Bình quân giai đoạn 2011-2017, NSLĐ của toàn nền kinh tế tăng 4,7%/năm. Năm 2018, NSLĐ của toàn nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4512 USD), tăng 346 USD so với năm 2017; theo giá so sánh, NSLĐ tăng 5,93% so với năm 2017. Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cho tăng trưởng GDP của Việt Nam thời gian qua cũng được nâng lên: Giai đoạn 2001-2010 chỉ đạt 4,3%; giai đoạn 2011-2015 đã tăng lên, đạt 33,58%; giai đoạn 2016-2018 đạt 43,3%.
 
Nâng cao chất lượng tăng trưởng - bài toán đặt ra
 
Mặc dù kinh tế Việt Nam đã có những bước tăng trưởng khá, thu hẹp dần khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới, song chất lượng tăng trưởng kinh tế của nước ta trong giai đoạn 2011-2017 còn thấp thiếu bền vững, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Các yếu tố như: Năng suất các nhân tố tổng hợp, năng suất lao động, chi phí sản xuất, tiêu hao năng lượng cho sản xuất hiệu quả đầu tư đều có những hạn chế nhất định.
 
Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cho tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 đã tăng, song vẫn thấp so với các nước trong khu vực (tỷ lệ đóng góp TFP của Thái Lan trong giai đoạn 2011-2015 là 59% và Phi-lip-pin là 46%). Điều này cho thấy, trình độ phát triển khoa học và công nghệ, kỹ năng tổ chức và quản lý trong sản xuất, kinh doanh của lao động Việt Nam còn chưa đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hiện đại.
 
Năng suất lao động dù đã có những cải thiện song mức NSLĐ hiện nay của nước ta vẫn rất thấp so với một số nước trong khu vực. Tính theo PPP năm 2011, mức NSLĐ của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% mức NSLĐ của Xin-ga-po, 18,4% của Ma-lai-xi-a, 36,2% của Thái Lan, 43% của In-đô-nê-xi-a và bằng 55% của Phi-lip-pin. Điểm đáng chú ý về chênh lệch mức NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Đây chính là thách thức nền kinh tế Việt Nam phải giải quyết để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước.
 
 Chi phí đầu vào cho sản xuất của Việt Nam có xu hướng tăng dần qua các năm. Tỷ lệ chi phí trung gian so với giá trị sản xuất của toàn bộ nền kinh tế năm 2000 là 56,5%, năm 2007 tăng lên 63,1%, năm 2012 là 65,1% và năm 2017 ước tính lên tới 68%.
 
Mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất của Việt Nam cũng có xu hướng tăng dần. Năm 2000, để sản xuất ra 1 đồng GDP cần 0,1 đồng năng lượng, đến năm 2007 cần 0,13 đồng, năm 2012 cần 0,24 đồng và năm 2017 cần 0,26 đồng. Như vậy, để sản xuất ra 1 đồng GDP thì mức tiêu hao năng lượng năm 2017 đã gấp tới 2,6 lần năm 2000.
 
Một yếu tố nữa tác động không nhỏ đến chất  lượng  tăng  trưởng  kinh tế là hiệu quả đầu tư. Trong  nhiều năm qua,  nền  kinh  tế  nước  ta  vận  hành  theo  mô  hình  tăng  trưởng  chủ  yếu  dựa  vào  yếu  tố vốn. Giai đoạn 2001-2010, tỷ lệ  vốn  đầu  tư  phát  triển  bằng  41,6%  GDP, đến  giai  đoạn  2011-2017,  tỷ  lệ đã giảm xuống còn 32,1% GDP, năm 201833,5%, đây vẫn là mức cao so với nhiều nước trong khu vực. Không thể phủ nhận, trong một giai đoạn, việc huy động được nguồn vốn lớn đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng do sử dụng vốn lãng phí, thất thoát nên hiệu quả đầu tư thấp, thể hiện qua chỉ số ICOR. Kết quả tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, hệ số ICOR của Việt Nam ở mức 4,04 những năm 2001-2005 tăng lên 6,08 giai đoạn 2006-2010 6,25 giai đoạn 2011-2015, nói cách khác, để tạo ra 1 đồng GDP phải đầu tư 6,25 đồng (giai đoạn 2011-2015). Đây là hệ số ICOR cao so với một số nước trong khu vực (giai đoạn 2011-2015) như: Phi- lip-pin 3,98, Ma-lai-xi-a 5,05, nhưng lại thấp hơn In-đô-nê-xi-a 6,56Thái Lan 15,85. Tuy nhiên, trong năm 2017 2018, hệ số ICOR của nền kinh tế nước ta đã được cải thiện: Năm 20176,1120185,97; bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 6,17 (thấp hơn giai đoạn 2011-20156,25). Hiệu quả đầu tư còn được thể hiện qua chỉ số lan tỏa kinh tế, trong giai đoạn 2011-2017, vốn đầu tư vào khu vực nông, lâm, thủy sản tuy chỉ chiếm 5%-6% tổng vốn đầu tư của cả nền kinh tế nhưng khu vực này đã tạo ra 15%-19% GDP của cả nước; trong khi đó, khu vực công nghiệpxây dựng tuy tạo ra 32%-33% GDP nhưng vốn đầu tư của khu vực này chiếm tới 43%-48%; khu vực dịch vụ tạo ra 37%-41% GDP nhưng vốn đầu tư chiếm tới 47%-51%. Điều này cho thấy, đầu tư của khu vực công nghiệp xây dựng, dịch vụ chưa hiệu quả, khu vực nông, lâm, thủy sản tuy có khá hơn song cũng chưa đạt kết quả mong muốn.
 
Thứ hạng một số chỉ tiêu kinh tế - hội của Việt Nam một số nước ASEAN trong
Bảng xếp hạng các nền kinh tế thế giới năm 2017
 
Việt Nam   Xin-ga-po Ma-lai-xi-a Thái Lan In-đô-nê-xi-a Phi-li-pin
1. GDP theo giá hiện hành 45 36 37 25 16 38
2. GDP theo giá hiện hành bình quân đầu người  
136
 
9
 
67
 
85
 
116
 
129
3. GDP theo sức mua tương đương bình quân đầu người theo giá hiện hành  
127
 
4
 
45
 
73
 
97
 
116
4. Tổng dự trữ quốc tế (bao gồm vàng) theo giá hiện hành  36          9  22  10 17  25
5. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ  24  9  25  21(*)  28  37
6. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ bình quân đầu người  61 2 37  64(*)  104  97
7. Chỉ số HDI(**) 115          5           59              87               113         116
(*) Số liệu năm 2016. (**) Chỉ số HDI năm 2015.
 
 
Bức tranh kinh tế Việt Nam qua các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng cho thấy, những mảng sáng tối đan xen, khi khoảng cách tụt hậu so với các nước trong khu vực đã được rút ngắn; nhưng cũng có khá nhiều yếu tố bất ổn khi bội chi ngân sách Nhà nước còn cao, nợ công tăng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp…Để đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam ổn định và bền vững, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; nhóm giải pháp về phát triển khoa học và công nghệ và nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
 
Đối với nhóm giải pháp về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững,  cần hoàn thiện  thể chế kinh tế, cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế; đổi mới phương thức đầu vào các ngành kinh tế có độ lan tỏa lớn, các ngành cung cấp sản phẩm cho thị trường nội địa; cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng sử dụng tổng hợp, hiệu quả các nguồn lực kinh tế; tạo lập thực thi các chính sách nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh cấu lại nền kinh tế đồng bộ; thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường, đảm bảo cân đối xuất nhập khẩu, kiểm soát nhập siêu…
 
Đối với nhóm giải pháp về phát triển khoa học và công nghệ, cần chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng  tối đa lợi thế từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; tập trung đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu, xác định các lĩnh vực khoa học công nghệ cần ưu tiên phát triển; đẩy mạnh xã hội hóa và đổi mới cơ chế huy động và sử dụng NSNN cho phát triển khoa học công nghệ…
 
Đối với nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Nhà nước cần xây dựng hệ thống khung pháp lý và chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng lực lượng lao động, tập trung đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu về lao động của nền kinh tế trong bối cảnh của CMCN 4.0; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; hoàn chỉnh phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo…
 
Với khát vọng vươn lên của cả dân tộc, dưới sự điều hành của Chính phủ theo phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, toàn bộ hệ thống chính trị, các tổ chức và cá nhân cần nỗ lực, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc để xây dựng đất nước ngày một phồn vinh./.
 
 
TS. Nguyễn Bích Lâm
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê