Cấp cao Á-Phi- Đừng để cái khó "bó" tình đoàn kết

|

NDO - NDĐT - Từ ngàn xưa tới giờ, cái lý “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” vẫn luôn là phương thức hiệu quả nhất được con người lựa chọn khi mà nguồn lực hay khả năng không đủ để có thể đối phó được với những vấn đề nan giải.

Ngày 18-4-1955, tại phiên khai mạc của Hội nghị đoàn kết Á – Phi lần thứ nhất (tổ chức tại thành phố Bangdung, Indonesia), thay mặt cho 29 đoàn đại biểu đến từ hai châu lục Á, Phi, Tổng thống nước chủ nhà Sukarno đã đưa ra thông điệp gây chấn động thế giới hai cực: “Từ nay, thế giới phải biết đến sự tồn tại của chúng tôi”. Ngay sau đó, tinh thần Bangdung này đã được cụ thể hóa bằng bản Tuyên bố 10 điểm của hội nghị.

Dù đã được khích lệ rất nhiều bằng những thành tựu đã đạt được kể từ sau khi giành được độc lập, đặc biệt là âm hưởng to lớn từ chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội của nhân dân Việt Nam, nhưng ngần ấy có lẽ là chưa đủ giúp cho các nước tham gia hội nghị Bangdung có được sự tự tin đến vậy. Bởi lẽ, thời điểm diễn ra hội nghị chính là lúc Chiến tranh lạnh đang ở giai đoạn khốc liệt nhất. Mỹ và Liên Xô gần như đã hoàn thành việc xác lập hai khối Đông và Tây ở châu Âu và bắt đầu có kế hoạch vươn ra ngoài châu lục. Trong khi đó, các nước Á, Phi đều vừa mới thoát khỏi những năm tháng dài dưới chế độ thực dân. Điều duy nhất các nước này có được là độc lập, còn lại mọi thứ đều hết sức thiếu thốn. Trong bối cảnh đối đầu, phân tuyến kiểu hai cực, với nguồn lực và khả năng hạn chế các nước độc lập non trẻ phải cân nhắc trong việc công khai lựa chọn chính sách trung lập. Hơn nữa, cho đến lúc này, việc các nước nhỏ thường bị gạt ra bên lề quá trình giải quyết các vấn đề quốc tế, như một thông lệ trong đời sống quốc tế, vẫn chưa có sự thay đổi nào rõ rệt.

Như vậy, rõ ràng Tuyên bố Bangdung không chỉ phản ánh khát vọng vươn lên của các nước Á – Phi mà còn thể hiện sự dũng cảm sẵn sàng đối mặt với mọi áp lực từ phía hai cực Xô – Mỹ cũng như từ chính sự yếu kém của họ. Có được quyết tâm này có lẽ chủ yếu còn là do các nước Á, Phi đã nhìn thấy nguồn sức mạnh bổ sung đến từ chính sự đoàn kết. Với số lượng áp đảo, một khi có thể gắn kết với nhau thì các nước độc lập dân tộc Á, Phi (sau này thường gọi là những nước đang phát triển) hoàn toàn có thể tự tin trong việc đối phó với những khó khăn, thách thức trước mắt.

Thực tế sau đó đã minh chứng cho sức mạnh đoàn kết này. Tháng 9-1961, vượt qua rất nhiều rào cản, 25 nước Á, Phi và Mỹ Latinh đã quy tụ được trong một cơ chế - Phong trào Không liên kết. Sau 10 năm, số lượng thành viên của Phong trào Không liên kết đã tăng gấp ba lần, và đến ngày hôm nay là 120 quốc gia, tức là hơn 60% thành viên của Liên Hợp Quốc. Sự đoàn kết của các nước Á - Phi giúp kết thúc một vấn đề đã tồn tại hàng trăm năm - phi thực dân hóa. Năm 1975, những thuộc địa cuối cùng như Mozambique, Ethiopia và Angola đã giành được độc lập, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống thuộc địa. Sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước Á, Phi, Mỹ Latinh cũng đã giúp nhân dân Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, một trong những cuộc chiến tranh dài ngày, khốc liệt và mất cân đối nhất trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Sức mạnh tập thể của các nước đang phát triển còn đủ sức ép để tạo nên tiến trình đối thoại Bắc - Nam (1975-1978), mà một trong những thành quả đạt được là việc các nước công nghiệp phát triển buộc phải cho các nước nghèo hưởng quy chế ưu đãi thuế quan (GSP). Một thực tế không thể phủ nhận, chính sự ra đời, lớn mạnh và gắn kết của các nước đang phát triển đã góp phần quyết định kết thúc cuộc Chiến tranh lạnh kéo dài suốt bốn thập kỷ, mở ra kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Tuy nhiên, kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, khi mà các nước Á, Phi có nhiều cơ hội hợp tác, gắn bó với nhau chặt chẽ hơn thì lại cũng là lúc sự đoàn kết giữa họ gặp nhiều khó khăn, trở ngại hơn bao giờ hết.

Trước hết, chính việc hầu hết các nước Á, Phi đều chuyển đổi sang mô hình kinh tế thị trường hướng ra xuất khẩu đã làm nảy sinh sự chia rẽ, trước hết là ngay chính trong nội bộ của không ít các nước đang phát triển. Chênh lệch giàu nghèo, cạnh tranh kinh tế - thương mại, quản lý yếu kém, bất ổn xã hội v.v., bao giờ cũng là mảnh đất màu mỡ cho các căn bệnh nghi kỵ, phân biệt nảy sinh.

Tình trạng bất ổn kinh tế, chính trị-xã hội tại châu Phi cũng là trở ngại không nhỏ, khiến hợp tác Á - Phi thêm phần khó khăn. Đơn cử như trước những xung đột tại Trung Đông - Bắc Phi, đoàn kết là điều thật khó thực hiện khi ngay chính các nước trong khu vực còn chưa có được sự đồng nhất quan điểm.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, không phải quốc gia nào cũng tận dụng được mọi cơ hội, sự phân hóa là điều khó tránh khỏi, và cũng từ đó làm nảy sinh mâu thuẫn giữa nhóm nước phát triển nhanh hơn và nhóm tụt hậu. Trong những năm gần đây, sự khác biệt giữa một châu Á - Thái Bình Dương, khu vực được cho là phát triển năng động nhất thế giới, với châu Phi, nhất là Tây và Đông Phi, nơi được coi là nghèo và kém phát triển nhất hành tinh đã được thể hiện rõ nét tại nhiều cơ chế, diễn đàn hợp tác đa phương, điển hình như tại các hội nghị về chống biến đổi khí hậu hay vòng đàm phán Doha.

Nguồn lực hạn chế vẫn tiếp tục là một thách thức to lớn đối với đoàn kết Á - Phi. Từ năm 1988, nhằm khắc phục điều này Ban phương Nam (trong khuôn khổ Phong trào Không liên kết) đã ra đời theo đề xuất của cựu Thủ tướng Malaysia Mohamed Mahathia. Nhiệm vụ đầu tiên mà Ban phương Nam hướng tới là nỗ lực có những công trình nghiên cứu cụ thể về thực trạng và hiệu quả của hợp tác Nam - Nam. Tuy nhiên, cho đến nay hầu hết các công trình nghiên cứu có được lại đều do các học giả phương Bắc thực hiện, hoặc do các nước phát triển tài trợ. Trên thực tế, trong hơn 20 năm qua, sự hợp tác Á - Phi cũng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn là chưa đủ. Đơn cử như cho đến nay, giữa 2 châu lục vẫn chưa có một cơ chế hợp tác liên châu lục nào kiểu như ASEM, hay APEC (cho dù động lực của cơ chế liên Á - Mỹ này vẫn là những nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc).

Cơ cấu nhất siêu, nhiều cường hiện nay cũng khiến cho sự đoàn kết Á - Phi gặp nhiều trắc trở. Cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn vẫn luôn khiến các nước nhỏ bị phân hóa, và sự phân hóa này càng trở nên sâu sắc hơn khi số lượng nước lớn gia tăng. Trong mấy năm vừa qua, tình trạng xung đột đẫm máu tại Bắc Phi - Trung Đông, tranh chấp biển, đảo tại châu Á - Thái Bình Dương, bất ổn tại Mỹ Latinh v.v. có thể nói là hệ quả tất yếu của cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn.

Xét cho cùng, kể từ thời điểm giành được độc lập đến nay, đoàn kết Á - Phi cũng chưa lúc nào gặp toàn thuận lợi. 60 năm qua, tinh thần Bangdung cho thấy, để có thể vượt lên tất cả những khó khăn, thách thức, nhận thức về tầm quan trọng của sự đoàn kết là chưa đủ, mà cần có những hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa quyết tâm đó.

Trong bối cảnh hiện tại, điều này càng trở nên bức thiết hơn. Bởi lẽ, các nước Á, Phi đang cùng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, như xung đột, phòng chống bệnh tật, phát triển chống đói nghèo, chống can thiệp, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ v.v., mà chỉ có sự đoàn kết mới giúp họ vượt qua. Có lẽ từ nhận thức này mà sau 60 năm, cũng tại Indonesia, vấn đề tăng cường đoàn kết, hợp tác lại được các nhà lãnh đạo Á, Phi nhắc lại tại hội nghị cấp cao Á - Phi (tổ chức tại Jakarta, từ ngày 18 đến 24-4-20150 thông qua chủ đề: “Tăng cường hợp tác Nam-Nam nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên thế giới”. Cũng chính từ chủ đề của hội nghị cho thấy đã có sự thay đổi trong cách tiếp cận của các nhà lãnh đạo Á - Phi, giờ đây sự đoàn kết Á - Phi không chỉ phải gắn liền với hòa bình và thịnh vượng, mà quan trọng hơn, nó còn phải đặt trong sự gắn bó với toàn thế giới. Sự thay đổi này cũng cho thấy, những khó khăn hiện tại đã không cản trở được quyết tâm đoàn kết của các quốc gia Á - Phi.