Trên khắp nước Pháp, hàng triệu người đã tuần hành lên án vụ khủng bố, đỉnh điểm là cuộc diễu hành tại thủ đô Paris (hôm 11-1-2015) của hàng trăm ngàn người cùng hàng chục nhà lãnh đạo của nhiều nước (trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Palestin Mahmud Abbas, Nhà Vua Jordan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov v.v.) để bày tỏ tình đoàn kết và tưởng niệm những nạn nhân đã thiệt mạng.
Phản ứng mạnh mẽ này ít nhiều gây sự ngạc nhiên, bởi điều này đã không xảy ra sau không ít vụ khủng bố còn kinh hoàng hơn rất nhiều tại châu Âu trước đó, đơn cử như so với vụ xả súng vào trại hè thanh niên của Anders Behring Breivik tại Oslo hồi tháng 7-2011. Lần đầu tiên, Na Uy, đất nước nổi tiếng là hòa bình, ít bạo lực, phải hứng chịu một vụ thảm sát đẫm máu khiến 76 người thiệt mạng cùng lúc, mức độ tàn khốc tới mức được ví như vụ đánh bom thành phố Oklahoma (Mỹ) năm 1995. Mà chẳng nói đâu xa, liên tục trong những đêm giao thừa các năm 2009, 2010 và 2011, hàng trăm chiếc xe ô tô bị đốt phá gây nên cảnh tượng hỗn loạn tại chính thủ đô Paris.
Sự sục sôi này có thể là bởi hiếm khi nào nước Pháp phải hứng chịu thảm họa khủng bố kiểu như vậy (có người còn ví đây là vụ 11-9 của Pháp, Tổng thống Pháp Francois Hollande còn gọi hành động này là "sự man rợ"), mà cũng có thể là vì nạn nhân là những nhà báo (liên quan tới tự do ngôn luận), và có lẽ còn bởi cộng đồng quốc tế vừa phải trải qua một năm 2014 với quá nhiều mất mát, đau thương.
Ngay sau khi những thông tin về hồ sơ nhân thân của ba nghi can (hai anh em nhà Kouachi và Amedy Coulibaly được cho là có mối liên hệ với Al Qaeda), từ giới chức đến nhiều người dân Pháp đều cho đây là vụ khủng bố được lên kế hoạch tỷ mỉ của các tổ chức khủng bố Al Qaeda hoặc IS. Điều này hoàn toàn đúng nếu căn cứ vào mức độ thành thục và chuẩn xác trong hành động của các nghi can, đặc biệt là sau khi thủ lĩnh Nasr al-Ansi của nhóm Al Qaeda tại bán đảo Ả rập tung ra video thừa nhận trách nhiệm vụ thảm sát tòa soạn Charlie Hebdo (ngày 14-1-2015). Với cách tiếp cận như vậy, các nhà lãnh đạo Pháp đã cho tiến hành những hoạt động rầm rộ trên quy mô toàn nước Pháp, như triển khai 10.000 binh sĩ bảo vệ các địa điểm nhạy cảm trên toàn bộ đất nước, thắt chặt an ninh tại những nơi có cộng đồng người Hồi giáo v.v.
Tuy nhiên, chính cách tiếp cận này khiến người ta phải đặt câu hỏi về tính hiệu quả của các biện pháp mà giới chức Pháp đang triển khai nhằm bảo đảm an ninh.
Trước hết, giả sử đúng là những nghi can trong vụ 7-1-2014 là thành viên và được huấn luyện bởi Al Qaeda, giờ chúng quay lại nuớc Pháp gây án, thì rõ ràng hệ thống an ninh của Pháp hoặc quá quan liêu hoặc thực sự có những lỗ hổng. Bởi lẽ, tòa soạn tuần báo biếm họa Charlie Hebdo từ lâu đã là đối tượng bị đe dọa tấn công, nhưng chỉ với 2-3 tên hoạt động độc lập như vậy mà đã tiến hành thành công vụ khủng bố.
Ngoài ra, dường như giới chức Pháp đã bỏ qua một thực tế, trong khoảng vài năm trở lại đây, những vụ khủng bố đơn lẻ đang ngày một gia tăng. Những tên tội phạm thường đưa ra những khẩu hiệu mang màu sắc tôn giáo kiểu như “trả thù cho Thánh Allah” hoặc sự bất mãn với một chính sách nào đó của chính phủ v.v., thậm chí còn tự nhận là người của một tổ chức khủng bố nổi tiếng nào đó. Đơn cử như vụ trong vụ đánh bom tại cuộc chạy Marathon tại Boston (tháng 4-2013), nghi can là hai anh em Dzhokhar và Tamerlan Tsarnaev được cho là người của các nhóm khủng bố vùng Kavkaz. Hoặc trong vụ bắt cóc con tin hôm 15-12-2014 tại bang New South Wales (Australia), thủ phạm Man Haron Monis còn được cho là người của tổ chức khủng bố IS vì trong tay có lá cờ của tổ chức này. Tuy nhiên, thực tế rất khó xác định tính chính xác của mối liên hệ này.
Chính vì điều này, có lẽ chúng ta hãy nhìn nhận những kẻ thủ ác trong vụ khủng bố 7-1-2015 tại Pháp giống như những tên tội phạm được gọi với cái tên “Những con sói cô độc”, kiểu như tên Breivik (vụ Oslo năm 2011) hay Adam Lanza (vụ xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook, tiểu bang Connecticut tháng 12-2012) v.v. Cũng bởi tính chất tự phát hết sức khó lường của những hành động khủng bố, nên các biện pháp đối phó như với các tổ chức khủng bố quốc tế đang tỏ ra kém hiệu quả, thậm chí là phản tác dụng. Việc triển khai quân đội trên quy mô rộng chỉ có thể tiến hành trong một thời gian có hạn. Với “những con sói cô độc” cần có toa thuốc đặc dụng hơn.
Căn cứ vào tâm lý cũng như cách hành động đầy bạo lực của những tên tội phạm kiểu này, công tác giáo dục phải được đặt lên hàng đầu. Hiện nay, tại Pháp cũng như rất nhiều quốc gia khác, các em học sinh thường có gốc gác rất đa dạng về dân tộc, và vì thế, sự công bằng, không phân biệt đối xử phải là tiêu chí đầu tiên trong toàn bộ hệ thống giáo dục, đặc biệt là ở các trường phổ thông. Cũng chính từ đặc điểm đa văn hóa, đa tôn giáo nên cũng cần hết sức chú ý đến những chính sách hay hành động có thể bị hiểu sai là có tính chất xâm phạm, hay báng bổ tín ngưỡng. Chính phủ Pháp đã không có phản ứng nào trước việc tuần báo Charlie Hebdo lại đưa ra bức tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohamed ngay trong số báo đầu tiên sau vụ 7-1 (với con số ấn bản kỷ lục là 3 triệu bản so với 60.000 bản trước kia và bán ở 25 nước), cho dù đang có một làn sóng phản đối của cộng đồng Hồi giáo không chỉ ở Pháp. Nguyên nhân có thể là do quyền tự do ngôn luận, nhưng tất cả đều đã biết những hậu quả từ sự tự do này sau các vụ tiết lộ của Wikileaks và E. Snowden. Còn nếu do quan niệm hành nghề của Charlie Hebdo (lấy biếm họa để phản ánh đời sống), vậy thì làm sao chúng ta có thể nói với các em nhỏ về quy chuẩn sống, bởi mỗi người đều có quan niệm sống của riêng mình (trong đó có thể có cả quan niệm về bạo lực).
Các cơ quan truyền thông, giải trí cũng cần có cách nhìn nhận đúng về những hệ lụy từ những ấn phẩm của mình. Liệu có cần thiết phải sang tận Trung Đông, gia nhập những đội quân thánh chiến mới có được những kỹ năng tác chiến như trong các vụ xả súng hay không, khi mà những bộ phim kiểu như “Bat man” hay “The Avengers” v.v. vẫn liên tục được công chiếu.
Sẽ thật khó để có thể kiểm soát được thời điểm xuất hiện, hoặc sớm hơn là sự thay đổi từ “thiện” sang “ác” của các “con sói cô độc”, nếu tính cộng đồng không được đề cao trong bất cứ xã hội nào. Sự quan tâm, chia sẻ có lẽ là liều thuốc đầu tiên cần cho “những con sói cô độc”.
Chưa biết rồi đây nước Pháp sẽ thay đổi ra sao sau vụ 7-1-2015, nhưng nếu vẫn tiếp tục chống khủng bố như hiện nay thì thật khó tin là sẽ ngăn chặn được những vụ xả súng đơn lẻ.