U23 Việt Nam vẫn rất đáng gờm dù vắng trụ cột

|

NDO - NDĐT - Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cho rằng, ngay cả việc vắng trụ cột Đoàn Văn Hậu hoặc thậm chí cả “chuyên gia săn Tây” Trần Đình Trọng, U23 Việt Nam vẫn là đối thủ nặng ký mà các đội bóng không thể xem thường ở vòng chung kết (VCK) U23 châu Á 2020.

Trong bài nhận định mới đây về các đội bóng ở bảng D VCK U23 châu Á 2020, bảng đấu có sự góp mặt của đương kim á quân Việt Nam, AFC đánh giá rất cao khả năng của thầy trò HLV Park Hang Seo. Từ một đội bóng vô danh, thậm chí chỉ được đánh giá là đội “lót đường” ở giải đấu cách đây hai năm trên đất Trung Quốc, U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park đã gây tiếng vang lớn trên đấu trường châu lục, vượt qua hàng loạt tên tuổi lớn để lọt vào tới trận chung kết, nơi đoàn quân áo đỏ chỉ để thua sát nút 1-2 bởi bàn thua đúng vào phút thứ 120 sau hai hiệp phụ.

Với thành tích á quân giải U23 châu Á 2018, thầy trò HLV Park được xếp ở nhóm hạt giống số một tại giải năm nay và nhờ đó tránh được các đối thủ sừng sỏ ngay từ vòng bảng. U23 Việt Nam rơi vào một bảng đấu khá thuận lợi với sự góp mặt của U23 Jordan, U23 Triều Tiên và U23 UAE. Sau những thành tích ấn tượng suốt hai năm qua kể từ kỳ tích Thường Châu 2018, đoàn quân của thầy Park đang được giới chuyên môn đánh giá rất cao tại giải đấu ở Thái Lan sắp tới. “Thất bại trước U23 Uzbekistan trong trận chung kết năm 2018 giúp Việt Nam lạc quan hơn về cơ hội của mình để tiến thêm một bước đến chức vô địch châu lục trên đất Thái Lan,” AFC nhận định.

“Ngôi sao Nguyễn Quang Hải sẽ là nhân tố chủ chốt, mở ra cơ hội cho Việt Nam. Cùng với sáu cái tên khác trong đội hình vốn đã được góp mặt cùng đội tuyển quốc gia dự Asian Cup 2019, cũng như ở hành trình vô địch AFF Cup 2018, U23 Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin và tràn đầy khát khao chiến thắng, dù vắng bóng những trụ cột như Đoàn Văn Hậu hay Trần Đình Trọng”, trích bài viết của AFC.

Thầy Park đang thử nghiệm nhiều vị trí để giúp U23 Việt Nam có sự chuẩn bị tốt nhất cho VCK U23 châu Á 2020. (Ảnh: VFF)

Đoàn Văn Hậu đang cùng các đồng đội tại SC Heerenveen bước vào đợt tập huấn ngắn hạn ở Tây Ban Nha để chuẩn bị cho giai đoạn quan trọng tiếp theo của mùa giải tại Hà Lan. Việc hậu vệ cánh trái số một của HLV Park Hang Seo không thể góp mặt cùng U23 Việt Nam dự giải châu Á là một tổn thất lớn đối với “Những ngôi sao vàng”, nhất là khi Văn Hậu vừa tỏa sáng rực rỡ tại SEA Games 30, góp phần mang về tấm Huy chương Vàng lịch sử cho bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, trong tay thầy Park vẫn hoàn toàn có nhiều quân bài chất lượng khác để thay thế cho Văn Hậu.

Trong bối cảnh không có được “đôi cánh” Trọng Hoàng và Văn Hậu như ở SEA Games 30, thời gian qua, thầy Park vẫn tích cực tìm kiếm các phương án khả dĩ ở hai biên với những cái tên như Hồ Tấn Tài, Thanh Thịnh, Ngọc Bảo, Trọng Hùng, Thái Quý, Việt Anh. Trong hai trận giao hữu gần đây với Becamex Bình Dương và U23 Bahrain, chiến lược gia người Hàn Quốc tiếp tục thử nghiệm các vị trí ở hai cánh của hàng thủ. Hồ Tấn Tài là niềm hy vọng số một nơi hành lang phải, nhưng sau khi hậu vệ của Becamex Bình Dương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ lấp vào vị trí hậu vệ trái do Đoàn Văn Hậu để lại ở trận chung kết SEA Games vừa qua, nhiều khả năng thầy Park muốn kéo hậu vệ phải này sang cánh trái, trong bối cảnh Thanh Thịnh vẫn có thể chưa hoàn toàn bảo đảm thể lực sau khi hồi phục chấn thương. Song ở trận ra quân, Tấn Tài sẽ vắng mặt do bị treo giò vì đã nhận đủ hai thẻ vàng ở giai đoạn vòng loại. Bởi vậy, HLV Park cũng đã có một số thử nghiệm khác, trong đó đáng chú ý là việc kéo tiền vệ Nguyễn Trọng Hùng về đá hậu vệ phải, đưa Ngọc Bảo ra đá hậu vệ trái như ở trận đấu tập với U23 Bahrain chiều 3-1. Đây không phải lần đầu tiên Trọng Hùng được thử nghiệm ở vị trí này, bởi trước đó anh cũng đã thi đấu ở vị trí bên cánh phải ở trận giao hữu gặp Bình Dương cách đây ít ngày, thay vì chơi tiền đạo lệch trái như thường lệ. Dù để thua 1-2 trước U23 Bahrain nhưng các học trò của thầy Park không đặt nặng thành tích mà qua đó có thể rút ra được nhiều bài học bổ ích trước khi chính thức bước vào hành trình quan trọng ở Thái Lan.

Nếu thử nghiệm với Trọng Hùng thành công, đây sẽ là một bất ngờ mà HLV Park dành cho các đối thủ ở VCK U23 châu Á 2020. (Ảnh: VFF)

Ở trận đấu tập với U23 Bahrain vừa qua, Đình Trọng cũng tiếp tục xuất hiện và đá chính 45 phút đầu sau thời gian dài điều trị chấn thương dây chằng. Dù chỉ mới vừa hồi phục chấn thương nhưng việc Đình Trọng trở lại là tin không thể vui hơn cho toàn đội. Đình Trọng là trung vệ hàng đầu của bóng đá Việt Nam hiện tại, và nếu như có thể lấy lại được thể lực và phong độ tốt nhất của mình, chắc chắn hàng thủ của U23 Việt Nam sẽ mạnh hơn rất nhiều cùng với sự góp mặt của các cá nhân đã chơi rất tốt ở SEA Games 30 vừa qua như Thành Chung, Đức Chiến hay Huỳnh Tấn Sinh. Hơn thế nữa, nếu “chuyên gia săn Tây” Đình Trọng trở lại, thầy Park cũng sẽ có thêm một phương án tăng cường chất “thép” cho tuyến giữa nếu thấy cần thiết, khi đẩy Đức Chiến với thể hình và khả năng tranh chấp tốt từ hàng phòng ngự lên đá tiền vệ trụ, như đã từng làm trong những cuộc đối đầu Indonesia và Thái Lan ở SEA Games vừa qua.

Đình Trọng (giữa) chơi ổn trong 45 phút được ra sân ở trận đấu tập với U23 Bahrain hôm 3-1. Dù thua 1-2 nhưng U23 Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học bổ ích sau màn tổng duyệt cuối cùng này. (Ảnh: VFF)

Sau quá trình tập luyện tại Bangkok, U23 Việt Nam đã di chuyển tới Buriram trong ngày 6-1 để tiếp tục chuẩn bị cho hai trận đấu đầu tiên của mình ở bảng D tại đây, lần lượt gặp U23 UAE (17 giờ 15 ngày 10-1) và U23 Jordan (20 giờ 15 ngày 13-1). Việc VCK U23 châu Á năm nay đồng thời cũng là vòng loại cho Olympic Tokyo 2020 cũng khiến giải đấu trở nên hấp dẫn và mang tính cạnh tranh hơn rất nhiều. Chỉ có ba tấm vé dự Olympic cho ba đội đứng đầu (nếu chủ nhà Nhật Bản lọt vào bán kết thì cả bốn đội góp mặt ở bán kết sẽ đủ điều kiện dự Olympic do U23 Nhật Bản có tấm vé đặc cách cho chủ nhà) nên các đội đều mang đến Thái Lan đội hình mạnh và tràn đầy quyết tâm.

Bảng D của U23 Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhà đương kim á quân sẽ cạnh tranh với Jordan - đội bóng từng đoạt Huy chương Đồng giải U23 châu Á năm 2013, cũng như U23 Triều Tiên và U23 UAE cho hai vé vượt qua vòng bảng (vào tứ kết), trước khi nhắm tới mục tiêu vào bán kết để cạnh tranh suất dự Olympic. Ở VCK lần này, U23 Việt Nam đã “bước ra ánh sáng”, không còn là một hiện tượng như ở giải đấu cách đây hai năm nữa mà đã trở thành đối thủ mà tất cả các đội bóng đều muốn đọ sức. Đây cũng chính là khó khăn đối với thầy trò HLV Park Hang Seo khi các đội đều đã có sự dè chừng nhất định với chúng ta.

Các học trò thầy Park sẽ đối đầu U23 UAE ở trận mở màn. Từng dự Olympic London 2012 với lứa cầu thủ gồm Omar Abdulrahman và Ahmed Khalil, những trụ cột của đội tuyển quốc gia UAE hiện tại từng đối đầu tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022, U23 UAE của năm 2020 mang đến Thái Lan một thế hệ cầu thủ mới với quyết tâm thể hiện tốt hơn màn trình diễn của các đàn anh ở VCK U23 châu Á năm 2013 và 2016, khi họ lọt vào tứ kết giải đấu các năm đó. Đây chắc chắn là đối thủ rất đáng gờm với U23 Việt Nam, bởi trong đội hình của họ có nhiều cầu thủ đã được thử lửa cùng đội tuyển quốc gia.

U23 UAE được đánh giá là đối thủ mạnh nhất bảng D đối với U23 Việt Nam. (Ảnh: UAEFA)

“Khalifa Al Hammadi, Ali Saleh và Jassim Yaqoob đều là những nhân tố chủ chốt của tuyển quốc gia UAE trong giai đoạn đầu của vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, trong khi những cái tên khác như Mohammed Al Attas và Abdullah Ramadan cũng đã để lại dấu ấn đậm nét”, AFC nhận định về đối thủ của U23 Việt Nam. Thêm vào đó, HLV Maciej Skorza cũng sở hữu thủ môn số một của CLB Al Wahda, Mohammed Al Shamsi với kinh nghiệm từng dự AFC Champions League. Được AFC đánh giá là một trong những đội bóng dạn dày kinh nghiệm nhất giải, U23 UAE có thể nói là chướng ngại lớn nhất đối với thầy trò HLV Park ngay ở trận ra quân.

Ngoài ra, U23 Việt Nam cũng sẽ gặp lại một “người quen” cũ. Tròn một năm trước, HLV Park Hang Seo đã giúp đội tuyển Việt Nam vượt qua tuyển Jordan ở vòng knockout Asian Cup 2019 để thẳng tiến vào tứ kết. Và rồi đúng một năm sau, HLV Park lại dẫn dắt U23 Việt Nam đối đầu U23 Jordan ở VCK U23 châu Á 2020. Đoạt vé dự giải đấu châu lục với vị trí nhất bảng E vòng loại cùng thành tích bất bại, U23 Jordan cũng đang đặt quyết tâm rất cao để tái lập thành tích hạng ba chung cuộc như đã từng làm được cách đây sáu năm ở Oman, đồng nghĩa với tấm vé dự Olympic Tokyo 2020.

U23 Jordan sẽ không có được sự phục vụ của ngôi sao sáng giá Al Tamaari trong hai lượt trận đầu tiên. (Ảnh: Jordan FA)

Sở hữu “thế hệ vàng” của bóng đá Jordan hiện tại, lại được dẫn dắt bởi HLV kỳ cựu Ahmed Abdulqadir, người từng đưa Jordan đến với FIFA U20 World Cup 2007, U23 Jordan thực sự không thể xem thường. Trong số các gương mặt đáng chú ý trong đội hình của HLV Abdulqadir có thể kể đến tiền vệ sinh năm 1999, Omar Hani hiện đang thi đấu ở châu Âu, khoác áo APOEL, đội bóng giàu thành tích nhất Đảo Síp. Tuy nhiên, đồng đội của Hani ở APOEL, tiền vệ Musa Al Tamaari mới chính là ngôi sao sáng nhất của bóng đá Jordan hiện tại. Song tin vui cho U23 Việt Nam là cầu thủ được mệnh danh là “Messi Jordan” này lại không thể về hội quân cùng các đồng đội cho đến lượt trận cuối vòng bảng bởi còn bận thi đấu cho CLB chủ quản. Tamaari chỉ có thể bay sang Thái Lan khi APOEL kết thúc thi đấu vòng 16 giải vô địch quốc gia CH Síp vào rạng sáng ngày 13-1, đồng nghĩa với việc chắc chắn bỏ lỡ trận đấu với U23 Việt Nam vào tối cùng ngày.

U23 Triều Tiên là ẩn số khó đoán ở bảng D do có rất ít thông tin về đội bóng bí ẩn này. (Ảnh: AFC)

Phải chạm trán hai đối thủ mạnh rất khó chơi trong hai lượt trận đầu, thầy Park sẽ phải có những tính toán cả về nhân sự lẫn chiến thuật một cách thật chính xác. Nếu có điểm trước U23 UAE ở trận ra quân, đây có thể được xem là thành công vì UAE được đánh giá là đối thủ mạnh nhất bảng D đối với U23 Việt Nam. Đó sẽ là lợi thế để các học trò thầy Park tiếp tục bước vào trận đấu thứ hai với U23 Jordan đang không có được lực lượng mạnh nhất, trước khi quyết đấu đội bóng bí ẩn U23 Triều Tiên. Trong số 16 đội góp mặt tại VCK U23 châu Á ở Thái Lan năm nay, chỉ có đương kim vô địch U23 Uzbekistan ghi được ít bàn thắng hơn (ba bàn) so với tổng số bốn bàn của U23 Triều Tiên sau ba trận vòng loại. Nhưng điểm mạnh của đội bóng khá kín tiếng này là một hàng phòng ngự chắc chắn, chỉ để thủng lưới duy nhất một bàn trên hành trình bất bại (hai thắng, một hòa) để giành vé dự VCK với vị trí nhất bảng G ở vòng loại.

Đây là lần thứ tư U23 Triều Tiên lọt vào VCK U23 châu Á, tức họ là một trong 10 đội bóng góp mặt trong tất cả các VCK U23 châu Á từng được tổ chức kể từ khi giải đấu chính thức khai màn vào năm 2013. Nhưng trong ba lần tham dự trước đó, Triều Tiên chỉ vượt qua vòng bảng một lần duy nhất vào năm 2016. Khi đó, họ may mắn đi tiếp nhờ trội hơn A-rập Xê-út và Thái Lan về chỉ số phụ, dù chỉ giành được hai điểm sau vòng bảng. Nhưng tiếp đó, họ đã phải dừng bước ở tứ kết trước U23 Qatar, đội sau đó đã bước lên ngôi vô địch, trong khi ở VCK năm 2018, U23 Triều Tiên không thể vượt qua được vòng bảng mặc dù có điểm số tốt hơn so với năm 2016. Xét về tương quan lực lượng, U23 Triều Tiên có thể coi là vừa sức nhất trong số ba đối thủ của U23 Việt Nam ở bảng D. Nếu vượt khó thành công trước U23 UAE và U23 Jordan, trận gặp U23 Triều Tiên vào ngày 16-1 có thể coi là màn quyết đấu, mang tính chất quyết định để Quang Hải và các đồng đội cạnh tranh tấm vé vào vòng trong.

* Chốt danh sách chính thức U23 Việt Nam dự VCK châu Á

* Cầu thủ U23 UAE: “Trận mở màn gặp Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng”

* U23 Jordan vắng ngôi sao số một trong trận đấu với U23 Việt Nam