Shangri-la 13 – Tuy cũ mà mới

|

NDO - NDĐT - Ngày 31-5-2013, tại cơ chế đối thoại thường niên chính thức liên chính phủ quan trọng hàng đầu của khu vực Shangri-La, thông điệp “Cài đặt lại niềm tin” trong diễn văn khai mạc của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng được hầu hết các đại biểu tham dự ủng hộ và trở thành định hướng cho hội nghị. Chính vì tính chất đột phá của định hướng này mà Đối thoại Shangri-La 13 năm nay đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt, bởi cộng đồng quốc tế muốn kiểm chứng sự "cài đặt niềm tin" sau đúng một năm đang ở mức độ nào.

Thoạt nhìn vào những gì diễn ra trước và trong ba ngày làm việc (từ ngày 30-5 tới 1-6-2014) của hội nghị Shangri-La (Singapore) sẽ khiến sự kỳ vọng của nhiều người trở thành nỗi thất vọng. Tại Shangri-La 13 cũng xuất hiện không ít những điều mới, bởi cuộc sống sau một năm đương nhiên phải có thay đổi. Nhưng với những người này, dường như những điểm mới này là chưa đủ, tất cả vẫn y như trong lần đối thoại một năm về trước. Sự căng thẳng trong khu vực vẫn còn nguyên, vẫn màn khẩu chiến giữa các nước lớn, vẫn nỗi ấm ức khi ra về của không ít đại biểu bởi không nhận được những câu trả lời thỏa đáng, v.v.

Tuy nhiên, chưa cần bàn đến những điểm mới, tại Shangri-La 13, ngay chính những điều tưởng như rất cũ cũng đã mang một màu sắc hoàn toàn khác trước.

Trước hết, đó là sự khác biệt về tình trạng căng thẳng bên thềm hội nghị. Shangri-La 12 diễn ra khi tình trạng "bên miệng hố chiến tranh" suốt hơn ba tháng đầu năm 2013 bởi cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên đã hạ nhiệt, còn vụ sử dụng vũ khí hóa học tại Syria hay siêu bão Haiyan thì chưa xảy ra. Nói cách khác, các đại biểu đến tham dự hội nghị với tâm thức không muốn tái hiện tình trạng căng thẳng. Ngược lại, khi đến dự Shangri-La 13, gần 400 đại biểu của 27 nước đều bị chi phối bởi tình hình căng thẳng đang diễn ra trên Biển Hoa Đông và Biển Đông. Hơn nữa, sự “cân bằng sợ hãi” bởi vũ khí hạt nhân dù sao cũng có khả năng kiềm chế cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên bùng phát thành một cuộc chiến tranh thực sự. Trong khi đó, dù những va chạm trên biển đã xảy ra thường xuyên hơn nhưng do vẫn đang dừng lại ở mức độ song phương nên dường như mới chỉ khiến các nước quan ngại về tự do và an ninh hàng hải. Nhưng việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông hay kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu thềm lục địa của Việt Nam đã khiến những căng thẳng vốn có trên biển trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều. Một khi Luật quốc tế cũng như Công ước Luật Biển (UNCLOS 1982) đã bị gạt sang bên trước những toan tính lợi ích của riêng quốc gia mình, và nhất là khi người ta chủ trương dùng sức mạnh quân sự để gây sức ép thì một giàn khoan bình thường có khi cũng gây nguy hại chẳng khác gì như một quả tên lửa.

Xét về bản chất, diễn văn khai mạc Shangri-la 13 của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng không khác là bao so với bài dẫn đề của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hồi năm ngoái. Bởi lẽ, cả ba nguyên tắc trọng tâm mà Thủ tướng Shinzo Abe yêu cầu các bên cần tuân thủ để giải quyết những tranh chấp, bất đồng hiện nay trên biển (1/ tuân thủ luật pháp quốc tế; 2/ không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực và 3/ cần thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp), xét cho cùng vẫn từ một gốc rễ là sự cần thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại những nguyên tắc này trở nên bức thiết hơn, hướng tới mục tiêu cụ thể là nhằm kiềm chế những cái “đầu nóng”, những hành động gây hấn. Như vậy, diễn văn của Thủ tướng Abe có thể coi như sự cụ thể hóa thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bối cảnh mới.

Hợp tác giữa Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN cũng là câu chuyện đã quá cũ, nhưng trong diễn văn của mình, Thủ tướng Abe đã công khai mong muốn của Nhật Bản trong việc tăng cường hợp tác an ninh nhằm bảo đảm an toàn hàng hải. Vào thời điểm hiện tại, đề xuất của Thủ tướng Abe, một mặt có thể coi là một bước đi tất yếu trước những căng thẳng trên biển, nhưng mặt khác nó có thể là bước khởi đầu của một quá trình tập hợp lực lượng mới tại châu Á – Thái Bình Dương.

Màn khẩu chiến “nóng bỏng” giữa các phái đoàn Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc đã làm nên sự khác biệt của Shangri-La 13. Kể từ khi có sự thay đổi về tương quan lực lượng, vì đủ loại lý do, chuyện “lời qua tiếng lại” giữa những cường quốc khu vực này đã trở nên quen thuộc, chả thế mà tại Shangri-La 12, để có thể xây dựng được niềm tin giữa các nước trong khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải kêu gọi các nước này cần phải có ý thức trách nhiệm của một cường quốc khu vực. Nhưng việc cả ba phái đoàn này đã bỏ qua những ngôn từ ngoại giao chung chung để công khai chỉ trích nhau ngay tại một diễn đàn quốc tế thì có lẽ là lần đầu tiên. Tuy nhiên, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa ba nền kinh tế khổng lồ nhất thế giới vẫn khiến cho người ta khó xác định, phải chăng đã đến lúc các cường quốc muốn làm rõ những giới hạn được phép tại khu vực hay chỉ đơn thuần Mỹ và Nhật Bản lợi dụng những hành động gây hấn của Trung Quốc.

Sự công khai bày tỏ quan điểm của các phái đoàn đã trở thành nét mới nổi bật của Shangri-La 13. Cần phải nhấn mạnh rằng, nhiệm vụ chủ yếu của hầu hết các diễn đàn đối thoại đa phương là tạo điều kiện để các thành viên tham dự có thể trao đổi, chia sẻ quan điểm chứ không phải nhằm đưa ra những giải pháp có tính bắt buộc. Khác với 12 kỳ đối thoại trước đó, đây là lần đầu tiên các phái đoàn đã tỏ ra “mạnh dạn” đến vậy, và cũng chính nhờ sự công khai quan điểm tại diễn đàn Shangri-La 13 này chúng ta mới thấy rõ hai xu hướng trái chiều đang tồn tại trong khu vực – đề cao vai trò của luật quốc tế và ngược lại, chỉ chấp nhận theo cách giải thích của riêng quốc gia mình. Đây có thể coi là thành công của Shangri-La 13, bởi chính sự minh bạch quan điểm, cho dù có khác biệt, thậm chí là đối kháng nhau, lại chính là viên gạch đầu tiên để các nước trong khu vực có thể bắt đầu xây dựng lòng tin.

Có lẽ cũng chính vì sức ép của những bất ổn hiện tại, sự đối lập về quan điểm (xét cho cùng là sự khác biệt về lợi ích) của các phái đoàn tại hội nghị nên cũng có sự chia rẽ trong cách nhìn nhận về diễn đàn đối thoại Shangri-La. Một số thì tỏ ra bi quan bởi sự thiếu tính ràng buộc pháp lý, cũng như những màn khẩu chiến bất tận. Số khác thì lại đang đặt nhiều kỳ vọng, thậm chí họ tin vào khả năng giải quyết tranh chấp của diễn đàn.

Thực tiễn của Shangri-La 13 cho thấy, không nên buộc một diễn đàn quốc tế như Shangri-La phải thực hiện những nhiệm vụ vượt quá khả năng của nó, nhưng cũng cần phải biết quý trọng và duy trì nó. Bởi cũng giống như các diễn đàn đa phương khác, Shangri-La chính là một trong nhiều công cụ giúp chúng ta có thể giải quyết những bất đồng tranh chấp, giúp chúng ta có thể xây dựng niềm tin trong tương lai.