Dịch bệnh Covid-19 đang thay đổi thế giới như thế nào góc nhìn từ thống kê

|

Dịch bệnh Covid-19 đang thay đổi thế giới như thế nào góc nhìn từ thống kê

Đây là một ấn phẩm được phát hành vào tháng 5/2020, tổng hợp bởi 36 tổ chức quốc tế, dưới sự bảo trợ của Ủy ban Điều phối các hoạt động thống kê (CCSA) trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 đang làm đảo lộn thế giới, tác động đến mọi khía cạnh của cuộc sống người dân. Chính phủ các quốc gia phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội ở các mức độ khác nhau.

Với gần 90 trang, ngoài lời giới thiệu, mục lục, cấu trúc của ấn phẩm gồm 5 phần:

Phần 1: Tình hình dịch bệnh Covid -19.


Phần 2: Tác động về kinh tế.

Phần 3: Tác động xã hội.

Phần 4: Tác động vùng.

Phần 5: Tác động thống kê.
 


Nội dung chủ yếu trong từng phần của ấn phẩm:

Phần 1 - Tình hình dịch bệnh Covid 19

Là phần khắc họa thảm họa đại dịch Covid-19 qua những con số thống kê trong 4 tháng đầu năm 2020, gây những thiệt hại nghiêm trọng trên toàn cầu, làm gián đoạn cuộc sống và sinh kế của mọi người dân. Đồng thời, cho thấy những hành động của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng các đối tác và quốc gia hướng tới sự phối hợp trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thể hiện là một tổ chức đi đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống lại Covid-19 bằng cách theo dõi tăng trưởng, điều phối trao đổi thông tin toàn cầu và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các nước.

Phần 2 – Tác động kinh tế

Trước hết là những rủi ro tiềm ẩn của ngân hàng toàn cầu trước đại dịch Covid-19 và sự không đồng nhất giữa các hệ thống ngân hàng quốc gia trong phản ứng với cú sốc tài chính toàn cầu do đại dịch gây ra.

Bên cạnh đó, ngành hàng không đối mặt với khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử và nặng hơn so với các ngành kinh tế khác. Theo phân tích tác động kinh tế của Covid-19 đối với hàng không của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) được công bố ngày 11/3 cho thấy, 38% công suất chỗ ngồi đã bị cắt giảm trên toàn cầu so với cùng kỳ của năm 2019. Số lượng hành khách giảm 54% (tương đương 198 triệu người). Châu Á Thái Bình Dương ghi nhận số lượng hành khách giảm nhiều nhất 85 triệu người, tiếp theo là Châu Âu và Bắc Mỹ với các con số tương ứng là 50 triệu người và 35 triệu người.

Covid-19 đồng thời tạo cú sốc chưa từng có đối với thị trường lao động với lượng việc làm giảm sút lớn nhất kể từ Thế chiến II. Tính đến đầu tháng 4/2020, 81% lực lượng lao động toàn cầu sống ở các quốc gia bắt buộc hoặc đề nghị đóng cửa nơi làm việc. Đến ngày 22 tháng 4, con số này giảm xuống còn 68%, chủ yếu là do dỡ lệnh đóng cửa nơi làm việc ở Trung Quốc, song tình hình lại trở nên tồi tệ ở những quốc gia khác.

Covid-19 cũng đã khiến cho thương mại toàn cầu sụt giảm rõ rệt. UNCTAD đã dự báo các giá trị thương mại toàn cầu giảm xuống 3,0% trong quý I/2020 so với quý trước. Việc thực hiện các biện pháp chống lại dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu trong quý II/2020 với mức giảm ước tính là 26,9% so quý I/2020. Tại các quốc gia chủ yếu tăng cường các hoạt động kinh doanh các sản phẩm y tế . Tổng giá trị nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm y tế đạt khoảng 2.000 tỷ USD, bao gồm cả thương mại nội khối EU, chiếm khoảng 5% tổng thương mại hàng hóa thế giới vào năm 2019.

Thời gian này còn chứng kiến sự suy giảm lớn trong sản xuất toàn cầu. Trong hai tháng đầu năm 2020, Trung Quốc sụt giảm đáng kể lượng hàng hóa sản xuất khi các nhà máy tại Vũ Hán và các khu vực khác phải đóng cửa để ngăn chặn và chiến đấu chống lại dịch bệnh. Bênh cạnh đó, trong tháng 2-3/2020, hầu hết các nước công nghiệp phát triển cũng thực hiện các hạn chế kinh tế.

Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 cũng tạo ra những thách thức chưa từng có đối với ngành du lịch toàn cầu. Với một loạt biện pháp đóng cửa biên giới, cấm đi lại và tăng cường kiểm dịch ở nhiều nước, UNWTO cho rằng, lượng khách quốc tế đến của năm 2020 giảm 60-80 % so năm 2019. Riêng lượng khách đến trong tháng 3/2020 đã giảm 60% so với cùng tháng năm 2019. Cùng với đó, chuỗi cung ứng bưu chính quốc tế bị gián đoạn đáng kể.

Phần 3 - Tác động xã hội

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ra tình trạng thiếu lao động do những biện pháp cách ly xã hội, dẫn đến những bất ổn cho sản xuất nông nghiệp và tạo ra cú sốc thu nhập. Điều này khiến cho các nước thu nhập thấp có nguy cơ gia tăng gấp ba lần gánh nặng suy dinh dưỡng do đại dịch, nhất là các quốc gia ở khu vực Châu Phi cận Sahara.

Đại dịch Covid-19 cũng khiến cho toàn cầu gần như bế tắc, người dân bị hạn chế đi lại bởi việc đóng cửa biên giới, dừng du lịch hàng không và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Đối với các nước kém phát triển, việc trang bị và sử dụng CNTT-TT nhằm giảm thiểu sự gián đoạn do coronavirus gây ra còn hạn chế. Kể từ khi đại dịch bùng phát, nhiều cá nhân và hộ gia đình sử dụng thông tin và công nghệ truyền thông (ICT) để giảm thiểu sự gián đoạn và khắc phục một số trở ngại. Ví dụ như, nhiều người đã sử dụng Internet để làm việc tại nhà, học tập; đặt các mặt hàng thiết yếu cho sinh hoạt. Tuy nhiên, việc các hộ gia đình tiếp cận internet khá phổ biến ở các nước phát triển (87% hộ gia đình) và ở khu vực Châu Âu (86,5%), nhưng lại thấp hơn nhiều ở các nước kém phát triển - LDCs (11,8%) và ở khu vực Châu Phi (17,8%). Điều này cho thấy một khoảng cách khá xa giữa các nước phát triển và các nước kém phát triển trong việc tiếp cận thông tin và công nghệ truyền thông.

Điều đáng nói là đối tượng mà đại dịch Covid-19 tác động chủ yếu lại là những người dễ bị tổn thương và họ có nguy cơ đối mặt với bất bình đẳng kép. Tác động của Covid-19 sẽ đặc biệt nghiêm trọng đối với những người không đảm bảo về tài chính hoặc sống ở nhà ở quá đông, làm gia tăng bất bình đẳng hiện có.

Đại dịch Covid-19 còn được xem như một “bài kiểm tra” khả năng phục hồi nhân quyền của con người thông qua những ảnh hưởng của nó đến sức khỏe cộng đồng, văn hóa, kinh tế, chính trị và quyền xã hội với một loạt các biện pháp phòng và chống dịch bệnh tại các quốc gia trên thế giới.

Quan trọng hơn, Covid-19 đang ảnh hưởng khá nhanh chóng đến nghèo đói về thu nhập qua các nhóm dân số thấp hơn trong năm đầu tiên của đại dịch, thể hiện qua các tác động lan tỏa trên các chỉ số nghèo đa chiều (sức khỏe và dinh dưỡng, giáo dục, mức sống) trong trung và dài hạn. Do đó, việc các quốc gia trang bị năng lực cần thiết để phát triển, theo dõi và báo cáo nghèo đa chiều là rất quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển bền vững SDG 1.2

Ngoài ra, Covid-19 còn có những tác động gây ô nhiễm và chất thải đối với môi trường, đặc biệt từ chất thải y tế, từ đó tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Covid-19 đồng thời khiến cho 1,6 tỷ người học bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học tại nhiều quốc gia trên thế giới và được cho là đang đẩy 40-60 triệu người vào tình thế cùng cực nghèo nàn, cũng như có nguy cơ dẫn đến những bất bình đẳng đối với phụ nữ và các vấn đề pháp lý như giết người và buôn lậu ma túy.

Phần 4 – Tác động vùng

Theo đánh giá, Covid-19 đã có những ảnh hưởng đáng kể của đối với các hệ thống thống kê quốc gia Ả Rập khi có tới 84,6% người cho rằng công việc thống kê của họ đã bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đối với khu vực châu Âu, GDP quý I/2020 của khu vực này đã giảm 3,5% so với quý trước và đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1995 đến nay. Tại khu vực châu Phi, tính đến 9/4/2020, có 15.300 trường hợp mắc mới coronavirus, 835 người chết và 2.946 ca bệnh phục hồi. Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 đã đe dọa đáng kể cuộc sống của con người và nền kinh tế của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhất là vấn đề bất bình đẳng về sức khỏe.

Phần 5 – Tác động thống kê

Cũng như nhiều lĩnh vực khác, Covid-19 đã mang đến một loạt thách thức mới cho cộng đồng thống kê toàn cầu. Sự ngưng trệ hoạt động trên toàn thế giới đã khiến cho hầu hết người làm công tác thống kê trong hệ thống thống kê toàn cầu phải làm việc tại nhà, bị hạn chế truy cập vào các công cụ và dữ liệu mà họ cần để sản xuất và phổ biến các số liệu thống kê kinh tế. Bên cạnh đó, hàng loạt các cuộc khảo sát bị tạm hoãn, ảnh hưởng tới các báo cáo trình chính phủ. Tuy nhiên, cộng đồng thống kê quốc tế vẫn đang nỗ lực làm việc, đảm bảo tính liên tục của hoạt động và cùng nhau chia sẻ phương pháp làm việc, sử dụng tốt hơn dữ liệu lớn và dữ liệu mở để đảm bảo duy trì khối lượng và chất lượng dữ liệu. Thậm chí, hoạt động thống kê còn được tăng cường trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

Tuy nhiên, khi thế giới vật lộn với Covid-19, các cơ quan Thống kê Quốc gia trên toàn thế giới đang phải vật lộn với tác động của đại dịch đối với vòng điều tra dân số năm 2020. Đại dịch đang đe dọa việc tiến hành thành công điều tra dân số của hơn 120 quốc gia dự kiến tiến hành năm 2020 và năm 2021.

Riêng trong năm 2020, trong số 59 quốc gia dự kiến sẽ thực hiện điều tra dân số đã có 23 quốc gia đã hoãn lại và 26 đang xem xét việc trì hoãn. Tại một số quốc gia, kinh phí cho điều tra dân số được chuyển hướng để giải quyết các vấn đề khẩn cấp, khắc phục hậu quả của Covid-19 và phục hồi kinh tế./.
B.N (tổng hợp)