Chuyện trong viện điều trị Covid-19 tại Nga

|

NDO - Tháng 5/2020, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Nga, “cung điện băng” Krylatskoye, vốn là đấu trường khúc côn cầu và sân trượt băng nổi tiếng tại thủ đô Moskva, mau chóng được huy động thành bệnh viện điều trị Covid-19. Kể từ mùa thu năm ngoái, cơ sở này hoạt động không ngày nghỉ, từng giờ từng phút giành lại sự sống cho bệnh nhân. 

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ

Bác sĩ Oleg Polozkov nói với TASS, rằng con gái ông chào đời khi ông đang trong ca trực vào tháng 10 năm ngoái, thời điểm bệnh viện “Krylatskoye” tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên. Bốn giờ sáng, đi ra từ khu cách ly nghiêm ngặt (vùng đỏ), nhận cuộc gọi từ vợ, ông chỉ kịp nói “Ừ, mọi thứ ổn”, rồi thiếp đi.

“Hai giờ sau, bố gọi báo đã đưa vợ tôi đi sinh. Tôi trở lại “vùng đỏ” để tiếp tục nhận bệnh nhân. Bác sĩ ở bệnh viện sản gọi điện chúc mừng tôi. Tôi còn không biết con gái tôi dài và nặng bao nhiêu”, ông Oleg nhớ lại.

Bác sĩ Oleg là trưởng khoa tiếp nhận. Giữa tháng 6 này, khoảng 200 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày. Bệnh viện kín chỗ. Sau đó, giường bệnh được bổ sung. Hiện, “Krylatskoye” đã đầy khoảng một nửa. Ngày nghỉ cuối cùng của ông Oleg đã cách đây gần bốn tuần.

Nhìn từ căn phòng mà trước đây dành cho bình luận viên thể thao, có thể thấy “vùng đỏ” sau tấm kính. Bệnh viện như một “ngôi nhà búp bê” khổng lồ, với những vách ngăn mầu xám không trần. Bên trong, đầy những người tí hon.

Bệnh viện “Krylatskoye” điều trị Covid-19. 

Khi đến “Krylatskoye” lần đầu, ông Oleg không nghĩ rằng điều kiện ở đây lại tốt đến vậy. Do đó, ông hiểu tâm lý sợ hãi của người bệnh khi họ được đưa đến đây, một bệnh viện vận hành trong một khu thể thao.

Bệnh viện được dựng lên, hệ thống thông gió được thiết kế. Trong đợt nắng nóng kỷ lục tháng 6, nhiệt độ bên trong “Krylatskoye” không quá 24,5 độ C. Với các bác sĩ, trong viện họ cảm thấy thoải mái hơn ngoài đường, dù thực tế phải luôn mặc quần áo bảo hộ nóng nực.

“Krylatskoye” không có tường mà chỉ có các vách ngăn. Như thế tốt hơn so kiểu bệnh viện truyền thống. Bác sĩ có thể nhìn thấy tất cả các bệnh nhân cùng một lúc. “Bệnh nhân bình tĩnh hơn, còn chúng tôi thoải mái hơn”, y tá Irina Petrosyan cho biết.

Irina có nhiệm vụ trông coi tất cả các giường bệnh. Cô nói rằng, bệnh nhân nhận ra cô bằng đôi mắt của cô. Chúng có mầu xanh lam, sáng, hiện rõ ngay cả sau cặp kính bảo hộ.

“Tôi có một chiếc kính gọng mầu xanh lam, màu của mắt tôi. Và một tấm kính bảo hộ, cũng với viền mầu xanh”, Irina cười. “Chúng tôi thi xem ai có cặp kính đẹp hơn. Đôi khi chúng tôi cũng vẽ lên đồ áo bảo hộ. Chỗ này có trái tim, chỗ kia vẽ bông hoa”, Irina kể lại.

Y tá Irina Petrosyan. 

Một ca điều dưỡng kéo dài 24 tiếng với hai lần giải lao, sau đó nghỉ hai hoặc ba ngày. Irina chỉ ngủ ba, bốn tiếng sau khi làm việc. “Tôi không cần nhiều”, Irina nói. Đôi khi mỗi ca trực Irina đi 20 nghìn bước. “Một số người mất tiền để tập thể dục. Nhưng chúng tôi tập thể dục ở đây trong 24 giờ”, cô cười.

Irina đến từ Orenburg, nơi cách thủ đô Moskva khoảng 1.500 km về phía đông nam. Trước giờ cô chỉ làm y tá trẻ em, nhưng Covid-19 nhiều khi cũng khiến người lớn thất thường như bọn trẻ. Cô bắt đầu chăm sóc bệnh nhân Covid-19 từ tháng 3/2020. Tháng 9, cô cũng mắc Covid-19 và khỏi bệnh.

“Tôi bị dạng nhẹ, nằm ở nhà, nhưng như là có chiếc đầu kéo cán qua tôi”, Irina nhớ lại. Tháng 11, cô để lại con gái và chuyển đến Moskva. Cô không lo cho con gái, vì con gái tốt nghiệp phổ thông năm nay và có thể tự lập. Nhưng con gái lo lắng cho mẹ.

“Tưởng mình sắp chết”

Bệnh nhân A. hôm qua đã có thể đi bộ vài mét đến thùng rác rồi trở lại giường. “Thắng rồi. Thật khó khăn”, ông nói, dù chưa thể tự đi đến nhà vệ sinh. Ông A., 48 tuổi, đã ở viện gần bốn tuần, và tuần thứ năm chắc chắn còn phía trước.

“Họ đưa tôi vào đây hôm chủ nhật. Đến thứ ba thì tôi không thể thở được nếu không có bình oxy”, ông A. kể lại. Những ngày đầu tiên bị bệnh, ông nằm nhà đo nhiệt độ, bập bùng giữa 37 và 41 độ C. Kết quả, xe cấp cứu chở ông đến “Krylatskoye” khi phổi đã tổn thương 25-50%.

Trong những tuần đầu mắc bệnh, ông không thể ăn uống và sụt cân. “Tôi đã muốn tiêm vaccine phòng Covid-19, nhưng không kịp. Giờ thì ủng hộ tiêm chủng cả hai tay hai chân”, ông A. nói, “tôi chán mọi thứ. Giá như tôi có thể thở bình thường. Mọi thứ khác không còn quan trọng”.

Bệnh viện “Krylatskoye”. 

Trong khi đó, bệnh nhân K. vừa được xuất viện, sau năm ngày chữa trị. “Khi tôi nhập viện, tôi nghĩ mình sẽ chết”, anh K. nói, “tôi chỉ thở được 20% nhịp thở bình thường”. Anh khó ngủ trên giường lạ và quanh người không quen, nên suốt thời gian ở viện, K. chỉ ngủ tổng cộng tám tiếng, và phải thở oxy rất nhiều.

K. mới 29 tuổi, không có bệnh mạn tính. K. không tiêm phòng Covid-19. Như anh giải thích, anh không nghĩ nhiều về điều đó. “Khi không thở được, thật khủng khiếp”, K. nhớ lại.

Mọi người nằm ở viện đều cùng kể về một điều. “Cơn đau đầu dữ đội, cơ thể rã rời, như muốn ngất xỉu”. Hay “đến giờ vẫn yếu. Trước khi nhập viện, nhiệt độ cơ thể giữ không cao”. “Tôi không sợ Covid-19, tôi luôn đeo khẩu trang. Tôi đã nghĩ đến việc tiêm vaccine, nhưng không có thời gian”. “Vẫn chưa thở sâu được, chỉ là từng hơi ngắn…”.

Tại khoa nam, bệnh nhân có vẻ là những con người cứng rắn, mạnh mẽ. Ông D., 50 tuổi, tập thể thao từ khi còn trẻ. Bên cạnh có nhiều người già. “Bằng mắt thường, có thể thấy người trẻ vẫn nhiều hơn, từ 30 đến 50 tuổi”, ông Andrey Shkoda, bác sĩ trưởng của bệnh viện lâm sàng số 67 cho biết. “Thực tế là người trẻ đã không tiêm phòng đầy đủ và hay vi phạm các quy tắc phòng dịch. Người già thường kỷ luật và trách nhiệm hơn”, ông Andrey nói.

Bác sĩ trực 24/24 giờ tại bệnh viện. 

Trong viện, các y tá tích cực giải thích cho bệnh nhân, động viên họ cố gắng vận động nhiều hơn. Điều đó quan trọng cho phổi. Họ cũng giúp người bệnh ngồi dậy trên giường và vận động đôi chút.

Công việc của y tá ngoài đưa thuốc, điều chỉnh ống truyền, đo nhiệt độ, độ bão hòa oxy trong máu, còn là trò chuyện liên tục với bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân cảm thấy khó khăn không chỉ về thể chất, mà còn tình cảm. Bệnh viện có bác sĩ tâm lý, không chỉ dành cho bệnh nhân, mà còn cho cả bản thân bác sĩ.

“Tôi có ba bệnh nhân đọc thơ cho tôi nghe khi tôi đang truyền thuốc cho họ”, Ira cười, “thật tốt vì khi mọi người nói, phổi sẽ hoạt động. Và cũng cần phải lắng nghe bệnh nhân, để họ không luẩn quẩn”.

Bệnh nhân kể với y tá về bản thân họ, gia đình họ. Cả chuyện cháu gái chuẩn bị thi trượt băng, hay cháu trai sắp vào lớp một. Rồi chuyện cái nhà ở ngoại ô. Y tá cho biết, phải làm sao để người bệnh tạm quên đi Covid-19.

Irina có một nhóm bệnh nhân quen, những người đàn ông từ 35 đến 45 tuổi. Lúc đầu họ kể chuyện cười, sau đó họ lấy bài và cờ ra chơi. Họ giúp nhau vui vẻ, truyền cả không khí đó sang những bệnh nhân giường bên.

Một lần khác, một cặp vợ chồng nhập viện, cả hai ngoài 70 và đã sống cùng nhau hơn nửa thế kỷ. Người vợ được đưa vào trước, sau đó vài ngày, ông chồng vào theo. Ông kịp báo cho vợ. Bà đã không ăn bữa tối và để dành cho chồng, dù ở đây không để ai bị đói.

Nhiều bệnh nhân nặng được điều trị tại bệnh viện.

Trong viện, có quy định đàn ông và phụ nữ nằm riêng, dù là vợ chồng. Nên người chồng đến thăm vợ mỗi sáng, rồi người vợ thăm lại. Bà tự luồn vỏ chăn cho ông, dù việc đó ở đây đã có người phụ trách. Nhưng bà muốn chăm sóc chồng. Cả hai đều đã bình phục, thậm chí không lâu.

Irina bảo, các bệnh nhân thường nói, rằng thật tiếc khi họ chỉ nhìn thấy đôi mắt cô. Nếu gặp lại nhau trong tàu điện ngầm hoặc trên đường, họ sẽ không nhận ra nhau. Lúc nào họ cũng cố tặng một thứ gì đó, là một quả táo hoặc một thanh socola từ đồ người thân tiếp tế.

“Tôi đã được chăm sóc đặc biệt”

Nơi đáng sợ nhất trong bất kỳ bệnh viện Covid-19 nào chính là phòng chăm sóc đặc biệt. Một số thiết bị liên tục phát ra âm thanh ở đây. Nhưng cái chính là bệnh nhân thở hồng hộc và khó khăn. Theo nghĩa đen thì đúng là đang chiến đấu cho từng hơi thở. Khó có ai nói chuyện được.

“Tháng 12, khi dịch bệnh căng thẳng, có tối đa 38 bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt cùng lúc. Hiện tại, có gần 60 người. Trung bình từ năm đến 10 người được tiếp nhận mỗi ngày”, ông Nikolai Rezepov, trưởng khoa gây mê hồi sức cấp cứu số 12 cho biết.

Khi nghe bệnh nhân phàn nàn “ngột ngạt, không đủ không khí”, điều này đi kèm cảm giác sợ hãi. Không ai mong điều đó xảy ra. Nhưng giá mà mọi người thấy, dù chúng ta đã cố gắng như thế nào đi nữa, thì không phải lúc nào chúng ta cũng chiến thắng.

Gần đây, bệnh viện không thể cứu nổi một bệnh nhân mới 24 tuổi. “Không có bệnh lý kèm theo rõ ràng, có thể chỉ do thừa cân. Đến ngày thứ sáu, hơn 80% tổn thương phổi cả hai bên”, ông Nikolai nhớ lại. Song đôi khi có người gặp tình trạng tương tự, đã nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt hơn một tháng và qua cơn nguy kịch. Một sinh mạng được giữ lại với chúng ta.

Bệnh viện nỗ lực chữa cho bệnh nhân. 

Sau khi hồi sức, bệnh nhân được đưa về khu bình thường để tiếp tục điều trị. Y tá Irina có một bệnh nhân mới trở về. “Có niềm hạnh phúc trong đôi mắt họ. Anh ấy nói với mọi người, rằng vừa được chăm sóc đặc biệt. “Chà, tôi đã trở lại. Không có gì phải sợ hãi cả. Anh em hãy cùng cố gắng”, Irina thuật lại lời bệnh nhân.

Có một ngày, tại bệnh viện “Krylatskoye” có hơn 600 bệnh nhân. Trong số này, chỉ phần ít được chủng ngừa Covid-19, nhưng không có ai đã tiêm vaccine mà phải chăm sóc đặc biệt.

“Nếu không tiêm phòng, khả năng mắc bệnh gần như 100%. Mức độ tổn thương phổi cũng đang diễn ra nhanh hơn, có thể chỉ sau hai ngày”, ông Andrey Shkoda nhận định.

Bác sĩ trưởng Andrey Shkoda không gọi những gì đang xảy ra bây giờ tại Nga là làn sóng thứ ba. “Tôi không thích những lời sáo rỗng này, thứ ba, thứ hai hay thứ nhất. Chúng ta đang nói về sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh. Khi phần lớn dân số được tiêm phòng, tôi chắc một bước ngoặt sẽ đến. Song vẫn phải tuân thủ quy định đeo khẩu trang”, ông Andrey khẳng định.