Barack Obama – Tổng thống “hòa giải”

|

NDO - NDĐT- Cách đây hơn bảy năm, mặc dù vì ủng hộ khẩu hiệu “Chúng ta phải thay đổi” mà cử tri Mỹ đã bầu ứng viên Barack Obama trở thành tổng thống thứ 44 của nước Mỹ, nhưng chắc chắn rất ít người tin ông sẽ giúp nước Mỹ thoát ra khỏi những mối quan hệ thù địch tồn tại hàng chục năm qua.

Sở dĩ có nghịch lý này là bởi hầu hết đây đều là những bộ hồ sơ hết sức nan giải, đơn cử như quan hệ với Iran hay Cuba, đặc biệt là quan hệ với thế giới Hồi giáo. Cũng chính vì thế, nhiều đời tổng thống trước đó đều tìm cách né tránh, thậm chí có tổng thống còn khiến cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn, bất chấp thời gian đã khiến cho “vật phải đổi, sao đã dời”. Hơn thế, khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Obama còn phải đối mặt với vấn đề có tính cấp bách và quan trọng hơn nhiều – phải tìm cách đưa nước Mỹ mau chóng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế.

Tuy nhiên, những gì mà ông Obama đã làm trong gần hết hai nhiệm kỳ nhằm hóa giải những bộ hồ sơ “tồn kho” khiến không chỉ người Mỹ mà cả thế giới phải ngạc nhiên, thán phục.

Công cuộc “hòa giải” của Tổng thống Obama bắt đầu với một trong những vấn đề khó nhất trong quan hệ đối ngoại của nước Mỹ - quan hệ với thế giới Hồi giáo. Kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, chính sách Trung Đông của hầu hết các đời tổng thống Mỹ, bắt đầu từ D. Eisenhower cho đến G. Bush, đã chia cắt thế giới Hồi giáo thành hai phần, ủng hộ và thù địch nước Mỹ. Dù vẫn biết cải thiện được quan hệ với phần thù địch của thế giới Hồi giáo thì nước Mỹ ít nhất sẽ trở nên an toàn hơn nhưng chưa có tổng thống nào làm được điều này. Thậm chí, sau vụ khủng bố 11-9-2001, Tổng thống G. Bush còn khiến cho làn sóng chống Mỹ tại Trung Đông lên cao hơn. Ngay sau khi tiếp quản Nhà Trắng, ngày 4-6-2009 tại Cairo (Ai Cập), Tổng thống Obama đã đưa ra tuyên bố: “Công việc của tôi với thế giới Hồi giáo là thuyết phục các bạn rằng người Mỹ không phải là kẻ thù của các bạn” và “người Mỹ sẵn sàng chìa tay ra với cộng đồng Hồi giáo”. Gần tám năm qua, cách tiếp cận này của ông Obama đã được thực tế minh chứng chứ không chỉ là những lời nói suông.

Tháng 8-2013, cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học tại Syria đã đẩy nước Mỹ đến sát “lằn ranh giới đỏ” của một cuộc chiến tranh. Bất chấp những áp lực, đặc biệt là từ phía đảng Cộng hòa, Tổng thống Obama đã quyết định chấp nhận thỏa hiệp để né tránh một cuộc hành binh mới. Cho dù quyết định này đã “làm tổn hại nghiêm trọng thể diện của nước Mỹ” (như phía đảng Cộng hòa cáo buộc) nhưng rõ ràng đã giúp cho cộng đồng Hồi giáo tại Trung Đông hiểu được tính chân thực trong tuyên bố Cairo của ông Obama.

Cách hành xử theo quan điểm “bạo lực không phải là biện pháp duy nhất và lý tưởng” đã giúp ông Obama tháo gỡ được một trong những bộ hồ sơ gai góc nhất tại Trung Đông – chương trình hạt nhân của Iran. Hiệp định hạt nhân giữa nhóm P5+1 và Iran (ký ngày 14-7-2015) không chỉ giúp khép lại chặng đường đàm phán đầy cam go suốt 13 năm về vấn đề hạt nhân của Iran, mà phần nào còn tạo ra cơ hội để nước Mỹ có thể chuyển hóa mối quan hệ thù địch với Iran đã tồn tại từ năm 1979.

“Tinh thần Cairo” của Tổng thống Obama còn có thể thấy trong cách thức tiến hành cuộc chiến chống các lực lượng khủng bố tại Iraq và Syria. Việc ông Obama kiên quyết không điều động quân đội Mỹ trở lại chiến trường xưa (thậm chí vì để bảo vệ quan điểm này, ông chấp nhận thay Bộ trưởng Quốc phòng Leon Paneta). Đỉnh điểm là việc sử dụng lực lượng người Kurd trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khiến Mỹ phải đối mặt với phản ứng quyết liệt từ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, Tổng thống Obama thực sự muốn cải thiện hoặc chí ít là không làm xấu hơn quan hệ với phần thù địch trong cộng đồng Hồi giáo.

Bằng tuyên bố nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba (ngày 17-12-2014), đặc biệt là chuyến thăm Havana (từ ngày 21 đến 23-3-2016), Tổng thống Obama đã đi vào lịch sử nước Mỹ với tư cách là người đã hóa giải được một trong những mối quan hệ thù địch kéo dài nhất (54 năm) trong đời sống quốc tế đương đại.

Chuyến viếng thăm Hiroshima, Nhật Bản (ngày 27-5-2016) cũng là chuyến thăm Hiroshima đầu tiên của một nhà lãnh đạo Mỹ sau gần 71 năm, lại cho thấy một khía cạnh khác trong tinh thần hòa giải của Tổng thống Obama. Trong cuộc tiếp xúc với những nạn nhân còn sống sót bởi quả bom hạt nhân mà nước Mỹ đã ném xuống ngày 6-8-1945, ông Obama đã đưa ra thông điệp: “Quá khứ Hiroshima nhắc nhở chúng ta hãy nỗ lực vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân”. Có lẽ theo Tổng thống Obama, những hành động thiết thực nhằm ngăn chặn sự tái diễn của quá khứ đau thương còn hơn rất nhiều lời xin lỗi.

Tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cùng với cam kết tiếp tục nỗ lực cùng Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh trong chuyến thăm Việt Nam (từ ngày 22 đến 25-5-2016) đã làm cho bức tranh về tinh thần hòa giải của Tổng thống Obama trở nên hoàn thiện hơn. Dù quan hệ Mỹ – Việt đã trở lại trạng thái bình thường từ thời Tổng thống Bill Clinton nhưng Tổng thống Obama vẫn nhớ rằng tiến trình này chưa đi đến hồi kết bởi vẫn còn những khúc mắc. Việc tiếp đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (ngày 7-7-2015) tại Nhà Trắng và sự hiện diện tại Hà Nội (ngày 23-5-2016) cho thấy ông Obama có trách nhiệm cao thế nào với định hướng hòa giải.

Tới đây, một câu hỏi không thể né tránh, là tại sao Tổng thống Obama lại dành nhiều nỗ lực đến vậy cho công cuộc hóa giải những vấn đề có ảnh hưởng rất lớn đến uy tín chính trị của bản thân ông, thậm chí có thể gây những tác động tiêu cực cho ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, bởi chỉ cần thành tích giúp nền kinh tế Mỹ phục hồi cũng đã là quá đủ để lịch sử nước Mỹ phải nhắc tới ông. Hơn thế, chỉ tính riêng tại Mỹ, những đánh giá về kết quả của chính sách hòa giải của Tổng thống Obama là không hề nhất quán. Người ủng hộ ông Obama không thiếu nhưng số người chỉ trích cũng không hề nhỏ. Đặc biệt gay gắt là một số nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa, họ cho rằng chính sách hòa giải của Tổng thống Obama là sản phẩm chỉ có ở những người yếu đuối và vì thế nó đang làm “biến dạng nước Mỹ”.

Đương nhiên, phán xét của lịch sử sẽ là công bằng nhất. Với cá nhân người viết, tầm nhìn của vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ chính là câu trả lời, bởi sự kiên định với chính sách hòa giải chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu giúp chính quyền Obama khắc phục được hậu quả của cơn bão khủng hoảng kinh tế. Hình ảnh của người Mỹ có thể trở nên “mềm” hơn dưới thời Tổng thống Obama, thậm chí người ta nói nhiều về một nước Mỹ thời thoái trào nhưng thực tế không thể phủ nhận, nước Mỹ thời Obama được cộng đồng quốc tế nhắc đến nhiều với tư cách là một cường quốc có trách nhiệm.