Không thể nói cộng đồng quốc tế ngồi im trước những gì đang diễn ra tại Trung Đông, ngược lại đã có rất nhiều nỗ lực nhằm cải thiện tình hình.
Từ hôm 10-7-2014, Hội đồng Bảo an đã có cả chục phiên họp khẩn cấp về tình hình tại dải Gaza, nhiều tới mức khiến người ta có cảm tưởng cuộc chiến nơi đây chiếm toàn bộ chương trình nghị sự của cơ quan quyền lực tối cao của nhân loại trong lĩnh vực an ninh. Các đồng minh thân cận của Israel, tiểu biểu như Mỹ, cũng lên án gay gắt tình trạng bạo lực khiến gần 500 trẻ em thiệt mạng chỉ trong vòng một tháng vừa qua. Ai Cập đã đứng ra tổ chức hội nghị để các bên tham chiến đối thoại nhằm tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn. Thực tế thì dưới sức ép của cộng đồng quốc tế, Israel và Hamas cũng đã đạt được tới bảy thỏa thuận ngừng bắn, ngắn là trong 12 tiếng, dài là 72 tiếng, nhưng rồi tất cả đều mau chóng bị phá vỡ.
Tại chiến trường Iraq, để ngăn chặn đà tiến của các lực lượng Hồi giáo cực đoan dòng Sunni (ISIL), Mỹ, EU, Iran, v.v. đã hỗ trợ chính phủ Thủ tướng Nuri al-Maliki cả hàng cứu trợ nhân đạo lẫn vũ khí, khí tài. Ngày 6-8-2014, HĐBA cũng đã thông qua nghị quyết đối phó với ISIL (bao gồm ba phương án là làm suy yếu khả năng tài chính của ISIL, ngăn chặn các chiến binh nước ngoài tràn vào Iraq và đe dọa trừng phạt những đối tượng tiếp tay cho ISIL. Trước đó, Giáo hoàng Pope Francis cũng lên tiếng kêu gọi lãnh đạo các quốc gia trên thế giới ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở Iraq. Đỉnh điểm những nỗ lực này là tuyên bố ngày 7-8-2014 của Tổng thống Mỹ Barack Obama: "Hôm nay tôi cho phép tiến hành hai chiến dịch tại Iraq - không kích có mục đích để bảo vệ người Mỹ, và một nỗ lực nhân đạo giúp cứu hàng nghìn người Iraq đang bị giam cầm trong các ngọn núi mà không có lương thực và nước uống, đối mặt với cái chết hiển hiện".
Ngày 11-8-2014, các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức và Italia đều ra tuyên bố sẽ tăng cường viện trợ thuốc men, lương thực và vũ khí cho các lực lượng đang chiến đấu chống phiến quân Hồi giáo ở Iraq, trước hết là cho cộng đồng người Kurd ở phía bắc. Trong nội bộ chính quyền Iraq cũng có những nỗ lực nhằm tăng cường sự đoàn kết, ngày 24-7, với 211/269 phiếu bầu tại quốc hội các nghị sĩ Iraq đã bầu ông Fouad Massoum (người Kurd) vào cương vị tổng thống. Điều này cho thấy, chính giới Iraq đang cố gắng tạo dựng một chính phủ hòa hợp dân tộc, với chức vụ tổng thống được giao cho người Kurd, vị trí chủ tịch quốc hội dành cho người Sunni, còn vai trò thủ tướng là của người Shiite.
Tại Libya, kể từ sau khi chính quyền Gadaffi bị lật đổ (tháng 10-2011) giao tranh giữa các phe, nhóm sắc tộc đủ loại, tiêu biểu như các nhóm Hồi giáo cực đoan thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo vùng Misrata hay có mối liên hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda, nhóm thuộc tổ chức “Quân đội quốc gia” do tướng Khalifa Hafta lãnh đạo, Nhóm “Ansar al-Sharia” (Những người ủng hộ bộ luật Hồi giáo al-Sharia), nhóm ủng hộ chính phủ, v.v. vẫn liên tục diễn ra. Từ đầu tháng 7-2014, xung đột đã khiến tình hình nước này trở nên hỗn loạn, tới mức Phái đoàn do Phó trưởng Phái bộ LHQ tại Libya (viết tắt là UNSMIL) sau khi tham vấn với các bên tham chiến mới chỉ biết kêu gọi các phe nhóm ngừng bắn. Hầu hết các nước đã sơ tán nhân viên ngoại giao của mình ra khỏi Libya, đồng thời tiến hành hoạt động hồi hương các công dân đang sinh sống và làm việc tại Libya (tính tới ngày 11-8-2014, Việt Nam đã đưa được 680/1.550 công nhân về nước). Nỗ lực đáng ghi nhận nhất tại Libya có lẽ là quốc hội mới (được bầu từ sau 25-6-2014) đã nhóm họp được phiên đầu tiên ngày 2-8-2014 với lời kêu gọi hòa giải dân tộc.
Tuy nhiên, thực tế tại những điểm nóng này của Trung Đông cho thấy, những nỗ lực của cộng đồng quốc tế vẫn chưa giúp tình hình được cải thiện là bao. Tương lai của khu vực vẫn hết sức ảm đạm.
Vậy phải chăng, có điều gì đó bất hợp lý trong các hành động của cộng đồng quốc tế trong thời gian vừa qua?
Từ trước tới nay, mỗi lần xung đột Israel – Palestine bùng phát, người ta chỉ cố gắng hướng tới việc làm thế nào để khiến đôi bên ngừng bắn. Có lẽ do quá nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn nên cộng đồng quốc tế đã không thực sự chú ý đến nguyên nhân của sự đổ vỡ. Các thỏa thuận ngừng bắn mau chóng bị phá vỡ bởi Israel hay Hamas cáo buộc lẫn nhau vi phạm. Đã không có bất cứ một cơ quan giám sát ngừng bắn trung lập nào được thành lập, chính điều này khiến thỏa thuận ngừng bắn 72 tiếng vừa đạt được hôm 11-8-2014 trở nên hết sức mong manh. Hơn thế, trong quá trình đàm phán, trong bối cảnh cả hai phía Israel và Hamas đều kiên quyết giữ những nguyên tắc (như Israel đòi giải giáp Hamas, còn Hamas đòi Isael phải trả lại toàn bộ lãnh thổ chiếm đóng) buộc phải có sự nhượng bộ, bởi chính chúng là nguyên nhân ban đầu dẫn đến xung đột, đã không có một giải pháp cụ thể nào nhằm tháo gỡ trực tiếp vấn đề bế tắc này.
Nếu như vậy, rõ ràng thỏa thuận ngừng bắn chỉ mang tính chính trị nhất thời, thậm chí còn giúp đôi bên có thời gian chuẩn bị cho những hành động tiếp theo khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.
Trong bối cảnh lực lượng ISIL đang giành thắng lợi liên tiếp thì việc hỗ trợ chính phủ Iraq là hoàn toàn hợp lý. Tuy vậy, việc Mỹ quyết định ném bom nhằm vào ISIL, đồng thời công khai bày tỏ sự ủng hộ những nỗ lực của tân Tổng thống Fouad Massoum trong việc cải tổ nội các mới, có vẻ càng khiến cho tình hình Iraq phức tạp hơn. Sự nóng vội thay đổi chính phủ có thể khiến nhiều người quên rằng lực lượng dòng Shiite của Thủ tướng Maliki vẫn đang là nhóm đa số trong quốc hội. Ngày 11-8-2014, tuyên bố của Thủ tướng al-Maliki lên án Tổng thống Massoum vi phạm hiến pháp đang hé mở một giai đoạn khủng hoảng mới trên chính trường Iraq.
Các chiến dịch không kích của Mỹ có thể giúp ngăn chặn bước tiến của ISIL, nhưng chắc chắn không thể tiêu diệt hoàn toàn lực lượng này, giống như với lực lượng Taliban ở Afghanistan vậy. Thậm chí, nó có thể thúc đẩy các lực lượng Hồi giáo cực đoan cố kết với nhau hơn, có thể khơi mào cho một cuộc thánh chiến mới chống lại người Mỹ. Hậu quả từ đề xuất trang bị vũ khí cho lực lượng người thiểu số Kurd của các nước EU để giúp họ chống lại ISIL cũng thật khó hình dung, bởi lẽ từ sau năm 2003 đến nay, Iraq luôn trong tình trạng chia năm sẻ bảy do mâu thuẫn giữa các phe phái, sắc tộc.
Còn tại Libya, biện pháp mang nặng tính “di tản” mà các nước đang tiến hành tại Libya càng khiến cho các cuộc giao tranh phe phái tại đây có điều kiện thoải mái phát triển hơn.
Tất nhiên, để có thể thay đổi được tình hình hết sức nóng bỏng của Trung Đông hiện nay là điều không hề dễ. Nhưng cũng chính vì tính phức tạp của nó mà đòi hỏi tất cả các bên liên quan phải hết sức tỉnh táo và kiên nhẫn trong mỗi hành động. Nóng vội với Trung Đông có lẽ chỉ khiến cho sự việc thêm rối mà thôi.