Xóa nhà tạm, nhà dột nát: Cần các giải pháp đồng bộ

|

Vừa qua, tại phiên họp lần thứ 7 Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan đã đề xuất bổ sung phong trào xóa nhà tạm, nhà dột vào nội dung hoạt động trọng tâm trong năm 2024 của phong trào thi đua năm nay. Chủ trương này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng tình.

Trên cơ sở đề xuất, kết luận phiên họp lần thứ 7, nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thống nhất chủ trương bổ sung phong trào xóa nhà tạm, nhà dột. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chuẩn bị kỹ và dự kiến phát động phong trào này vào đầu năm mới Giáp Thìn với cách làm mới, cách tiếp cận toàn dân, toàn diện. Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền chuyển số kinh phí còn lại của Quỹ Vaccine phòng Covid-19 để thực hiện phong trào này.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, việc triển khai đề án xóa 5.000 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trong năm 2023 đạt kết quả nổi bật. Đến nay, sau gần 9 tháng phát động, chúng ta đã hoàn thành 100% mục tiêu, dù điều kiện của tỉnh khó khăn, địa hình xa, dốc, vận chuyển vật liệu khó khăn.

“Qua đó cho thấy, nếu chúng ta phát động phong trào đúng, trúng thì sẽ khích lệ được tinh thần thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân và sẽ đạt kết quả”, ông Đỗ Văn Chiến nói.

Từ đánh giá kết quả vận động xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trên cơ sở đánh giá tổng kết chương trình vận động làm nhà cho người nghèo tỉnh Điện Biên, Trung ương MTTQ sẽ phát động cuộc vận động “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong phạm vi toàn quốc.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung, mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp và đến cuối năm 2025, cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát ở 74 huyện nghèo, hoàn toàn có thể đạt được. Riêng trong năm 2024, có thể hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp. Khảo sát thực tế cho thấy, riêng TP Hải Phòng có thể hoàn thành 16.000 căn hộ. Cũng trong năm nay, cả nước có thể xóa 35.000 nhà tạm, nhà dột nát ở các huyện nghèo.

Kinh nghiệm về đích trước của đề án xóa 5.000 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ được ông Lò Văn Mừng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên, chia sẻ, khi có chủ trương, tỉnh đã rất nhanh chóng rà soát số lượng nhà cần hỗ trợ, Nhà nước hỗ trợ, nhân dân cùng làm. Nhân dân được tự quyết định mẫu nhà phù hợp với truyền thống của mình và được hỗ trợ tối thiểu 50 triệu đồng/căn. Đề án nhận được sự đồng thuận, nên làm rất nhanh, trong khoảng 9 tháng đã hoàn tất 5.000 căn nhà.

Từ thành công của Điện Biên, đại diện MTTQ các tỉnh Bắc Giang, Ninh Thuận… đều cho rằng, kế hoạch “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong phạm vi toàn quốc rất cần được làm nhanh, quyết liệt ngay trong năm 2024, trong đó “vốn mồi” từ vận động, hỗ trợ của MTTQ là 50 triệu đồng, còn lại nhân dân cùng làm.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, cho rằng, chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trong phạm vi toàn quốc cần được Chính phủ, các cấp chính quyền, MTTQ vào cuộc với quyết tâm cao nhất, nhanh nhất.

“Cùng với thành tựu của đất nước, người dân phải được thụ hưởng một cách thực chất, trước hết là ngôi nhà để an cư lạc nghiệp. Mỗi địa phương cần có cách chỉ đạo, tập trung, khẩn trương, làm dứt điểm, có lộ trình để tổ chức triển khai”, bà Phạm Thị Thanh Thủy nêu. Tuy nhiên, theo bà Thủy, hiện nay, việc huy động nguồn lực trong các doanh nghiệp không dễ. Bởi vậy, cần lồng ghép, phối hợp để sử dụng nguồn của chương trình mục tiêu quốc gia và xã hội hóa thông qua MTTQ Việt Nam.