Chỉ tính riêng trong tháng 9 vừa qua, quan hệ giữa Ấn Độ với một loạt các nước lớn đã có những biến chuyển nhanh tới mức khiến các chuyên gia phân tích thực sự bối rối trong việc tìm kiếm nguyên nhân.
Bắt đầu là sự thay đổi trong quan hệ với Nhật Bản. Ngay sau khi đắc cử, tân Thủ tướng Modi đã chọn đất nước Mặt Trời mọc là điểm đến đầu tiên trong số các cường quốc (từ ngày 30-8 đến 3-9-2014). Mặc dù quan hệ Ấn – Nhật vẫn đang duy trì được đà phát triển tốt đẹp từ thời Thủ tướng Manmohan Singh, nhưng chỉ riêng việc tận dụng tối đa “quota” công du nước ngoài (theo quy định của Ấn Độ, Thủ tướng không được công du ở một nước quá năm ngày nếu không có gì bất thường) cho chuyến viếng thăm Tokyo đủ minh chứng cho quyết tâm “viết nên một chương mới” trong quan hệ Ấn – Nhật của tân Thủ tướng Modi. Trong chuyến công du này, một loạt thỏa thuận song phương, đặc biệt là cam kết đầu tư 35 tỷ USD vào Ấn Độ trong vòng năm năm tới của Nhật Bản, cho thấy mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn – Nhật chắc chắn sẽ có bước phát triển mới trong thời Thủ tướng Modi.
Khác với Nhật Bản, trong quan hệ với Trung Quốc, Thủ tướng Modi phải đối mặt với nhiều vấn đề tồn đọng, từ tranh chấp lãnh thổ đến thâm hụt cán cân thương mại, và trên hết là di sản nghi kị, căng thẳng trong quan hệ song phương. Tuy nhiên, không biết có phải do thời còn làm thủ hiến bang Gujarat, ông Modi đã thăm Trung Quốc năm lần, hay phát biểu: “phát triển quan hệ với Trung Quốc là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nền ngoại giao Ấn Độ” của Thủ tướng Modi ngay sau lễ nhậm chức, hay do dư âm của chuyến công du Nhật Bản v.v., sự thay đổi trong quan hệ Ấn – Trung cũng mau chóng được kích hoạt. Từ ngày 17 đến 19-9-2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 3 năm 2013. Hơn 20 thỏa thuận đạt được trong chuyến công du này, đáng chú ý là cam kết từ phía Trung Quốc sẽ đầu tư vào Ấn Độ 20 tỷ USD, cho thấy triển vọng hợp tác Ấn – Trung trong thời gian tới.
Trong quan hệ với Nga, Thủ tướng Modi cũng đã tạo ra sự khác biệt với người tiền nhiệm M. Singh. Ấn Độ đang chuyển dần từ một bạn hàng mua sắm vũ khí đơn thuần sang đối tác hợp tác quốc phòng. Ngay từ hồi tháng 7-2014, Ấn Độ và Nga đã tổ chức cuộc tập trận hải quân chung "Indra 2014" trong vùng biển Nhật Bản, và cuối tháng Tám khởi đầu cuộc thao diễn chung của lực lượng không quân và phòng không "Aviaindra 2014". Từ ngày 23-9 đến 2-10-2014, lần đầu tiên bộ binh Ấn Độ đã tham gia cuộc diễn tập chiến thuật chung Nga – Ấn "Indra 2014" trên thao trường Prudboy (tỉnh Volgograd của Nga).
Chuyến công du Washington hai ngày 29 và 30-9-2014 đã khép lại một tháng ngoại giao bận rộn của Thủ tướng Modi, đồng thời cũng góp phần hoàn tất bức tranh về mối quan hệ của Ấn Độ với các cường quốc trên thế giới. Chuyến thăm Mỹ chính thức đầu tiên của ông Nerandra Modi trên cương vị Thủ tướng Ấn Độ đã giúp khai thông bế tắc trong mối quan hệ vốn đang căng thẳng trong suốt hai năm qua, đặc biệt là sau vụ bắt giữ Phó Tổng lãnh sự Ấn Độ, bà Devyani Khobragade tại New York hồi tháng 12-2013. Thành công rõ nét nhất của Thủ tướng Modi thể hiện qua việc đạt được cam kết từ phía Mỹ hỗ trợ 1 tỷ USD cho Ấn Độ trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thân thiện với môi trường, tăng kim ngạch thương mại hai chiều lên năm lần từ mức 100 tỷ USD hiện nay và hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực an ninh hàng hải, khoa học vũ trụ, ứng phó với các thách thức chung toàn cầu.
Một điều rõ ràng là chính sách năng động, quyết đoán của Thủ tướng Modi đã góp phần hết sức quan trọng trong việc làm thay đổi quan hệ của Ấn Độ với các nước lớn.
Tuy nhiên, cũng bởi những biến chuyển trên đây diễn ra quá nhanh nên chúng không thể chỉ đơn thuần là kết quả cộng hưởng của sự thay đổi từ phía Ấn Độ và sự “đáp lời” từ phía các đối tác.
Đơn cử như trong quan hệ Ấn – Mỹ, ngay từ khi lên cầm quyền (năm 2009) Tổng thống Obama đã xác định tầm quan trọng của mối quan hệ song phương này là "góp phần định hình thế kỷ 21, và bản thân Thủ tướng M. Singh cũng mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ. Thực tế cũng chỉ rõ tầm quan trọng của Ấn Độ trong chính sách xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, cụ thể là trong kế hoạch rút quân khỏi Iraq và Afghanistan cũng như tái cơ cấu lực lượng quốc phòng tại đây v.v. Nhưng có lẽ do phía chính quyền Obama mong muốn “độc chiếm” vai trò của Ấn Độ, một nước đang mong muốn đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế. Hệ quả là quan hệ hai nước bắt đầu có những rạn nứt, đầu tư của Mỹ vào Ấn Độ đã giảm mạnh từ 1,9 tỷ USD năm 2010 xuống chỉ còn 800 triệu USD năm 2013, New Delhi từ chối ký hiệp định thương mại tự do (FTA) vì bất đồng về vấn đề dự trữ lương thực và trợ cấp nông nghiệp, đỉnh điểm là việc hai nước thi hành những biện pháp trả đũa ngoại giao sau vụ bắt giữ bà Khobragade v.v.
Hoặc như trong quan hệ giữa Ấn Độ với Trung Quốc. Những vụ va chạm giữa binh lính hai nước liên quan tới vùng lãnh thổ tranh chấp từ sau chiến tranh năm 1962 (thung lũng Lakdakh) chỉ góp phần tô điểm thêm sự căng thẳng kéo dài giữa hai cường quốc mới nổi này. Ngoài ra, trong suốt hơn thập kỷ qua, những mối quan hệ của Ấn Độ với Mỹ, Nhật Bản, Nga, và đương nhiên cả với các nước khác như Pakistan, Bangladesh v.v., cũng là những rào cản không nhỏ đối với ý nguyện cải thiện quan hệ song phương của các nhà lãnh đạo hai nước.
Sự căng thẳng này rõ ràng không thể bỗng chốc có thể thay đổi được. Nhưng nếu chúng ta đặt Ấn Độ bên cạnh các mối quan hệ đang hết sức căng thẳng như Nga – Mỹ và EU, Nhật – Trung hay Trung – Mỹ thì sẽ thấy cơ hội của Thủ tướng Modi. Những biện pháp trừng phạt Nga mà Mỹ và EU đang tiến hành không chỉ khiến đôi bên phải chịu những thiệt hại kinh tế ngày một rõ ràng hơn, mà còn khiến cho môi trường an ninh của toàn châu lục, thậm chí là toàn cầu bị đặt trong tình trạng báo động. Những va chạm giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khiến châu Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt với những rủi ro hết sức nguy hiểm, trước hết bởi giữa hai cường quốc này không có bất cứ một kênh đối thoại có tính chất cảnh báo sớm nào. Sự nghi kị và những cáo buộc có tính răn đe nhau, đơn cử như những chỉ trích về các hoạt động tin tặc, giữa Mỹ và Trung Quốc có lẽ là điều đáng quan ngại hơn cả, bởi chúng không chỉ khiến hai cường quốc hàng đầu thế giới này mà còn rất nhiều quốc gia khác sẽ phải gánh chịu những thiệt hại sâu rộng.
Hiển nhiên, tình trạng căng thẳng như thế này cứ tiếp tục kéo dài rất dễ khiến quan hệ giữa các nước lớn tiến gần hơn tới nguy cơ đổ vỡ, và đó là thảm họa cho tất cả. Hơn nữa, hiện đang có ít nhất ba vấn đề khiến các nước lớn muốn mau chóng thay đổi thực trạng này: cuộc chiến chống lực lượng nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ngày một khốc liệt, dịch bệnh Ebola bắt đầu lan rộng ra ngoài châu Phi và sự giảm sút tăng trưởng toàn cầu (ngày 8-9-2014, IMF vừa phải hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3,3% trong năm nay).
Những biến chuyển nêu trên trong quan hệ giữa Ấn Độ và các nước lớn cho thấy, các nước này nhìn thấy ở Ấn Độ một khả năng có thể trở thành chiếc cầu nối giúp các bên có thể “hạ nhiệt” mà vẫn bảo toàn thể diện. Ấn Độ vừa là một cường quốc đang lên, và quan trọng là chính quyền của tân Thủ tướng Modi lại cũng muốn nắm lấy cơ hội này. Tất cả đều hi vọng, sự thay đổi trong quan hệ giữa Ấn Độ với các nước lớn sẽ góp phần làm thay đổi tình trạng căng thẳng trong các mối quan hệ khác.
Dĩ nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu có tính thử nghiệm, nhưng dù sao những biến chuyển trên cũng ít nhiều hé lộ dấu hiệu muốn “xuống thang” của các nước lớn.