Nam Phi hướng đến thị trường châu Á

|

Bộ trưởng Hợp tác và Quan hệ quốc tế Nam Phi N.Pan-đo cho biết, Chính phủ Nam Phi đã tạo được dấu ấn đáng kể tại các thị trường châu Á nhằm đưa nước này trở lại tốc độ tăng trưởng kinh tế như trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Phát biểu trước Quốc hội Nam Phi, Bộ trưởng Pan-đo nêu rõ, Bộ Hợp tác và Quan hệ quốc tế (DIRCO) sẽ xác định những cơ hội mới và mở rộng những cơ hội có lợi cho Nam Phi ở nước ngoài. Đặc biệt, Nam Phi đã tạo dựng dấu ấn đáng kể ở châu Á, châu lục có nhiều triển vọng nhất về khả năng nhanh chóng trở lại mức tăng trưởng kinh tế như thời kỳ trước đại dịch. Năm 2020, Nam Phi đã gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông - Nam Á để tiếp nhận các cơ hội phát triển và thương mại đáng kể ở khu vực này. Theo Bộ trưởng Pan-đo, “đất nước Cầu vồng” cũng sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN với các đối tác, khi viện dẫn RCEP tạo ra khối thương mại tự do lớn nhất thế giới, với GDP khoảng 26.000 tỷ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu. Nam Phi mong muốn thúc đẩy hợp tác với các nước ASEAN và đối tác, để tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư và du lịch theo hướng cùng có lợi, đồng thời hỗ trợ phát triển và đào tạo kỹ năng cho người dân Nam Phi. Quốc gia miền nam châu Phi này đã đạt được thỏa thuận xuất khẩu thịt bò sang thị trường Ma-lai-xi-a kể từ tháng 11-2020, xuất khẩu trái cây sang Thái-lan. Nam Phi đang tiếp tục đàm phán để xuất khẩu nho tươi đến Việt Nam và Hàn Quốc, xuất khẩu bơ đến Ấn Độ và Nhật Bản, cũng như xuất khẩu lê đến Trung Quốc và Ấn Độ.

Với quyết tâm trở thành “điểm đến” tiềm năng, người đứng đầu ngành ngoại giao Nam Phi cho biết đang nắm bắt các cơ hội mới và khai thác khả năng tập thể từ các nguồn lực của DIRCO để góp phần đạt được mục tiêu này. Bộ trưởng Pan-đo cũng khẳng định, Chính phủ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu đưa Nam Phi trở thành nơi tốt nhất để tham quan, kinh doanh, làm việc, học tập và sinh sống. Tổng thương mại hai chiều của Nam Phi với châu Á, Trung Đông và châu Đại Dương lần đầu vượt mốc 1.000 tỷ rand (khoảng 69 tỷ USD) vào năm 2019 và dự kiến sẽ tăng trưởng hơn nữa. Nhiều công ty châu Á đã đưa ra những cam kết đầu tư đáng kể. Các công ty như Toyota, Isuzu (Nhật Bản), Tata Motors, Mahindra và Motherson Sumi (Ấn Độ),… đã mở rộng đầu tư vào Nam Phi. Gần đây, Trung Quốc cam kết đầu tư 14 tỷ USD, trong khi A-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) mỗi nước cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào Nam Phi.

Thúc đẩy hợp tác thương mại với các nước châu Á đang được Nam Phi coi là một trong những cách tốt nhất giúp nước này giải quyết vấn đề đói nghèo, bất bình đẳng và thất nghiệp gia tăng. Trong hai thập kỷ qua, mặc dù đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, Nam Phi vẫn là quốc gia bị cho là tồn tại tình trạng bất bình đẳng và khó có khả năng đạt các mục tiêu trong Kế hoạch Phát triển quốc gia (NDP) Tầm nhìn 2030. Theo báo cáo của NPC, người dân Nam Phi đang ở mức rất nghèo về tài sản, trong đó 90% đến 95% của cải tập trung ở những người thuộc tầng lớp cao nhất, so với mức trung bình toàn cầu là 55% đến 60%. Trong khi đó, nhóm 40% dân số nghèo nhất Nam Phi chỉ sở hữu khoảng 5% lượng của cải.  

Chính phủ Nam Phi đang tập trung phục hồi kinh tế và giải quyết tỷ lệ thất nghiệp cao, tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng. “Đất nước Cầu vồng” đặt ưu tiên kiểm soát tài chính công, giải quyết khó khăn của kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trường, trong đó hướng tới châu Á, thu hút đầu tư là các yếu tố góp phần vào thực hiện chiến lược phát triển của quốc gia.