2013 với Góc nhìn thứ Hai

|

NDO - NDĐT-Trong số đầu tiên của năm mới này, với mục đích “ôn cố, tri tân” Góc nhìn thứ Hai muốn đem đến cho bạn đọc một bức tranh tổng quát nhất về đời sống quốc tế 2013, nhưng lại được vẽ nên chỉ từ một sự kiện quốc tế duy nhất – Thỏa thuận Nga - Mỹ về vấn đề vũ khí hóa học của Syria. Đơn giản là bởi sự kiện này vừa phản ánh những biến động nổi bật trong năm 2013, đồng thời lại chứa đựng những hàm ý cho chặng đường tiếp theo trong năm 2014.

Trước hết, thỏa thuận Nga – Mỹ ra đời trong thời khắc hiểm nghèo – giờ G của một cuộc chiến tranh, chắc chắn sẽ là vô cùng khốc liệt, chỉ còn tính bằng phút. Sau vụ việc ngày 21-8-2013 (khoảng 1.400 người dân Syria đã bị giết hại bởi chất độc hóa học tại Ghouta, ngoại ô Damascus), Tổng thống Mỹ B. Obama tuyên bố đã sẵn sàng cho một phương án tấn công quân sự Syria. Lần đầu tiên, trong suốt thời gian gần ba năm của cuộc nội chiến tại Syria, một số lượng lớn tàu chiến của cả Mỹ và Nga đã tập trung tại vùng biển của Syria. Nếu cuộc chiến tranh bùng phát, không ai có thể khẳng định sẽ không có va chạm Nga – Mỹ, xung đột giữa phe Mỹ và phần còn lại của thế giới Hồi giáo chắc chắn là khó tránh khỏi v.v. Đó đơn giản sẽ là một sự đảo lộn trên quy mô toàn cầu, giống như cuộc khủng hoảng tên lửa tại Caribe 1962 thời Chiến tranh lạnh. Bối cảnh này có lẽ chính là hình ảnh thu nhỏ sống động nhất của đời sống quốc tế trong năm 2013. Bắt đầu từ đầu năm với cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên cho đến tận những ngày cuối cùng của năm với các cuộc khủng hoảng tại Nam Sudan, Ucraina, Thái Lan… 2013 thực sự là một năm đầy ắp những biến động căng thẳng và kịch tính.

Thứ hai, thỏa thuận Nga – Mỹ liên quan tới vũ khí hóa học (một dạng thức của vũ khí hủy diệt hàng loạt), một trong những vấn đề có tính toàn cầu, và vì thế nó mở ra một hướng đi hoàn toàn mới trong tương lai. Từ trước tới nay, quá trình giải quyết các vấn đề toàn cầu vẫn luôn theo một lối mòn – trong bối cảnh khi một số nước thì quá đề cao “cái tôi”, và ngược lại, một số khác thì lại muốn áp đặt “cái chúng ta” lên phần còn lại, người ta lại kỳ vọng đạt được một thỏa thuận chung mang tính tổng thể. Chính vì thế mà nó luôn rơi vào tình trạng bế tắc, hoặc những giải pháp hay thỏa thuận đạt được thì chủ yếu mang tính tạm thời, thậm chí mang nặng tính tượng trưng. Điển hình như tại hội nghị khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2013 (COP 19 tại Varsava, Balan), dưới sức ép từ những tổn thất khủng khiếp do siêu bão Hayian, các đoàn tham dự cũng chỉ có thể thông qua được một tuyên bố vào giờ phút chót: “cố gắng đạt được một thỏa thuận vào năm 2015”. Điều này đơn thuần chỉ là khẳng định quyết tâm không bỏ dở đàm phán về chống biến đổi khí hậu của các nước. Sở dĩ các hội nghị COP luôn chỉ đạt được những kết quả rất hạn chế là bởi tính đa dạng và phức tạp của gần 200 quốc gia.

Thỏa thuận dỡ bỏ kho vũ khí hóa học của Syria đạt được, trước hết là vì đã dung hòa được cái chung (sự nguy hiểm của vũ khí hóa học đối với nhân loại) và cái riêng (lợi ích của Syria). Chính phủ Syria sẽ không thể chấp nhận từ bỏ kho vũ khí hóa học nếu không có được sự bảo đảm từ cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, trong trường hợp này, đột phá chỉ có thể xảy ra khi Nga – Mỹ đạt được đồng thuận. Vậy phải chăng, điều kiện tiên quyết để xử lý các vấn đề toàn cầu là cần có sự thỏa hiệp trong một phạm vi hẹp, trước tiên từ các nước lớn, các nền công nghiệp phát triển, rồi mới tiến tới quy mô toàn cầu.

Thứ ba, thỏa thuận về vũ khí hóa học của Syria phản ánh vai trò rất mới của nước Nga – tích cực, chủ động. Trong ba năm qua, trong cuộc nội chiến ở Syria, tuy với tư cách là đồng minh của chính phủ Bashar al-Assad, nhưng phản ứng của nước Nga thường chỉ dừng lại ở việc sử dụng lá phiếu phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An. Không thể phủ nhận là do cả phía Mỹ lẫn chính phủ Assad đều muốn tránh một cuộc chiến tranh, nhưng rõ ràng việc thuyết phục được hai bên chấp nhận đề xuất giao nộp kho vũ khí hóa học cho LHQ là một thành công to lớn của chính quyền Putin. Tuy giành được ưu thế nhất định trên chiến trường từ tháng 3-2013, nhưng điều này chưa phải là bảo đảm vững chắc cho một chiến thắng cuối cùng, vì thế việc từ bỏ một trong những lợi thế quân sự trong bối cảnh giao tranh vẫn tiếp tục là điều không hề dễ chấp nhận đối với Tổng thống Assad.

Về phía Mỹ, đúng là chính quyền Obama đang gặp không ít khó khăn cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài, nhưng thể diện vẫn còn là rào cản không dễ vượt qua. Đề xuất của nước Nga không chỉ có sức nặng bởi thời điểm mà còn bởi cả tính khả thi. Nhìn lại toàn bộ hoạt động đối ngoại của nước Nga trong năm 2013 thì rõ ràng, Tổng thống Putin đã có cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt so với chính ông trong hai nhiệm kỳ trước. Nước Nga đã làm thay đổi hầu hết các mối quan hệ của mình từ quan hệ với tất cả các nước lớn đến những nước nhỏ hơn (điển hình như trong quan hệ với Việt Nam, Hàn Quốc); từ chủ động tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến các lợi ích trực tiếp như vấn đề Syria, Ucraina v.v. đến những cơ chế đa phương rộng lớn hơn như Liên minh Á – Âu, BRICS, APEC. Minh chứng rõ ràng và tổng thể nhất chính là việc Tổng thống Putin được tạp chí Forbes lựa chọn là nhân vật quyền lực nhất trong năm 2013.

Thứ tư, thỏa thuận cũng cho thấy cách hành xử hết sức thực dụng của chính quyền Obama. Tổng thống Obama đã chấp nhận hy sinh thể diện không chỉ riêng ông mà còn cả của nước Mỹ để đổi lấy việc tránh khỏi một cuộc chiến tranh tốn kém. Thực ra không phải chỉ có trong vấn đề Syria, mà trong rất nhiều vấn đề quốc tế khác như cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, những tranh chấp biển, đảo ở Hoa Đông hay Biển Đông, trong vấn đề hạt nhân của Iran v.v., chính quyền Obama luôn có sự lựa chọn theo hướng ưu tiên những lợi ích của nước Mỹ (tất nhiên theo cách nhìn nhận của ê kíp Obama). Đương nhiên, cách xử lý này không phải lúc nào cũng giúp giải quyết được vấn đề như trong trường hợp vũ khí hóa học của Syria. Trong không ít tình huống, nó có thể tạo ra thêm sự phức tạp như trong tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, giữa Nhật Bản với Hàn Quốc. Nếu trước kia, các nước nghi ngại nước Mỹ bởi e dè sự can thiệp, thường là thô bạo, của nước này, thì hành động của nước Mỹ trong năm 2013 lại khiến người ta quan ngại sự thực dụng, đến mức quá lộ liễu, của chính quyền Obama.

Thứ năm, Nga và Mỹ đạt được đồng thuận cũng đánh dấu một sự thay đổi lớn trong quan hệ song phương. Kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 3-2012, quan hệ Nga – Mỹ đã trở nên hết sức căng thẳng. Cuộc tọa đàm Putin – Obama bên lề hội nghị thượng đỉnh G8 Saint Peterburg mau chóng có kết quả có lẽ bởi cả hai tổng thống đều nhận thức được mức độ nguy hiểm nếu xảy ra đụng độ quân sự, cụ thể là tại Syria. Đây cũng là lý do chính tạo ra sự thỏa hiệp trong quan hệ giữa hầu hết các nước lớn trong năm 2013. Nếu như vậy, người ta có lý do để tin rằng, dù đang có những tranh chấp hết sức căng thẳng nhưng quan hệ Trung – Nhật chắc sẽ khó rơi vào vòng xoáy bạo lực.

Cuối cùng, thỏa thuận cũng cho thấy sự thay đổi trong cách ứng xử của các nước nhỏ. Cách đối phó mềm dẻo, chấp nhận thỏa hiệp ở một mức độ nhất định, phần nào đã giúp chính phủ Syria thoát khỏi một cuộc chiến tranh không cần thiết. Điều này cũng đã diễn ra tại nhiều điểm nóng trong năm 2013. Chính sách mềm dẻo của các nước nhỏ đã góp phần làm thay đổi cả cách nhìn nhận của các nước lớn. Chủ trương ôn hòa của chính quyền M. Rouhani đã giúp Tehran đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với P5+1 (24-11-2013). Cộng đồng quốc tế đang trông đợi sự thay đổi trong quan hệ Cuba – Mỹ sau cái bắt tay “trên mức ngoại giao” giữa Chủ tịch Cuba Raun Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nam Phi (nhân ngày lễ tang cố tổng thống Nelson Mandela hôm 10-12-2013).

Một năm trôi qua với biết bao sự kiện quốc tế diễn ra vừa nhanh vừa phức tạp, vậy mà người viết kỳ vọng sẽ tạo ra bức tranh quốc tế chỉ bởi một gam màu, điều này chắc chỉ có ở người mà trình độ hội họa vô cùng hạn chế và chắc chỉ có thể xảy ra vào những dịp đầu Xuân. Chính vì thế, rất mong bạn đọc hãy tiếp tục bù đắp thêm những khiếm khuyết để bức tranh thế giới 2013 của chúng ta thêm phận hiện thực, rõ ràng và đầy đủ.