Năm 2023: Thương mại điện tử Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD

|

Năm 2023: Thương mại điện tử Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD

Theo Bộ Công Thương, năm 2023 chứng kiến sự đột phá vượt bậc trong lĩnh vực thương mại điện tử, khi quy mô thị trường này dự kiến đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022.

Bộ Công Thương cho biết, thương mại toàn cầu bắt đầu suy giảm từ quý IV/2022, dẫn đến cả năm 2022 chỉ tăng 2,7%. Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội.

 
Ảnh minh họa

Việt Nam đang được đánh giá có tốc độ tăng trưởng trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, đứng đầu Đông Nam Á và dự đoán tiếp tục thăng hạng trong 2 năm tới. Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 01/11 vừa qua, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025 (đồng hạng với Philippines).

Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép năm ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, tăng trưởng GMV trong 2 năm tới của kinh tế số tại Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam giữ tốc độ tăng trưởng 20% trong năm 2022. Có thể thấy, trong suốt những năm qua, thương mại điện tử luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16%-30%, dự kiến đạt 20,5 tỷ USD trong năm nay.

 
Tăng trưởng bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam những năm gần đây

Các loại hàng hóa, dịch vụ thường được người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (76%); thiết bị đồ dùng gia đình (67%); đồ công nghệ và điện tử (61%); sách, hoa, quà tặng (53%); xem phim trực tuyến (35%) và thực phẩm (32%)…

Theo Bộ Công Thương, đây cũng chính là thời điểm để nước ta xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới. Từ đó, giúp khôi phục lại doanh nghiệp và mở rộng thị trường sau khi tình trạng khó khăn qua đi.

Năm qua, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, chiến lược thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường xây dựng Chính phủ Điện tử Bộ Công Thương; thúc đẩy phát triển kinh tế số và thương mại điện tử trên phạm vi toàn quốc; tổ chức nhiều hoạt động về liên kết vùng phát triển thương mại điện tử, triển lãm các công nghệ, giải pháp chuyển đổi số, sản xuất thông minh, ứng dụng thương mại điện tử, kích cầu tiêu dùng trong nước, thu hút người dân tham gia vào các hoạt động trải nghiệm  thương mại điện tử và công nghệ số.

Các hoạt động này giúp thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cấp vùng, tăng cường nhận thức của người dân với thương mại điện tử và thúc đẩy đầu tư, phát triển hạ tầng, giải pháp công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam.  

 
PV