Đã đến lúc phải thay đổi cách làm

|

NDO - NDĐT - Dường như bầu không khí nóng bỏng của thế giới trong năm 2013 vẫn còn đủ mạnh để tiếp tục lan tỏa sang cả năm 2014 này. Trong suốt hơn sáu tháng qua, cộng đồng quốc tế đã phải trải qua những cung bậc khác nhau của sự căng thẳng, xuất phát từ những điểm nóng trên khắp Trái Đất.

Phần đông mọi người đều cho rằng những khó khăn của cuộc sống thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên. Điều này là hoàn toàn đúng nhưng dường như là chưa đủ, bởi trên thực tế cũng chỉ có một số rất ít dám “làm càn” trong bối cảnh “túng quẫn”. Những gì vừa diễn ra tại một số điểm nóng tiêu biểu, như Ucraina, biển Đông hay Trung Đông đang cho thấy, chính những cách nghĩ và cách làm mang nặng tính “truyền thống” cũng là nguyên nhân không kém phần quan trọng gây nên sự bế tắc, hầu như không có lối thoát tại những nơi này.

Cuộc khủng hoảng tại Ucraina kéo dài suốt từ tháng 11-2013 đến nay, xét cho cùng là bởi hai mâu thuẫn có mối liên hệ với nhau hết sức chặt chẽ: mâu thuẫn trong lòng đất nước Ucraina và mâu thuẫn giữa Ucraina và Nga. Kể từ khi trở thành một quốc gia độc lập (năm 1991), trải qua bốn đời tổng thống, nhưng chưa một chính quyền nào khắc phục được những tồn tại do mô hình chuyên môn hóa, đơn cử như sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Kết quả là nền kinh tế Ucraina luôn chìm trong tình trạng bi đát. Chính tình trạng này lại càng khiến cho mâu thuẫn giữa Ucraina và Nga dần trở nên sâu sắc. Vì những lợi ích của mình, các chính quyền Nga từ thời Tổng thống Yeltsin tới Putin đều cố gắng tìm cách "giữ chân Ucraina" trong tầm kiểm soát “có thể”, chí ít là trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Tuy nhiên, mô hình hợp tác SNG, và cả với Nga, rõ ràng cũng không giúp tình hình đất nước Ucraina trở nên sáng sủa hơn, thậm chí lại càng khiến cho sự chia rẽ trong xã hội ngày càng sâu sắc. Những bất đồng giữa Kiev và Moscow bỗng trở thành cơ hội không thể tốt hơn cho sự can thiệp của EU và Mỹ, trước hết là nhằm để đối phó với một nước Nga đang lớn mạnh.

Đúng là những biến động chính trị từ cuộc cách mạng Cam (năm 2004), đến chính biến lật đổ Tổng thống Yanukovych (2-2014), và đỉnh điểm là sự phân hóa giữa các tỉnh miền Đông với chính quyền trung ương v.v. chính là hệ quả tất yếu của sự vận động của những nhân tố trên. Nhưng rõ ràng, cuộc khủng hoảng tại Ucraina còn là do cách xử lý mâu thuẫn theo kiểu rất “kinh điển” của các bên liên quan. Trước sự nổi dậy đòi tự trị của người dân các tỉnh miền Đông, việc chính quyền lâm thời Kiev sử dụng bạo lực trấn áp cùng những quyết sách có tính “bài Nga” âu cũng là cách thức thông thường nhất nhằm khẳng định quyền lực của nhà nước. Tuy nhiên, giải pháp này giờ đây không còn hoàn toàn hữu dụng bởi nó diễn ra trong bối cảnh bùng nổ thông tin, đồng thời còn vấp phải những trở ngại từ phía Điện Kremlin. Trước việc chính quyền Kiev xích lại với EU, Tổng thống Putin lại tiếp tục sử dụng hai công cụ “cổ truyền” là khí đốt và lực lượng ủng hộ Nga. Đáp trả lại hiệp định liên kết kinh tế giữa Ucraina và EU (được ký kết ngày 27-6-2014), các nhà lãnh đạo Nga, một mặt đe dọa sẽ có những biện pháp trừng phạt Kiev, mặt khác lại đưa những con số nhằm thuyết phục Tổng thống Poroshenko về những lợi ích trong quan hệ thương mại với Nga (theo hiệp định liên kết kinh tế với EU, mỗi năm Ucraina sẽ thu về được khoảng 1,2 tỷ euro, nếu Nga xóa bỏ quan hệ thương mại với Ucraina thì đất nước này có thể thiệt hại khoảng 500 tỷ USD). Để bảo vệ lợi ích của mình, những gì Điện Kremlin đang thực hiện với Kiev cũng không có gì sai, nhưng cũng không hẳn đã là hợp lý. Bởi lẽ, chính việc có thêm hiệp định thương mại EU – Ucraina càng cho thấy, đã đến lúc người Nga cần phải tính đến sự cần thiết xây dựng mô hình liên kết tay ba Nga – Ucraina – EU hơn là tìm cách bó buộc Tổng thống Ucraina Poroshenko vào tình thế chỉ có duy nhất một sự lựa chọn. Các biện pháp trừng phạt Nga mà EU đang tiến hành càng chỉ tô đậm thêm sự cũ kỹ trong các giải pháp mà các bên đang tiến hành nhằm tháo gỡ sự bế tắc tại Ucraina.

Tình hình này chắc chắn sẽ còn kéo dài nếu các bên vẫn tiếp tục cách tiếp cận theo hướng chỉ biết có lợi ích của mình mà quên đi rằng tất cả đang sống trong quá trình toàn cầu hóa, mà sự liên kết đa chiều, trước hết là về kinh tế, là điều tất yếu.

Tình hình căng thẳng trên biển Đông còn cho thấy cách suy nghĩ còn “cổ điển” hơn của các nhà làm chính sách Trung Quốc. Trước phản ứng găy gắt của cộng đồng quốc tế trước việc đưa giàn khoan Hải Dương – 981 vào sâu thềm lục địa của Việt Nam, chính phủ Trung Quốc chỉ giải thích bằng cách không thể đơn giản hơn: “Đó là lãnh thổ của chúng tôi”. Để củng cố thêm niềm tin cho những ai còn nghi ngờ về ý đồ khẳng định chủ quyền của mình, ngày 24-6-2014, Trung Quốc đã chính thức công bố tấm bản đồ khổ dọc với đường 10 đoạn bao bọc trọn toàn bộ Biển Đông. Chưa cần biết những lý lẽ của Trung Quốc có tính thuyết phục hay hợp pháp không, chỉ cần nhìn vào tấm bản đồ này cũng đã thấy điều hết sức phi lý khi các quốc gia biển như Việt Nam, Philippines, Malaysia hay Brunei muốn ra biển thì phải xin phép Trung Quốc bởi chẳng có đường nào để ra. Cách ứng xử của Trung Quốc “lạc hậu” ở chỗ, dù biết sẽ vấp phải phản ứng, thậm chí có thể sẽ là rất cực đoan, của các nước trong và ngoài khu vực nhưng Trung Quốc vẫn làm mọi cách để khẳng định chủ quyền một vùng lãnh thổ. Luồng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Trung Quốc sụt giảm mạnh trong năm tháng đầu năm 2014 (FDI của Nhật Bản vào Trung Quốc giảm 42,2%, từ ASEAN giảm 22,3%, từ Mỹ giảm 9,3% và từ EU giảm 22,1%) là minh chứng rõ ràng cho tính bất cập của sự “lạc hậu” này. Dường như Bắc Kinh đang “quên” rằng sự tăng trưởng của nước này chính là nhờ phần lớn vào các mối quan hệ thương mại, trước hết là với chính các nước bị mất lãnh thổ.

Tình trạng căng thẳng kéo dài tại Trung Đông cũng là một bằng chứng rõ ràng nữa cho những cách làm đã trở nên không còn thích hợp với kỷ nguyên toàn cầu hóa. Phân biệt đối xử chính là một trong những chính sách có tính “truyền thống” nhất tại Trung Đông. Sự phân hóa giàu nghèo đã dẫn đến sự đảo lộn tại Bắc Phi – Trung Đông hổi năm 2010-2012, nhưng những nhà lãnh đạo thời hậu “Mùa Xuân Ả Rập” đã không khắc phục được căn nguyên này, thậm chí có nơi còn làm nó trở nên trầm trọng hơn. Điển hình nhất là chính sách phân biệt đối xử với những người theo dòng Sunni của chính quyền Tổng thống Iraq Nouri al-Maliliki. Hậu quả của chính sách này là việc các lực lượng Hồi giáo cực đoan đang giành được những thắng lợi liên tiếp trên một vùng lãnh thổ rộng lớn mà họ gọi là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL). Cho dù bên nào giành được thắng lợi hoàn toàn, nếu chính sách lạc hậu này vẫn còn tiếp tục, thì rõ ràng tình trạng bất ổn tại Iraq sẽ không thể chấm dứt, mà chỉ có thể chuyển đổi chu kỳ căng thẳng mà thôi.

Những ví dụ trên cho thấy, nếu thực sự các bên mong muốn giải quyết khủng hoảng theo hướng tích cực để có thể đem đến sự bình yên cho người dân thì không thể cứ mãi tiếp tục những cách làm như hiện nay. Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2008, vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ Barack Obama đã giành thắng lợi nhờ khẩu hiệu “Chúng ta cần thay đổi”. Nước Mỹ đã mất gần 30 năm kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc mới nhận thức ra sự cần thiết phải thay đổi. Nhưng những gì đã và đang diễn ra tại những điểm nóng trên thế giới đủ giúp chúng ta có được kết luận – đã đến lúc phải đổi lại cách làm, nếu chúng ta không muốn phải chịu những tổn thất có thể tránh được