Những tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nhưng thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn được đánh giá là phân khúc có nhiều điểm sáng và đang tỏa sức “nóng”, trở thành lựa chọn mới, đầy hấp dẫn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Điểm sáng thu hút vốn đầu tư
Theo Công ty hàng đầu về bất động sản CBRE tại Việt Nam (CBRE Việt Nam), thời gian qua, thị trường bất động sản công nghiệp đang phát triển rất sôi động, là một trong những điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á. Theo đó, năm 2019 là một năm kỷ lục của ngành BĐS công nghiệp và logistics Việt Nam, khi nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào các ngành chế biến và chế tạo có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Dẫn chứng số liệu của Tổng cục Thống kê, CBRE cho biết, trong năm 2019, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 38 tỷ USD. Trong đó, đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 24,56 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Với vị trí thứ 2 về thu hút vốn FDI với 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng số vốn đăng ký, thị trường bất động sản Việt Nam đang nổi lên là một điểm sáng trong thu hút đầu tư, trong đó có sự phát triển sôi động của thị trường BĐS công nghiệp đang tạo dựng được niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Điểm sáng thu hút vốn đầu tư
Theo Công ty hàng đầu về bất động sản CBRE tại Việt Nam (CBRE Việt Nam), thời gian qua, thị trường bất động sản công nghiệp đang phát triển rất sôi động, là một trong những điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á. Theo đó, năm 2019 là một năm kỷ lục của ngành BĐS công nghiệp và logistics Việt Nam, khi nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào các ngành chế biến và chế tạo có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Dẫn chứng số liệu của Tổng cục Thống kê, CBRE cho biết, trong năm 2019, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 38 tỷ USD. Trong đó, đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 24,56 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Với vị trí thứ 2 về thu hút vốn FDI với 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng số vốn đăng ký, thị trường bất động sản Việt Nam đang nổi lên là một điểm sáng trong thu hút đầu tư, trong đó có sự phát triển sôi động của thị trường BĐS công nghiệp đang tạo dựng được niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Đặc biệt, với nhu cầu thiết lập các nhà máy tại Việt Nam tăng cao gần đây đã giúp các khu công nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố lớn nhanh chóng được lấp đầy. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp tại các tỉnh/thành phố lớn phía Bắc và phía Nam lần lượt là hơn 92% và 80% vào cuối năm 2019. Theo báo cáo tổng hợp của CBRE Việt Nam, trong hai năm qua, nguồn cung nhà xưởng xây sẵn đã tăng lên đáng kể trong các khu công nghiệp lớn của Việt Nam. Trong năm 2019, khu vực phía Nam Việt Nam (bao gồm TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An) đã chào đón khoảng 380.500 m2 nhà xưởng xây sẵn, tăng 18,9% so với năm trước. Trong khi đó, nguồn cung mới trong năm 2019 của khu vực phía Bắc (bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên) là 321.420 m2, tăng 25,2% so với năm trước.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bất động sản công nghiệp như hiện tại là nhờ định hướng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu; Việc xúc tiến thành lập các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm; Sự tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA); tăng trưởng kinh tế ổn định, mạnh mẽ trong những năm gần đây và việc sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp. Những yếu tố này đã góp phần thu hút một lượng vốn đầu tư đáng kể từ các tập đoàn nước ngoài. Điển hình như tập đoàn Samsung đã công bố đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam. Gói đầu tư này đã góp phần tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng của thị trường Việt Nam trong mắt nhà
đầu tư trên khắp thế giới.
Theo kế hoạch phát triển đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp sẽ tăng gấp đôi. Theo đó, tổng nguồn cung nhà xưởng và kho xây sẵn tại các khu vực miền Bắc sẽ đạt gần 2,0 triệu m2 sàn cho thuê (tăng 25,3% so với năm trước); tổng diện tích nhà xưởng xây sẵn tại miền Nam sẽ đạt gần 2,7 triệu m2 (tăng 28,2% so với năm trước). Sau khi đại dịch được kiềm chế, giá chào thuê trung bình của nhà kho xây sẵn dự kiến sẽ tăng từ 4% đến 11% so với cùng kỳ. Do đó, cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp là rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu cũng như các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.
Cơ hội vàng, vận hội mới
Với lợi thế 64% dân số trong độ tuổi lao động, chi phí lao động lại thấp hơn Trung Quốc, Việt Nam đang được nhiều quốc gia nhắm tới trong chiến lược chuyển dịch đầu tư. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, Việt Nam càng tạo được uy tín với quốc tế khi kiểm soát dịch bệnh tốt, niềm tin của người dân với Chính phủ, tính linh hoạt và khả năng thích nghi nhanh chóng của Việt Nam. Chính vì vậy, các nhà đầu tư đang coi đây là điểm đến lý tưởng để có thể xúc tiến nhanh việc tìm kiếm cơ hội tại các khu công nghiệp, nhà máy, trung tâm chế xuất. Đây chính là vận hội mới mà Việt Nam không thể bỏ lỡ để đón đầu sự chuyển dịch đầu tư mới.
Hiện nay, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài đang diễn ra mạnh mẽ. Các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nhiều nước trên thế giới. Việt Nam có nhiều lợi thế trở thành một trung tâm sản xuất mới ở châu Á với vị trí gần Trung Quốc, chi phí lao động thấp. Thông tin tại hội thảo “Gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp thời khủng hoảng” do The LEADER tổ chức cho biết, vừa qua Ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố chọn Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam là các nền kinh tế thay thế cho Trung Quốc trong việc cung ứng hàng hóa. Trong khi đó, tại một khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản công bố, có 122 doanh nghiệp cho biết sẽ di chuyển địa điểm sản xuất. Trong đó, 62,7% nguồn di chuyển là từ Trung Quốc, còn nơi chuyển đến được chọn hàng đầu là Việt Nam, tiếp theo là Thái Lan, Philippines, Indonesia... Sự dịch chuyển sản xuất và dòng vốn đầu tư của các nước trên thế giới đã và đang đưa đến cơ hội vàng cho Việt Nam đón dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là bất động sản công nghiệp.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ là điểm sáng trong năm 2020 khi Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết trong năm 2019. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu tại Việt Nam thông qua việc gỡ bỏ 99% thuế quan với hàng hóa. Hiệp định cho thấy cam kết của Chính phủ trong việc đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo tại Châu Á. Điều này đồng nghĩa với việc các cụm, khu công nghiệp của Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, qua đó, thúc đẩy nhu cầu đối với bất động sản công nghiệp trong nước.
Theo số liệu công bố tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam cho thấy, đến cuối tháng 5/2020, cả nước có 561 khu công nghiệp (bao gồm cả các khu công nghiệp trong quy hoạch chung xây dựng các khu kinh tế đã được phê duyệt) với tổng diện tích khoảng 201.000 ha (chiếm 0,6% tổng diện tích đất cả nước). Trong đó, bao gồm 374 khu đã thành lập, với diện tích khoảng 114.400 ha (chiếm 56,9% tổng diện tích quy hoạch) và 259 khu chưa thành lập, với diện tích khoảng 86.600 ha (bao gồm 55.800 ha của 187 khu công nghiệp có trong quy hoạch nhưng toàn bộ diện tích chưa thành lập và 30.800 ha của 72 khu mới thành lập một phần). Các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước đã thu hút được khoảng 390 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 4,3 tỷ USD. Theo đó, lũy kế nâng tổng số dự án FDI lên khoảng 9.850 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 194 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện đạt trên 70%.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN, KKT đạt khoảng 81 tỷ USD, chỉ giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng giá trị xuất khẩu 58 tỷ USD, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số có ý nghĩa hết sức khả quan trong thời điểm mà nhiều nền kinh tế đang bị khủng hoảng từ đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, hiện nay, thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam, bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho, logistics và các dịch vụ hậu cần khác đã và đang trong giai đoạn mới phát triển với nhiều tiềm năng. Nhiều nhóm nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tìm kiếm địa điểm tại các khu công nghiệp để đầu tư kinh doanh nhà xưởng theo quy mô lớn, với quỹ đất từ 500 đến 1.000ha. Ngoài TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, các thành phố vệ tinh khác cũng đang được các nhà đầu tư quan tâm, mở rộng như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bắc Vân Phong… Đây đều là những địa điểm có vị trí thuận lợi về cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi lưu trữ và dịch vụ logistics, cũng như có nhiều tiềm năng để thu hút nguồn vốn FDI.
Dù thị trường bất động sản Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển, tuy nhiên, để có thể phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt là đón đầu việc thu hút dòng vốn FDI “sạch” và chất lượng trong bối cảnh mới, khi việc dịch chuyển chuỗi cung ứng và chuyển dịch sản xuất ngày một rõ ràng hơn. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần hướng đến giải quyết một số vấn đề như cải thiện môi trường kinh doanh; các địa phương cần đẩy nhanh và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng nền tảng; đẩy mạnh tái cấu trúc các khu công nghiệp hiện hữu và phát triển các khu công nghiệp mới gắn với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động; rà soát quy hoạch, ưu tiên phát triển bất động sản công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm có đủ điều kiện…/.
Tiến Long