Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2021

|

Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2021

Thực hiện lịch phổ biến thông tin thống kê năm 2021, sáng ngày 29/9/2021, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2021 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương chủ trì buổi Họp báo. Tham dự trực tiếp buổi họp báo có Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến, thủ trưởng một số đơn vị thuộc Tổng cục và các cơ quan thông tấn báo chí. Cùng tham dự buổi họp báo có lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc Tổng cục, các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại các điểm cầu trực tuyến.
 
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2021, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, những tháng đầu năm 2021, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định và bắt đầu khởi sắc, tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng Tư với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, GDP quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.
 
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III
và 9 tháng năm 2021

Mặc dù cũng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong chuỗi cung ứng sản xuất - chế biến - tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản song ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản 9 tháng năm 2021 đạt khá so với cùng kỳ năm trước. Ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.
 
Tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước tính tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2020 (quý I tăng 6,29%; quý II tăng 11,18%; quý III giảm 3,5%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,05%; ngành khai khoáng giảm 7,17% do sản lượng khai thác dầu thô giảm 6% và khí đốt tự nhiên giảm 17,6%. Tính riêng quý III/2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
 
Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,1%). Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế.  
 
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 1.868,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4%. Cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,13 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,66 tỷ USD).
 
Bên cạnh đó, tính chung 9 tháng năm 2021, CPI tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 9 tháng tăng 0,88%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,4 triệu người, giảm 216 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020; lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49,1 triệu người. Công tác an sinh xã hội định kỳ và công tác giảm nghèo bền vững tiếp tục được quan tâm. Tình hình dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát và có những chuyển biến tích cực, số ca mắc trong cộng đồng và tử vong có chiều hướng giảm.
 
Cũng tại buổi họp báo, TCTK đã công bố Tình hình giá tháng Chín, quý III và 9 tháng năm 2021; Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý III, dự báo quý IV năm 2021.

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương và thủ trưởng các vụ chuyên môn giải đáp những câu hỏi của các nhà báo

Tổng cục Thống kê đã dành nhiều thời gian giải đáp thỏa đáng câu hỏi của các nhà báo xoay quanh các vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 như: Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất của nền kinh tế; Sức khỏe của doanh nghiệp trong đợt dịch lần thứ tư và những ảnh hưởng đến nền kinh tế; Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công...  
B.N