Tôi sinh ra và lớn lên trong khu vườn mít của ông ngoại. Món quà quê thân thiết của lũ nhóc chúng tôi lúc đó là bông mít da cám (còn gọi là giái mít). Bông mít da cám vừa hái, ngồi bệt ngay gốc cây, một tay bưng chén muối ớt, một tay cầm bông mít mà cắn, chấp chấp nhai, chấp chấp nuốt để tận hưởng cảm giác chua chua, chát chát, mằn mặn trong miệng... Chỉ có vậy, mà sao thuở đó ăn đến phát ghiền.
Gỏi bông mít: Bông mít, chừng mươi trái vừa hái trên cây xuống, bào mỏng. ngâm nước muối cho đỡ chát rồi vớt ra vắt ráo. Chùm ruột, chừng hai nắm, có trái hồng quân non thì thêm ít trái, đem giã nhuyễn với vài trái ớt, một nhúm tôm khô. Xong, cho vào đó một hoặc hai muỗng đường, một chút nước mắm, vài cọng rau răm xắt nhuyễn, rồi trộn đều... Mầu nâu nhạt của bông mít, lẫn với mầu vàng xanh non của chùm ruột, mầu đỏ bầm của trái hồng quân, đỏ tươi của ớt và màu xanh của lá rau răm, nhìn vào cứ y như một bức tranh sinh động.
Mít kho cá chuồn |
Một trái mít non đem từ ngoài vườn vào, gọt bỏ vỏ sạch sẽ, chia ra làm 3 phần: nấu canh, kho và trộn gỏi. Canh mít non lúc hầm với giò heo thì phải xắt miếng to cỡ ba ngón tay, dày cỡ một lóng tay, khi nấu với tôm khô mới bào mỏng, để mau chín, tôm ngọt. Rau nêm canh mít phải là rau quế, có thêm vài lát ớt, chút đậu phộng càng ngon... Còn món gỏi, muốn ngon phải lựa chỗ mít nhiều xơ, ít hột luộc sao cho vừa chín tới để khi đem miếng mít ra xé nhuyễn, sợi mít dai và trắng. Gỏi mít hấp với đậu phộng và rau răm. Khó khăn nhất đối với tôi hồi ấy là kho nồi mít non với cá chuồn sao cho vừa ăn mà miếng mít còn nguyên, khứa cá không nát. Gia vị cho nồi cá chuồn kho mít là nghệ tươi, hành tỏi giã nát, ướp cá cho thấm rồi xếp vào nồi, dưới mít trên cá... Mít nghệ vừa chín tới, có thể làm món mít dồi. Món này thực hiện khá công phu. Phải lấy hột ra khỏi múi sao cho múi mít vẫn còn nguyên vẹn. Rồi thịt, củ sắn, hành... bằm nhuyễn trộn với đậu xanh đãi vỏ nấu chín, vo thành từng viên dồi vào múi mít đem hấp. Mít dồi chỉ để ăn chơi khi có đám tiệc.
Nhắc tới trái mít dừa thì không thể quên món canh rau tập tàng hái ngoài vườn nấu với thứ sơ mít chín mọng, vài cái đầu khô cá tra nêm muối ớt. Nồi canh ngọt lịm cái kiểu ngọt tự nhiên, dân dã ấy sẽ đậm đà hơn nếu bữa cơm hôm đó có thêm món cùi mít ướt muối sả ớt chiên. Cách làm món cùi mít ướt cũng đơn giản như cái tên mít... Cùi mít xẻ miếng bằng bàn tay, dày cỡ lóng tay, đem luộc vắt ráo, ướp muối, sả ớt, bột cà ri cho thấm rồi đem chiên vàng.
Nhớ nhất là những ngày cả nhà sum vầy, má tôi thưởng tổ chức làm món bánh lá mít. Sớ dĩ phải dùng hai từ tổ chức vì làm bánh lá mít tuy không tốn nhiều tiền nhưng lại tốn nhiều công. Trong khi cha tôi nạo dừa, má tôi nhồi bột, anh tôi đi kiếm rau vườn (những thứ đọt dừng, sàng, chùm ruột, xoài, điều, rau má, lá lốp v.v...), chị lớn giã tỏi ớt làm nước mắm, chị kế chuẩn bị xửng hấp, chị kế nữa phi mỡ hành, mấy đứa con nít lại phải nhận lãnh nhiệm vụ chính là... đi hái lá mít về lau sạch xếp vào rổ...
Gỏi mít |
Khi khâu chuẩn bị hoàn tất, má tôi bắt bột thành những viên tròn to cỡ trái chanh, đặt lên chiếc lá mít, đánh bẹt một cái trên lòng bàn tay, xong, bỏ vào xửng hấp. Trong nhà tôi thuở đó, lúc nào má cũng trữ sẵn hai thứ bột gạo và bột nếp rấm. Muốn làm bánh lá mít, má chỉ cần đem bột ra phần liều lượng, pha sao cho bánh có độ dẻo, dai vừa phải, không bở như bánh bèo nhưng cũng không quá dẻo như bánh ích trần.
Món mứt mít vàng ươm, ngọt ngất luôn là đặc sản gia đình tôi gửi biếu bạn bè, người thân, là món mứt được má tôi gắp ra đĩa kiểu bịt bạc để riêng một mình nó, chễm chệ trên bàn đãi khách. Còn khi cuốn bánh tráng với thịt kho, thì món dưa mít non trắng phau, giòn giòn, dai dai, chua chua, chát chát của má tôi đi cùng vài cọng hẹ, chút dưa hành để phù hợp với cái ngọt, cái béo của món thịt kho nước dừa.