Sau giao hữu ĐTQG vs U22 Việt Nam: vui thì có, lo vẫn còn

|

NDO - Trải qua hai cuộc đọ sức với các đàn em U22 là những nòng cốt chuẩn bị cho SEA Games 31, những người anh lớn ĐTQG đã để lại những dấu ấn đặc biệt trên sân cỏ, nhưng bên cạnh đó là những hạt sạn khó có thể phai nhòa.

Cho dù chỉ là những trận đấu mang tính chất thử nghiệm, nhưng chúng lại quyết định đến tương lai của các cầu thủ trên tuyển. Những người thể hiện tốt ý đồ chiến thuật của HLV Park Hang Seo sẽ có được sự tin tưởng của vị HLV người Hàn Quốc. Còn những người thi đấu dưới sức mình thì một tấm vé lên tuyển dành cho họ sẽ là rất khó khăn. Vậy “những chiến binh sao vàng” đã đọng lại trong lòng người hâm mộ điều gì và còn những vấn đề nào đáng suy ngẫm?

Những nhân tố mới

Những gương mặt lần đầu được lên tuyển như Văn Việt và Hai Long, hoặc đã từ lâu không có mặt trong danh sách triệu tập như Văn Quyết, Xuân Cường được người hâm mộ kỳ vọng sẽ tạo ra phương án gây đột biến khác lạ, khiến cho đối thủ bất ngờ và hoang mang. Nhưng chỉ có số ít các cầu thủ thể hiện được khả năng của mình và hầu như chơi không đúng như sự trông đợi của ban huấn luyện.

Hai gương mặt mới thuộc biên chế Than Quảng Ninh là Hai Long hay Văn Việt đều gặp những vận rủi khác nhau. Việc Hai Long lên tuyển chỉ để thầy Park rèn luyện làm nòng cốt chính tham dự SEA Games sắp tới được tổ chức trên chính mảnh đất hình chữ S.

Còn Văn Việt được coi là phương án thử nghiệm cho vị trí trung vệ khi mà Quế Ngọc Hải bị chấn thương, Đỗ Duy Mạnh hay Trần Đình Trọng đang trong quá trình hồi phục và chưa chắc có thể trở lại được với phong độ đỉnh cao của mình. 

Tưởng chừng đây sẽ là cơ hội cho Văn Việt thể hiện bản thân mình nhưng trung vệ năm sau bước sang tuổi 32 lại mắc một sai lầm sơ đẳng dẫn đến quả đá phạt đền cho các đàn em U22 Việt Nam. Đó là tình huống ở phút thứ 51 trên “thánh địa” Cẩm Phả, một pha thả bóng tưởng chừng sẽ được hóa giải đơn giản nhưng cầu thủ gốc Quảng Nam lại có pha tì đè non nớt với cầu thủ trẻ Hữu Thắng và vô tình xô đẩy cầu thủ trẻ Viettel ngã trong vòng cấm. 

Hai cái tên khác có thể kể đến là Văn Long và Giang Trần Quách Tân cũng chẳng để lại nhiều dấu ấn. Văn Long không thể hiện được nhiều và chỉ để lại những đường chuyền về vô hại và không chút sát thương cho hàng phòng ngự U22 Việt Nam. Quách Tân có lẽ cần cải thiện vấn đề về thể lực và thể hình khi anh gần như mất hút và yếu thế khi tranh chấp tay đôi.

 (Ảnh: VFF)

Những hạt sạn nhỏ vẫn hằn in, thế nhưng sự lạc quan lại đến từ những cái tên lạ mà quen. Văn Quyết trở lại ấn tượng bằng một bàn thắng và những đường chuyền đầy sáng tạo cho những tiền đạo phía trên. Vậy là sau hai năm ròng rã, đội trưởng CLB Hà Nội cũng đã trở lại và vùng dậy một cách cực kì mạnh mẽ, quyết tâm. 

Một cái tên khác có thể nhắc đến là Vũ Xuân Cường. Cầu thủ hiện đang thi đấu cho Đông Á Thanh Hóa đã kiếm về một quả đá 11m cho ĐTQG và cộng với đó là những pha xuống biên đầy khôn ngoan. Sự đột biến và tạo bạo của Xuân Cường cũng là điểm tích cực cho “công cuộc” làm mới nhân sự cho đội tuyển. 

Nhưng trong mắt HLV Park Hang Seo, người thi đấu nổi bật và xuất sắc nhất là Cao Văn Triền, một tiền vệ phòng ngự. Anh thi đấu năng nổ và cực kì nhiệt huyết. Trong bối cảnh đội tuyển đang trong quá trình làm mới “thân xác”, cầu thủ quê Bình Định có thể sẽ nằm trong kế hoạch của đội nếu vẫn có những màn trình diễn tốt trong màu áo CLB.

Đẳng cấp “ma” cũ lên tiếng

Những cầu thủ mới đang cố gắng thích ứng với chiến thuật của ĐT, còn những con người quen thuộc vẫn thể hiện một màn trình diễn cực kỳ thuyết phục. Tuấn Anh, chàng “Nhô” vẫn có những pha xử lý đậm chất thần tượng của mình, Andrea Pirlo. Cách thoát pressing, những pha cầm bóng mềm mại nhưng cũng pha chút máu lửa, đó là phẩm chất và kỹ thuật thường thấy của cầu thủ được bầu Đức yêu quý nhất trong lứa thuộc khóa một năm nào. 

Đối với Công Phượng và Văn Đức, cho dù không có một bàn thắng nào nhưng đóng góp vào lối chơi của hai chàng trai xứ Nghệ là không phải bàn cãi. Về Công Phượng, việc thi đấu trong vai trò của một trung phong là một điều bất ngờ đối với “CP10”. Trong cả mùa giải 2020, anh hầu hết được thi đấu ở vị trí tiền đạo lùi hoặc một tiền vệ công, đôi khi là tiền vệ lệch trái nhưng nhìn chung, Phượng vẫn toát ra sự nguy hiểm trong từng pha xử lý. Nếu để ý kĩ, cầu thủ này thường có những pha thả bóng để Văn Đức, Hồng Duy khoét biên. Đặc biệt, ở phút thứ 20 trên sân Việt Trì, anh gây rối loạn hàng thủ U22 Việt Nam và cũng suýt có bàn thắng cho riêng mình. 

Còn về phần Đức “cọt”, anh vẫn cho thấy những pha xuống biên quen thuộc, đặc biệt là pha bấm bóng cho Quang Hải vô lê thành bàn. Số 20 thường xuyên lùi sâu nhận bóng và rất năng nổ trong việc xâm nhập vòng cấm. Đối với người hâm mộ, đây là một sự trở lại hoàn hảo và tuyệt vời! 

Nhưng nếu nhắc về Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Đức thì cũng phải nhắc đến Quang Hải. Hải “con” thi đấu rất hoa mỹ và có những pha xử lý đầy mĩ miều. Một pha vô lê cháy lưới thủ thành Trịnh Xuân Hoàng, một pha ngã trong vòng cấm kiếm về phạt đền để Văn Thanh ghi bàn trên chấm trắng. Thật khó để diễn tả sự kì diệu mà Quang Hải mang tới cho người hâm mộ Việt Nam.

  Đội trưởng hai đội tuyển và tổ trọng tài điều hành trận giao hữu thứ hai.

Vậy rốt cuộc, HLV Park đã tìm ra điều gì chưa?

Qua lượt trận giao hữu, giới chuyên môn có thể nhận ra người thầy quốc dân đã cho những học trò của mình vận hành một sơ đồ mới. Thay vì 3-4-3 như thường lệ, ông luân phiên sử dụng sơ đồ 5-3-2 hay 3-5-2. Một khối kim cương ở giữa sân được hình thành khi tấn công với đáy kim cương là Tuấn Anh hoặc Văn Triền, một phát hiện thú vị của vị kiến trúc sư tài ba. 

Hùng Dũng là cầu nối giữa hai cánh, Quang Hải, đỉnh của kim cương có vai trò sáng tạo và là một nguồn cung cấp bóng cho hàng tiền đạo phía trên. Ngoài ra, những Văn Quyết, Xuân Cường hay Văn Triền là những phát hiện thú vị, làm dày nhân sự cho ĐT. Hai trận giao hữu vừa rồi, thành công của ĐTQG không phải là thắng đội trẻ bao nhiêu hay ghi được bao nhiêu bàn mà quan trọng hơn hết là: HLV Park đã tìm được một cách vận hành mới và những gương mặt đầy triển vọng.