Triển vọng mua bán sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam

|

Triển vọng mua bán sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam

Gia tăng làn sóng M&A
 
Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài thông qua hàng loạt các thương vụ M&A đình đám đã được thực hiện như: Thaibev mua Sabeco, Central Group mua BigC, Fraser and Neave mua cổ phần Vinamilk; Mizuho mua cổ phần Vietcombank, Tập đoàn Mondelçz International mua lại thương hiệu ngành bánh kẹo trong nước Kinh Đô; Holdings mua Metro; Cty cổ phần Thế giới di động mua lại hơn 90% cổ phần của Cty cổ phần Thế giới số Trần Anh; hay thương vụ CJ Cheiljedang Corporation, thành viên của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) đã trở thành cổ đông lớn nhất của Cty cổ phần chế biến Hàng xuất khẩu Cầu Tre…

 
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Cùng với các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường cũng ghi nhận ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động M&A và thực hiện chiến lược M&A để có bước tăng trưởng đột phá như: Vinhomes, Techcombank, Vingroup, Masan, Kido, TTC, Vinamilk hay Pan Group… Doanh nghiệp nội cũng đã bắt đầu thực hiện chiến lược thôn tính doanh nghiệp ngoại để hình thành thương hiệu lớn mang tầm cỡ quốc tế với điển hình VinFast mua GM ở Việt Nam.
 
M&A không đơn thuần là một hoạt động đầu tư,đangvai trò quan trọng trong quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Sự tham gia của các nhà đầu tư vào hoạt động này đã mở ra cơ hội để thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu đang hướng tới, đó là xử lý các doanh nghiệp, dự án thua lỗ,thừa và tạo ra năng lực sản xuất mới trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
 
M&A còn giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả kinh doanh dựa vào quy mô khi doanh nghiệp có thể thâm nhập được vào thị trường mới, thêm một dây chuyền sản phẩm mới hay mở rộng phạm vi phân phối, mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch, các dự án… Hơn nữa, quy mô lớn cũng giúp giảm thiểu chi phí trong kinh doanh như giảm thiểu sự trùng lắp trong mạng lưới phân phối, tiết kiệm chi phí hoạt động và chi phí quản lý...
 
Cùng với quá trình cải cách thể chế đang diễn ra mạnh mẽ, hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh đã không ngừng được hoàn thiện, đáng chú ý là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và nhiều luật chuyên ngành khác, xác lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ và tạo thuận lợi cho việc phát triển thị trường M&A tại Việt Nam.
 
Không những thế, trong thời gian tới thị trường Việt Nam còn hứa hẹn sẽ có thêm nhiều thương vụ M&A đình đám khác. Với xu thế hội nhập với nền kinh tế thế giới, dòng vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng nhanh thông qua con đường M&A. Theo các chuyên gia, những năm tiếp theo, các thương vụ M&A tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Cùng với đó, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục cũng được kỳ vọng đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A. Đặc biệt, giai đoạn tới cũng có thể trông đợi các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.
 
Bên cạnh danh sách doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn trong từng năm của từng bộ, ngành địa phương trong giai đoạn 2017 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công bố công khai, kinh tế Việt Nam còn nhiều cơ hội cho các kế hoạch M&A của giới kinh doanh trong nước và quốc tế.
 
Mặc dù thị trường M&A thu hút được các nhà đầu tư, tăng trưởng mạnh và nhanh cũng như triển vọng phát triển của lĩnh vực này, song, trong thời gian tới, theo các chuyên gia do còn nhiều khó khăn về quá trình thực hiện nên hiệu quả còn khiêm tốn. Nhất là khi các bên tham gia vào các thương vụ M&A còn gặp nhiều vướng mắc về quy định của pháp luật; sự minh bạch thông tin, công bố thông tin của các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu và chưa rõ ràng.
 
Quy mô thị trường M&A Việt Nam vẫn ở mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Các thương vụ M&A chủ yếu vẫn là các giao dịch nhỏ với quy mô 5-6 triệu USD, chiếm tới trên 90% về số lượng thương vụ. Vai trò dẫn dắt thị trường M&A Việt Nam vẫn do các nhà đầu tư nước ngoài.
 
Kết quả đạt được từ cổ phần hóa và thoái vốn không đồng đều. Nhiều thương vụ cổ phần hóa và thoái vốn đã không đạt được như kỳ vọng. Các doanh nghiệp Việt khi tiến hành M&A do nguồn vốn it nên sự tham gia của các doanh nghiệp Việt chưa nhiều và còn ở quy mô nhỏ, do đó chưa được hưởng lợi nhiều   từ các thương vụ M&A.
 
Hiểu biết về hoạt động mua bán, sáp nhập DN còn hạn chế, các nhà quản trị doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị tốt, chưa xem M&A như một công cụ để tái cấu trúc hay cạnh tranh do đó làm tăng tỷ lệ thất bại khi thực hiện chưa cao.
 
Theo Công ty First Asia Limited (thành viên của Hiệp hội tư vấn môi giới mua bán, sáp nhập doanh nghiệp quốc tế - IBBA), có hơn 50% doanh nghiệp Việt Nam phải đóng cửa sau 6 năm hoạt động. Trong khi đó cũng hơn 50% các thương vụ M&A thất bại. Bên cạnh đó, chưa xác định cơ quan quản lý trực tiếp thị trường M&A mà chỉ có quy định Cục Quản lý cạnh tranh quản lý khía cạnh tập trung kinh tế của các thương vụ.
 
Hành lang pháp lý trong hoạt động M&A chưa hoàn chỉnh thiếu quy định về giao dịch có yếu tố nước ngoài; chưa có quy định cụ thể bảo vệ quyền lợi người lao động, cổ đông; các quy định về công tác quản  lý, giám sát đối với hoạt động M&A nhằm hạn chế thâu tóm hay đánh mất thương hiệu doanh nghiệp còn thiếu.
 
Giải pháp phát triển hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam
 
Để thị trường M&A phát triển minh bạch, chuyên nghiệp trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như:
 
Chính phủ cần ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất cho hoạt động M&A. Phân công cơ quan quản M&A. Quy định trách nhiệm, quyền hạn; các hình thức thực hiện M&A; thủ tục và trình tự thực hiện; quy định về công bố thông tin liên quan đến M&A; các hình thức M&A bị cấm.
 
Cần quy định về công bố thông tin của doanh nghiệp, đồng thời quy định rõ các loại thông tin và hình thức công bố mà doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện. Các thông tin này có thể được cung cấp cho thị trường như một dịch vụ với chi phí hợp lý.
 
Nâng cao trình độ các nhà quản trị doanh nghiệp và các nhà quản lý thị trường. Đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường phải được thực hiện với sự hợp tác của các doanh nghiệp, các bên tư vấn, các trường đại học và cơ quan quản lý trực tiếp thị trường này.
 
Tạo điều kiện phát triển các công ty tư vấn chuyên nghiệp cho hoạt động M&A. Sự tham gia của bên thứ ba sẽ giúp giảm rủi ro cho cả hai phía và tăng sự chuyên nghiệp cho mỗi thương vụ.
 
Cụ thể, Chính phủ đang khuyến khích các nhà đầu tư vào khoa học, công nghệ, kết cấu hạ tầng, nông nghiệp... Đây là những lĩnh vực mà nhà đầu tư quan tâm. Bên cạnh đó, lĩnh vực ngân hàng cũng đang tạo ra những cơ hội mới thông qua kênh M&A hay lĩnh vực phi ngân hàng cũng khá hấp dẫn. Việc chủ trương cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công, trừ bệnh viện và trường học cũng là cơ hội cho M&A. Đặc biệt, nhiều công ty nông, lâm nghiệp có quyền sử dụng đất, rừng, nhưng thiếu khả năng quản trị, thiếu vốn… cũng đang tạo ra nhu cầu rất lớn cần sự tham gia của các nhà đầu tư.
 
Có thể thấy, sự tham gia sâu rộng từ khối ngoại, sự trỗi dậy mạnh mẽ từ khối doanh nghiệp tư nhân trong nước và cơ hội lớn từ cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước đang mở ra nhiều triển vọng cho thị trường M&A của Việt Nam phát triển nhanh, mạnh trong thời gian tới./.
 
ThS. Nguyễn Tiến Hưng - ThS. Lê Thị Huyền Trang
Học viện Ngân hàng