Mưu sự tại nhân – thành sự cũng tại nhân

|

NDO - NDĐT- Từ xưa tới nay, ý chí và khát vọng vươn lên của con người luôn khiến cho cuộc tranh luận về sự hơn thua giữa “ý người” và “ý trời” trở nên bất tận. Phần đông có quan điểm “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Nhưng cũng không ít người lại cho rằng, con người mới là nhân tố quyết định. Điều khó phân định là bên nào cũng đều đưa ra những chứng cứ xác đáng đầy tính thuyết phục. Tuy không có tham vọng phân xử cuộc tranh luận này, nhưng nếu căn cứ vào những gì xảy ra trong đời sống quốc tế tuần lễ vừa qua, người viết xin được chọn theo cách nhìn thứ hai.

Hãy bắt đầu từ vụ chìm phà Sewol hôm 16-4-2014 tại vùng biển phía tây nam Hàn Quốc. Đây có thể coi là một trong những vụ chìm phà thảm khốc nhất trong lịch sử vận tải biển. Thương tâm nhất là trong tổng số 476 hành khách thì hầu hết là các học sinh trung học đang thực hiện một chuyến đi thực địa. Tính đến cuối ngày 22-4, các đội cứu hộ đã tìm thấy 108 thi thể, và như vậy hiện vẫn còn 194 người mất tích. Từ chuyến phà “định mệnh” này, có không ít điều liên quan trước hết đến hành động của con người.

Trước hết, trách nhiệm gây nên tai nạn bi thảm này đương nhiên thuyền trưởng Lee Joon-Seok và thủy thủ đoàn phải gánh chịu hoàn toàn. Nhóm người này đã bị nhà chức trách Hàn Quốc bắt giữ và sẽ phải đối mặt với ít nhất năm tội danh như ngộ sát, vi phạm quy định hàng hải v.v. Tựu chung, tội lớn nhất của nhóm người này là thiếu trách nhiệm (chính xác phải là vô trách nhiệm) với công việc mà mình đảm trách. Điều này thể hiện từ việc tự chọn lộ trình không đúng quy định, đến khi phà bắt đầu đắm đã không thực hiện những quy định có tính bắt buộc (Theo Luật Thủy thủ của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, thuyền trưởng "không được phép rời tàu cho đến khi toàn bộ hàng hóa được dỡ xong hoặc toàn bộ hành khách xuống tàu", và "phải làm hết sức có thể để cứu người, tàu cũng như hàng hóa trong tình huống khẩn cấp") . Đặc biệt, cách lý giải của thuyền trưởng Lee Joon-Seok về lý do không cho phép hành khách rời phà: "Lúc đó, dòng nước rất mạnh, nước biển lạnh. Tôi nghĩ rằng, nếu mọi người rời phà mà không phán đoán (đúng), nếu họ không mặc áo phao và dù có mặc áo phao đi nữa, họ sẽ bị cuốn đi và phải đối mặt với nhiều khó khăn khác nữa. Các tàu cứu hộ lúc đó chưa đến và cũng không có tàu ngư dân hay tàu nào khác ở gần", càng cho thấy trình độ chuyên môn cũng như mức độ quan tâm tới an toàn hành khách của tất cả thủy thủ đoàn đều có vấn đề.

Nghịch lý ở chỗ, trước khi xảy ra vụ đắm phà này, mức độ an toàn và tín nhiệm của các hãng vận tải biển Hàn Quốc là khá cao, hơn nữa Chính phủ Hàn Quốc cũng đã huy động tới 204 tàu, 34 máy bay và khoảng 560 thợ lặn tham gia chiến dịch tìm kiếm – một hoàn cảnh tương tự với vụ tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 của Malaysia trong suốt hơn tháng qua, vậy mà gần một tuần trôi qua nhưng công tác cứu hộ vẫn chưa hoàn tất . Rất có thể, chính vì uy tín cao như vậy nên dần xuất hiện tâm lý chủ quan, thậm chí tệ hơn, có thể người ta sợ uy tín bị sứt mẻ mà lúc mới xảy ra sự cố đã không chịu nhận ra mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Nếu nhìn cảnh những người thân đứng trên bờ trông chờ tin tức con em mình một cách bất lực, thì chắc tất cả đều phải chỉ trích những hành động thiếu quyết đoán và nhanh nhạy của nhà chức trách Hàn Quốc hơn là đổ lỗi cho điều kiện hải lưu vẫn rất mạnh và tầm nhìn hạn chế, tức là do “ý trời”.

Trong vụ việc thứ hai – hội nghị bốn bên Ucraina, Nga, Mỹ và EU tại Geneva hôm 17-4-2014, nhân tố con người lại càng nổi rõ hơn. Bất chấp những mâu thuẫn giữa chính phủ lâm thời Kiev và Điện Kremlin, đặc biệt là sau vụ sát nhập Crưm vào Nga rồi đến mấy tỉnh miền Đông Ucraina nổi dậy, tình trạng căng thẳng trong quan hệ Nga – phương Tây bởi những biện pháp trừng phạt Nga vẫn đang tiếp tục v.v., các nhà lãnh đạo của bốn bên đã ngồi được với nhau, thậm chí hai phái đoàn Nga và Ucraina đã có cuộc gặp riêng rẽ bên lề hội nghị. Trong Tuyên bố bảy điểm, một số nội dung đạt được đã phản ánh thiện chí và quyết tâm làm dịu bầu không khí đang sôi sục tại Ucraina của tất cả các bên. Trong tuyên bố đã không đề cập tới hai vấn đề nhạy cảm là Crưm và tính hợp pháp của chính phủ lâm thời Kiev, một trong những nguồn cơn dễ dẫn đến bùng phát căng thẳng trong quan hệ Ucraina – Nga. Sự thỏa hiệp thể hiện rõ nét trong nội dung “kiên quyết lên án và bác bỏ mọi biểu hiện quá khích, phân biệt chủng tộc hoặc không dung hòa về tôn giáo, bao gồm cả chủ nghĩa bài Do Thái” và “tất cả các nhóm vũ trang bất hợp pháp phải giải giáp, toàn bộ các tòa nhà bị chiếm đóng trái phép phải được trả cho chủ sở hữu hợp pháp, tất cả các đường phố, quảng trường và các địa điểm công cộng khác bị chiếm đóng trái phép ở các thành phố và các điểm dân cư của Ucraina phải được giải phóng”. Đặc biệt, các bên đã thống nhất được về vai trò giám sát đặc biệt của phái bộ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) trong hỗ trợ chính quyền Ucraina và các cộng đồng địa phương thực thi các biện pháp giảm căng thẳng ở các khu vực cần thiết nhất cũng như tiến trình cải cách hiến pháp ở nước này.

Tuy nhiên, thật đáng buồn là ngay sau đó, vào đúng ngày Lễ Phục sinh (20-4) đụng độ quân sự lại đã xảy ra khiến năm người thiệt mạng tại thành phố Slaviansk (thuộc tỉnh Donesk), rồi sau đó là màn chỉ trích lẫn nhau về trách nhiệm tại Ucraina giữa Nga và Mỹ.

Như vậy, giờ đây số mạng của Thỏa thuận Geneva vừa đạt được hoàn toàn phụ thuộc vào cách hành xử của từng con người liên quan, trước hết là những lực lượng thuộc hai phe tại Ucraina.

Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama ký đạo luật cấm cấp thị thực nhập cảnh cho nhà ngoại giao Iran Hamid Abutalebi (hôm 18-4-2014) lại là một minh chứng rõ ràng nữa về nhân tố con người. Theo luật pháp nước Mỹ, với cáo buộc cho rằng Abutalebi bị nghi tham gia nhóm sinh viên Hồi giáo chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ tại Tehran vào tháng 11-1979 và bắt giữ 52 người Mỹ làm con tin trong 444 ngày, thì việc Tổng thống Obama đưa ra quyết định trên không có gì sai. Tuy vậy, chính quyền Mỹ dường như đã bỏ qua hai chi tiết không kém phần quan trọng khiến cho việc cấm nhập cảnh đối với ông Abutalebi trở nên “thiếu tính hợp pháp”.

Thứ nhất, theo quy ước giữa Liên hợp quốc và Chính phủ Mỹ (nước chủ nhà nơi đóng trụ sở của LHQ), Mỹ có nghĩa vụ phải cấp thị thực cho đại diện các quốc gia thành viên của LHQ. Vì thế, việc làm này của Mỹ có thể tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm đe dọa đến công ước về quyền ngoại giao.

Thứ hai, hành động này của Mỹ đe dọa đến tiến trình đàm phán đang dang dở giữa Iran và nhóm P5+1 về chương trình hạt nhân của nước này. Hành động này càng trở nên khó hiểu hơn khi mà bản thân chính quyền Obama cũng đang rất muốn cải thiện quan hệ với chính phủ Iran của Tổng thống Rouhani.

Tất nhiên, chẳng ai có thể phủ nhận những điều có tính “thiên mệnh”, những quy luật của tự nhiên, nhưng một vài dẫn chứng ở trên vẫn đủ sức chỉ ra rằng, thay vì đổ lỗi cho “định mệnh” mỗi cá nhân hãy cố làm tròn bổn phận của con người trong từng xã hội. Bởi đơn giản, mọi thứ trước hết phụ thuộc vào cách hành xử của con người.