Số ca mắc Covid-19 mới tại Hàn Quốc liên tục vượt đỉnh cũ

|

NDO - Làn sóng lây nhiễm do biến chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh đang khiến tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc diễn tiến đáng lo ngại. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận xấp xỉ gần 220 nghìn ca nhiễm mới, con số cao nhất từ trước đến nay, xô đổ kỷ lục cũ trước đó chỉ 1 ngày.

Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) sáng 2/3 cho biết, đã có thêm 219.241 ca bệnh được ghi nhận trên toàn quốc trong ngày hôm qua, tăng đột biến so kỷ lục 176 nghìn ca ghi nhận 1 ngày trước đó, trong bối cảnh số ca mắc hằng ngày dao động ở mức 170 nghìn ca những ngày gần đây.

Đáng chú ý, số mắc mới gia tăng nhanh chóng, hiện đã cao hơn 1,3 lần so kỷ lục trước đó chỉ 1 tuần vào ngày 23/2 (171.451 ca), và thậm chí gấp hơn 2,4 lần so mốc kỷ lục cũ cách đây 2 tuần.

Giới chức y tế nước này dự báo khả năng số ca mắc mới sẽ sớm vượt mốc hơn 230 nghìn ca/ngày chỉ trong ít ngày tới. Nhưng với kỷ lục ca mắc mới vừa được công bố, các chuyên gia cho rằng dịch bệnh sẽ còn bùng phát mạnh hơn dự kiến vì mốc 230 nghìn ca đã gần kề, nhất là khi một số quy định phòng dịch đã được nới lỏng, chẳng hạn như tạm thời đình chỉ yêu cầu bắt buộc xuất trình thẻ chứng nhận đã tiêm vaccine khi đến các nhà hàng và quán cà-phê từ ngày hôm qua, hay dỡ bỏ yêu cầu cách ly bắt buộc cho những thành viên trong gia đình đang sống chung với người mắc Covid-19.

Trước đó, nhà chức trách nước này dự báo làn sóng Omicron ở Hàn Quốc sẽ đạt đỉnh vào đầu hoặc giữa tháng 2, với khoảng 350 nghìn ca mắc/ngày.

Đáng ngại hơn, số ca nặng vẫn tiếp tục tăng, với thêm 762 bệnh nhân chuyển nặng trong ngày, tăng 35 ca so ngày hôm trước. Chỉ cách đây 2 tuần, số bệnh nhân Covid-19 trở nặng ở Hàn Quốc mới vào khoảng 300 ca/ngày, nhưng sau đó tăng nhanh lên 700 bệnh nhân vào ngày 28/2.

Số ca mắc tăng nhanh đang gây áp lực lên các bệnh viện Hàn Quốc. Tính đến sáng nay, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh trên toàn quốc đối với ca Covid-19 nặng là 50,1%, trong đó khu vực ngoài đô thị là 60,3%.

Hiện 86,5% dân số Hàn Quốc đã hoàn thành tiêm liều cơ bản vaccine ngừa Covid-19, trong khi 61,4% đã được tiêm liều tăng cường.

Trong khi đó, tại Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc), chính quyền sở tại ngày 1/3 kêu gọi người dân không nên hoang mang hay đổ xô đến các siêu thị để tích trữ lương thực, thực phẩm trước thông tin phong tỏa đặc khu này để phòng dịch.

Trưởng đặc khu, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trước đó thông tin sẽ không cân nhắc việc phong tỏa cũng như yêu cầu bắt buộc xét nghiệm. Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan thực phẩm và y tế Hồng Kông, bà Trần Triệu Thủy ngày 1/3 cho rằng, vẫn không loại trừ biện pháp phong tỏa, khiến người dân đặc khu này đổ xô đến các siêu thị để tích trữ hàng hóa.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 1/3/2022. (Ảnh: REUTERS)

Tuyên bố của khu hành chính đặc biệt này công bố cuối ngày hôm qua nêu rõ, bất kỳ quyết định phong tỏa để phòng dịch nào sẽ phải tính đến tình trạng hiện tại và bảo đảm các nhu cầu cơ bản như nhu yếu phẩm và chăm sóc y tế cho người dân, đồng thời kêu gọi người dân Hồng Kông không nên quá lo lắng và đổ xô đến các siêu thị hay tích trữ quá mức.

Thông báo cũng cho biết, chính quyền đặc khu vẫn đang lên kế hoạch và điều chỉnh các chi tiết cụ thể về chiến lược xét nghiệm diện rộng bắt buộc và sẽ công bố chi tiết sau.

Các ca nhiễm hằng ngày ở Hồng Kông đã tăng hơn 30 lần lên hơn 30 nghìn ca kể từ đầu tháng 2, đưa tổng số ca mắc lên hơn 230 nghìn ca và hơn 800 ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát, trong đó có tới 500 ca tử vong ghi nhận trong tuần qua, với phần lớn là những người chưa được tiêm phòng.

Các chuyên gia y tế từ Đại học Hồng Kông cho biết, số ca mắc thực tế có thể cao hơn, vào khoảng 1,7 triệu ca bệnh tính đến đầu tuần này, với mức đỉnh điểm có thể lên khoảng 183 nghìn ca/ngày dự kiến trong tuần tới.

Tại Australia, Thủ tướng Scott Morrison ngày 1/3 thông báo, ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và có các triệu chứng giống như bệnh cúm, bao gồm cả sốt. Thủ tướng Australia vẫn sẽ làm việc trực tuyến trong khi thực hiện cách ly tại nhà riêng ở thành phố Sydney theo quy định hiện hành.

Đồ họa: TRUNG HƯNG

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 2/3, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 438.814.552 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.983.814 ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là 370.978.022 người, trong khi vẫn còn 74.777 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực.

Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong đại dịch, đến nay ghi nhận 80.697.924 ca mắc và 977.402 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới với hơn 42,93 triệu ca. Brazil có số ca tử vong cao thứ hai thế giới với 649.717 ca.

Trong 10 quốc gia có số ca mắc cao nhất, 7 quốc gia còn lại là các nước châu Âu, gồm Pháp 22,78 triệu ca, Anh 18,88 triệu ca, Nga 16,49 triệu ca, Đức 14,97 triệu ca, Thổ Nhĩ Kỳ 14,1 triệu ca, Italia 12,82 triệu ca và Tây Ban Nha hơn 11 triệu ca.

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới