Với khoản ngân sách lớn được phê duyệt lần này, Ai Cập hy vọng sẽ đạt thặng dư ngân sách khoảng 35 tỷ bảng Ai Cập lần đầu trong vòng 15 năm qua. Quốc gia này cũng dự kiến thâm hụt ngân sách tiền mặt ở mức 440 tỷ bảng Ai Cập trong tài khóa mới, trong khi tổng thâm hụt ngân sách dự kiến ở mức 445 tỷ bảng Ai Cập. Dự thảo ngân sách năm 2019-2020 của Ai Cập cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng đạt 6%, tăng 0,4% so với năm nay và tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống 9,1%.
Nhằm vực dậy nền kinh tế có thời gian rơi vào khủng hoảng, kể từ năm 2016, Ai Cập đã áp dụng nghiêm ngặt chương trình cải cách kinh tế, trong đó cắt giảm giá trị đồng bảng nội tệ, thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng, cắt giảm trợ cấp năng lượng và tăng thuế. Việc áp dụng các chương trình cải cách kinh tế đã giúp Ai Cập nhận được khoản hỗ trợ lên tới 12 tỷ USD trong ba năm từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm giúp đất nước Kim tự tháp phục hồi nền kinh tế vốn bị kiệt quệ do tình trạng bất ổn chính trị sau khi Tổng thống Mubarak bị lật đổ hồi năm 2011.
Hiệu quả của việc triển khai chương trình cải cách kinh tế và xã hội toàn diện giúp đem lại các kết quả tích cực trong tăng trưởng kinh tế, giảm thâm hụt ngân sách và tỷ lệ lạm phát của Ai Cập. Tại một cuộc gặp Tổng thống Ai Cập A.Sisi, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) D.Malpass khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục các chương trình hợp tác với Ai Cập, đồng thời nhấn mạnh ủng hộ những nỗ lực phát triển của nước này, nhất là khi Ai Cập đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Phi (AU) năm 2019.
WB đã hỗ trợ Ai Cập thực hiện những dự án trên nhiều lĩnh vực, nhất là các dự án cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, cũng như chương trình kỹ thuật giúp hỗ trợ nỗ lực của Cairo nhằm triển khai các cải cách cấu trúc. Trước những bước cải thiện tích cực về kinh tế của Ai Cập, định chế tài chính này và Cairo cũng thảo luận việc tăng cường giá trị đầu tư nước ngoài và tư nhân, hợp tác y tế và giáo dục trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển năng lượng, kinh tế kỹ thuật số, giao thông và nông nghiệp. Nhà lãnh đạo Ai Cập mong muốn WB tối ưu các nguồn lực tài chính cho những dự án phát triển tại Ai Cập. Đánh giá cao vai trò quan trọng của Ai Cập tại khu vực châu Phi và Trung Đông, đồng thời nhấn mạnh sự thành công của xứ sở Kim tự tháp khi vượt qua những thách thức trong những năm qua, người đứng đầu WB cho rằng, Ai Cập sở hữu rất nhiều cơ hội đầu tư tuyệt vời, cả trong các dự án quốc gia cũng như trong khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Vì vậy, WB đánh giá xứ sở Kim tự tháp có cơ hội lớn để củng cố nền kinh tế thông qua mở rộng khu vực tư nhân, trong đó có lĩnh vực du lịch, nông nghiệp và năng lượng, nhằm tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động và nâng cao tiêu chuẩn sống của người dân.
LÀ quốc gia từng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách khắp nơi trên thế giới, ngành du lịch của Ai Cập bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình an ninh chưa thật sự ổn định kể từ sau cuộc chính biến năm 2011. Ngoài các nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế, Chính phủ Ai Cập tăng cường các chiến dịch truy quét khủng bố, nhằm cải thiện tình hình an ninh để thu hút khách du lịch trở lại với đất nước của các Pha-ra-ông. Theo thống kê, Ai Cập thu hút khoảng 11,34 triệu lượt du khách quốc tế trong năm 2018.