Bảo tồn văn hóa, khai thác du lịch qua "con đường" dược liệu

|

Hương thơm thuần khiết, thôn dã từ vườn dược liệu mênh mông quyện trong từng làn gió, hơi sương buổi sớm dưới chân dãy núi Bái Ðính (Ninh Bình) khiến vẻ đẹp nơi này càng thêm huyền ảo và quyến rũ.

Làng nghề Sinh Dược, huyện Gia Viễn từng in dấu bao câu chuyện ly kỳ về văn hóa, lịch sử. Trải qua thăng trầm, có lúc tưởng chừng đã rơi vào lãng quên thì mọi giá trị lại được "đánh thức" bằng tình cảm, tâm huyết của những trí thức trẻ với khao khát làm thay đổi quê hương…

Hợp tác xã (HTX) Sinh Dược (làng nghề Sinh Dược-Thôn 4, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) giờ đây đã trở thành một cộng đồng gắn kết, phát triển với nhiều nét văn hóa đặc trưng trong lao động, sản xuất và sinh hoạt. Ít ai ngờ được, cách đây hơn 5 năm, vùng đất này cũng bình lặng như bao miền thôn dã, những dấu ấn, trầm tích của văn hóa, lịch sử tưởng chừng đã "ngủ yên", nay đã được đánh thức.

"Đánh thức" chuyện xưa…

Sinh Dược là tên một thôn cổ dưới chân núi Bái Ðính. Tương truyền, thời nhà Lý, Thiền sư-Danh y Nguyễn Minh Không đi tìm thuốc chữa bệnh "hóa hổ" cho vua đã tìm ra nhiều dược liệu quý, cho nên đặt tên nơi này là Sinh Dược (nơi cây thuốc sinh sống). Suốt quá trình tu hành và tìm thuốc, ngài đã truyền nhiều kinh nghiệm quý giá về thảo dược cho nhân dân.

Theo thời gian, chuyện xưa dần trở nên nhạt nhòa, nhất là khi người dân đã không còn duy trì được danh tiếng vùng dược liệu lâu đời, chỉ sơ chế thảo dược thành thành phẩm thô và sống chật vật trên chính đất canh tác của mình. Người trăn trở, nhen nhóm và quyết tâm thổi bùng ngọn lửa "hồi sinh" cho thôn Sinh Dược xưa chính là người con của mảnh đất này, kỹ sư trẻ Vũ Trung Ðức (sinh năm 1988).

Sinh Dược là tên một thôn cổ dưới chân núi Bái Ðính. Tương truyền, thời nhà Lý, Thiền sư-Danh y Nguyễn Minh Không đi tìm thuốc chữa bệnh "hóa hổ" cho vua đã tìm ra nhiều dược liệu quý, cho nên đặt tên nơi này là Sinh Dược (nơi cây thuốc sinh sống). Suốt quá trình tu hành và tìm thuốc, ngài đã truyền nhiều kinh nghiệm quý giá về thảo dược cho nhân dân.

Tốt nghiệp ngành Hóa-dược (Trường đại học Bách khoa Hà Nội), Vũ Trung Ðức làm việc tại Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, còn người bạn đời của anh là Trịnh Thị Lý (sinh năm 1990) với tấm bằng ngoại ngữ cũng có công việc ổn định.

Những năm 2010, nhận thấy thị trường và người tiêu dùng trong nước dần dịch chuyển sang hướng tiêu dùng "xanh", tiêu dùng hữu cơ và lựa chọn các sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc thiên nhiên, lành tính trong khi thị trường Việt chủ yếu là hàng nhập khẩu, anh Ðức nuôi hy vọng có thể đem thế mạnh của mình kết hợp với nguồn lực của quê hương để đưa những sản phẩm từ thiên nhiên ra thị trường, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Năm 2014, đôi vợ chồng trẻ quyết định từ bỏ công việc ở Hà Nội về quê lập nghiệp dưới chân dãy núi Bái Ðính. Gia đình anh thành lập HTX Sinh Dược, hiện thực hóa ý tưởng làm các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm và thủ công mỹ nghệ hoàn toàn từ thiên nhiên.

Xác định đúng nhu cầu và đối tượng khách hàng cùng sự kết hợp của nền tảng kiến thức, hiểu biết và ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, HTX đã nghiên cứu, điều chế hơn 30 loại thảo dược địa phương, như: kim ngân, cúc tần, tầm bóp, dâu leo, bồ kết, sả, chanh, tía tô… thành những sản phẩm tiện dụng, như: muối ngâm chân, xà-phòng tắm, cao xoa bóp, muối tắm… Ðể kiểm soát được chất lượng, HTX khoanh vùng dược liệu, kết nối những người trực tiếp trồng và sản xuất nguyên liệu trở thành "xã viên".

Bên cạnh việc tự trồng dược liệu, HTX còn khảo sát, liên kết khai thác với một số địa phương, như: Cam Lộ (Quảng Trị), Duy Tiên (Hà Nam), Sa Pa (Lào Cai)... để chiết xuất tinh dầu theo công nghệ đã được chuyển giao và chuyển đến HTX sản xuất. Hàng loạt hệ thống máy móc chế biến như: máy sao, máy sấy, máy phối trộn, máy cắt bánh xà-phòng được đầu tư nhằm tối ưu hóa quy trình, bảo đảm giám sát liên tục theo tiêu chuẩn ISO, C-GMP tạo ra thành phẩm chất lượng tốt nhất đến tay người tiêu dùng.

Không dừng lại ở việc sản xuất, HTX Sinh Dược còn hướng dẫn bà con xã viên làm đồ thủ công mỹ nghệ, nổi bật là tranh lá bồ đề. Ðiều đặc biệt, với bất cứ một sản phẩm nào, dù nhỏ, HTX đều chú trọng khai thác yếu tố bản sắc thông qua các câu chuyện giản dị, có chiều sâu về văn hóa, lịch sử con người, vùng đất.

Giám đốc HTX Sinh Dược Vũ Trung Ðức chia sẻ: HTX xác định sứ mệnh là bảo tồn, phát triển các tri thức thảo dược, ứng dụng hữu ích về dược liệu, đồng thời khai thác yếu tố văn hóa, du lịch nhằm tác động tạo nên thói quen tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững, góp phần giữ vững các giá trị làng nghề truyền thống Việt Nam.

HTX Sinh Dược hiện đang giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động tại địa phương, trong đó có nhiều thanh niên với mức thu nhập trung bình khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Mô hình sản xuất HTX đang thực hành khép kín từ vùng nguyên liệu đến xưởng chế biến vệ tinh và đóng gói tập trung với tầm nhìn sản xuất đầy đủ các sản phẩm tiện dụng có nguồn gốc tự nhiên, không hóa chất, không độc hại, thân thiện với môi trường phục vụ nhu cầu thiết yếu và chăm sóc sức khỏe con người: xà-phòng, dầu dược liệu, muối tắm, muối ngâm, cao xoa bóp, nước giặt… đồng thời xây dựng không gian du lịch sinh thái kết hợp với không gian biểu diễn nghệ thuật dân gian và dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng các phương thức cổ truyền đậm đà bản sắc.

Mỗi "xã viên" là một hướng dẫn viên

Nói đến HTX, có thể nhiều người liên tưởng tới mô hình kinh doanh theo phương thức truyền thống là chủ yếu, song, HTX Sinh Dược đã biết tận dụng những giá trị từ mô hình cũ, đồng thời kết hợp công nghệ hiện đại để kinh doanh một cách hiệu quả.

Chỉ gần 10 năm, HTX vươn lên dẫn đầu trong phát triển sản phẩm từ thiên nhiên với hàng chục đầu sản phẩm chất lượng cao, bao bì bắt mắt, hiện đại dán tem mã QR đầy đủ; bốn văn phòng đại diện, kho phân phối sản phẩm tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm phục vụ thị trường. HTX có quy mô khoảng 4.000m2 cùng hai cánh đồng mẫu khoảng 10 ha, vừa là mô hình, vừa khai thác theo hướng thuận tự nhiên các cây dược liệu bản địa và có các dịch vụ phong phú.

HTX Sinh Dược xác định sứ mệnh là bảo tồn, phát triển các tri thức thảo dược, ứng dụng hữu ích về dược liệu, đồng thời khai thác yếu tố văn hóa, du lịch nhằm tác động tạo nên thói quen tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững, góp phần giữ vững các giá trị làng nghề truyền thống Việt Nam.

Giám đốc HTX Sinh Dược Vũ Trung Ðức

Việc xây dựng các hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với thảo dược đang phát triển mạnh mẽ tại đây. HTX liên tục đón nhiều đoàn du khách trong nước và quốc tế, thành viên các cơ sở giáo dục đến tham quan, trải nghiệm để thêm cơ hội hiểu rõ hơn về quy trình khai thác dược liệu cũng như truyền thống, văn hóa của Ninh Bình nói riêng và của người Việt nói chung, từ đó, tiếp động lực cho các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp với sản phẩm truyền thống đặc sắc của địa phương.

HTX đã tổ chức nhiều chương trình quy mô, được đánh giá cao có tác động tích cực đến văn hóa, du lịch, như: Triển lãm Ông ba mươi (Tranh và tượng về Hổ dân gian và đương đại, năm 2021); Nếp màu tự nhiên (cổ phục, nhuộm vải tự nhiên, năm 2022); Triển lãm Rác (tái chế rác và bảo vệ môi trường, năm 2022); Triển lãm Eden-mơ về thiên đường (tranh, sắp đặt chủ đề trừu tượng, năm 2023); Tái hiện làng thuốc cổ Sinh Dược năm 1136 (tại đền thánh Nguyễn, năm 2022); Chợ Tỉnh (chợ truyền thống kết hợp trình diễn nghề thủ công, liên tục từ năm 2022-2023 đã làm 12 cuộc ở Ninh Bình-Hà Nam-Hà Nội).

Dấu ấn các tour du lịch đã triển khai, như: Cổ phục qua miền di sản (photo tour diễn ra liên tục); Tranh lá bồ đề (photo tour phục vụ nhiếp ảnh); Tham quan và trải nghiệm Sinh Dược-tour Sao Sa (tham quan cánh đồng, học về thảo mộc, tự tay làm xà-phòng, tham quan các khu vực sản xuất, và tắm ngâm bài tắm cổ truyền)… đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách muôn phương.

Tham quan HTX, nhiều du khách tỏ ra đầy bất ngờ khi biết mỗi ngày, HTX sản xuất hàng nghìn lá bồ đề để làm tranh và mẫu sản phẩm. Thương hiệu lá bồ đề của Sinh Dược đang là một trong những loại sản phẩm đặc trưng của mảnh đất cố đô Ninh Bình cũng là một trong ba sản phẩm của HTX được lựa chọn đưa vào danh mục sản phẩm OCOP của tỉnh.

Ưu tiên hướng tạo việc làm, cho nên hình thức hoạt động này đang rất phù hợp với người dân địa phương. Theo đó, HTX có Hội đồng quản trị, Ban giám đốc để định hướng chiến lược phát triển, còn người nông dân tham gia góp vốn, đất hoặc những tri thức về dược liệu bản địa, cùng nhau canh tác, sản xuất các sản phẩm với nền tảng kinh nghiệm dân gian. Mỗi "xã viên" là một hướng dẫn viên trên chính mảnh vườn của mình.

Anh Vũ Trung Ðức bày tỏ, thời gian đầu, chỉ có một số ít người đồng ý tham gia bởi họ đã quen với sự ổn định và quan trọng là họ chưa có niềm tin đối với dự án này. Lâu dần, được tận mục sở thị những kết quả mà Sinh Dược đạt được cũng như mức lương khá thỏa đáng, họ đã thay đổi suy nghĩ và tham gia nhiệt tình. Ðược đánh giá là một mô hình HTX chuyên ngành kiểu mới, Sinh Dược nhận được nhiều chính sách hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước thông qua hai chương trình khuyến công cấp tỉnh và cấp quốc gia với mức vốn được hỗ trợ là 15.000 USD (tính đến năm 2017).

Với mục tiêu vươn ra quốc tế bằng bản sắc truyền thống của dân tộc, HTX Sinh Dược đã tham gia nhiều hội chợ quốc gia, quốc tế về OCOP và thủ công mỹ nghệ, như: Hà Nội Gift show các năm 2018, 2019, 2020, 2021…; Diễn đàn thanh niên HTX thế giới (Philippines năm 2017, Trung Quốc năm 2019). Ðồng thời tích cực đóng góp cho nhiều chương trình thiện nguyện, như: Cùng em đến trường (tặng xe đạp cho học sinh nghèo, năm 2020 và 2021); các chương trình làm đường, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, hoạt động lễ Tết, hội hè, thiện nguyện phạm vi toàn quốc, ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19…

Vũ Trung Ðức - người thuyền trưởng chèo lái con thuyền Sinh Dược vươn khơi chia sẻ đầy giản dị về con đường đã lựa chọn: Mỗi thương hiệu, mỗi sản phẩm trên thị trường đều có câu chuyện riêng, hướng đi riêng, nhưng nếu kinh doanh và ứng xử một cách chân thành, trách nhiệm thì có thể hình thành, xây dựng nên cộng đồng tràn ngập yêu thương và sự tử tế.