Biến động giá một số nông sản xuất khẩu trong nước và thế giới

|

Biến động giá một số nông sản xuất khẩu trong nước và thế giới

Trong tháng Mười, do lượng hàng tồn kho và đơn hàng xuất khẩu có biến động nên giá nguyên liệu và giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản trong nước không theo xu hướng của thế giới. Một số mặt hàng nông sản trong từng thời điểm ghi nhận mức giá tăng trong khi giá trên sàn giao dịch hàng hóa của thế giới giảm và ngược lại. Tuy nhiên, xuất khẩu một số nông sản chủ lực của Việt Nam thời gian này vẫn có một số dấu hiệu lạc quan.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), khoảng giữa tháng 10/2023, giá cà phê Robusta và Arabica trên thị trường thế giới tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, giá cà phê Robusta tại thị trường Việt Nam giữa tháng 10/2023 giảm nhẹ. Ngày 18/10/2023, giá cà phê Robusta ổn định hoặc giảm từ 100-200 đồng/kg so với 10 ngày trước đó tùy từng khu vực khảo sát. Cụ thể, tại các tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk, giá cà phê Robusta ổn định ở mức 63.700-64.200 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Nông, giá giảm 100 đồng/kg, xuống còn 64.200 đồng/kg; tại tỉnh Gia Lai, giá giảm 200 đồng/kg, xuống còn 64.000 đồng/kg. Các chuyên gia cho rằng, sản phẩm cà phê Robusta từ Việt Nam được giao thẳng cho doanh nghiệp mà không đấu giá trên sàn London nhằm giảm bớt những chi phí gián tiếp. Vì vậy, báo cáo tồn kho tại London sụt giảm cũng không ảnh hưởng gì nhiều tới thị trường nội địa của nhà sản xuất và xuất khẩu Robusta hàng đầu là Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin mưa nhiều tại các vùng trồng cà phê chính đã làm tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung Robusta.

 

Giá xuất khẩu nông sản của Việt Nam có nhiều điểm sáng

Giữa tháng 10/2023, giá cao su tại thị trường châu Á tăng do sản lượng tại Thái Lan và In-đô-nê-xi-a giảm trong bối cảnh giá dầu thô tăng mạnh. Ngân hàng Thế giới đã nâng dự báo giá cao su trong cả năm 2023 lên mức trung bình 1,4 USD/kg và trong năm 2024 lên mức trung bình 1,5 USD/kg (tương ứng tăng hơn 7%). Trong khi đó, giá mủ cao su nguyên liệu tại thị trường Việt Nam tăng nhẹ, giao dịch duy trì ở mức 240-280 đồng/TSC. Mặt khác, giá mủ cao su nguyên liệu tại các công ty cao su biến động mạnh, giá mủ nước đang được thu mua trong khoảng 265-298 đồng/độ. Trong đó, Công ty Cao su Phước Hòa thu mua ở mức 296-298 đồng/độ, tăng 3 đồng/độ so với đầu tháng; Giá mủ nước tại Công ty Cao su Phú Riềng thu mua ở mức 275-295 đồng/độ, tăng 10 đồng/độ; Công ty Cao su Bình Long giữ ở mức 265-275 đồng/độ; Công ty Cao su Bà Rịa thu mua ở mức 275-283 đồng/độ, tăng 3-5 đồng/độ. Giá cao su phục hồi tích cực trở lại được cho là hỗ trợ đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cao su Việt Nam.

Tại Thái Lan - quốc gia xuất khẩu sắn hàng đầu thế giới, giá tinh bột sắn nội địa, tinh bột xuất khẩu khoảng giữa tháng 10 được điều chỉnh tăng; trong khi giá sắn nguyên liệu và giá sắn lát xuất khẩu được giữ ổn định so với đầu tháng. Ngày 17/10/2023, Hiệp hội tinh bột sắn Thái Lan thông báo điều chỉnh giá sàn xuất khẩu tinh bột sắn lên mức 580 USD/tấn giá tại cửa khẩu bên nước của người bán (FOB) tại Băng Cốc, tăng 5 USD/tấn so với 10 ngày trước đó; Đồng thời giá tinh bột sắn nội địa cũng được điều chỉnh lên mức 18,7 Baht/kg, tăng 0,1 Baht/kg so với đầu tháng; giá sắn nguyên liệu được giữ ổn định ở mức 3,1-3,8 Baht/kg. Tính đến thời điểm hiện tại Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu sắn lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Thái Lan. Theo Hiệp hội sắn Việt Nam, giá sắn tươi tại các tỉnh miền Bắc tiếp tục tăng, hiện giá thu mua dao động ở mức 2.400-2.450 đồng/kg. Tại các tỉnh miền Trung, giá sắn tươi được thu mua ở mức 2.450-2.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với 10 ngày trước đó. Giá sắn tươi (trữ bột 30%) thu mua tại Tây Ninh dao động ở mức 3.650-3.800 đồng/kg, giảm 50-100 đồng/kg so với 10 ngày trước đó; Tại Đắk Lắk giá dao động ở mức 3.400-3.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/ kg; Tại Gia Lai ổn định ở mức 3.600-4.000 đồng/kg. Giá tinh bột sắn xuất khẩu theo đường biển và qua cửa khẩu ổn định so với đầu tháng. Hiện, các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 545-560 USD/tấn theo FOB cảng thành phố Hồ Chí Minh. Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn dao động ở mức 4.300-4.500 CNY/tấn. Giá sắn lát xuất khẩu cũng ổn định so với 10 ngày trước đó. Hiện giá xuất khẩu sắt lát sang thị trường Trung Quốc khoảng 285 USD/tấn; trong khi giá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc khoảng 325 USD/tấn theo FOB Quy Nhơn.

Tại Châu Á, các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ (xuất khẩu mỗi năm 20 triệu tấn, chiếm hơn 40% nguồn cung gạo toàn cầu) đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo vào ngày 20/7/2023, sau đó là Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga với mốc thời gian cấm xuất khẩu từ các ngày 29/7 và 30/7/2023 đã đẩy giá gạo thương mại trên thế giới tăng cao. Trong tháng Mười, giá gạo Việt Nam đạt cao nhất trong 10 năm qua và các doanh nghiệp Việt đã “chớp thời cơ”, tận dụng cơ hội khi nguồn cung gạo của thế giới sụt giảm bất ngờ để tăng cường xuất khẩu. Đáng kể phải nhắc đến giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm đang được giao dịch quanh mốc 643 USD/tấn, mức giá cao nhất trong đợt sốt giá gạo kể từ đầu tháng 8/2023 đến nay; gạo 25% tấm đạt 644 USD/tấn. Trong khi đó, giá cùng chủng loại gạo này tại Thái Lan giảm nhẹ còn 570 USD/tấn, thấp hơn Việt Nam đến 73 USD/tấn; gạo 25% tấm còn 540 USD/tấn, thấp hơn Việt Nam đến 104 USD/tấn. Trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới tăng, giá gạo tăng cao mà nguồn cung trong nước lại dồi dào bởi lúa được trồng 3 vụ/năm đã giúp nông dân trồng lúa, tiểu thương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam thu được lợi nhuận đáng kể.

Là nước xuất khẩu điều hàng đầu thế giới, trị giá xuất khẩu điều của Việt Nam không tránh khỏi ảnh hưởng của xu thế giá thế giới. Tháng 9/2023, giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.459 USD/tấn, giảm 0,9% so với tháng 8/2023 và giảm 10,7% so với tháng 9/2022. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.722 USD/tấn, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022./.

 
P.V