Cơ hội từ “nền kinh tế bạc”

|

Già hóa dân số là nỗi lo thường trực của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh vấn đề này đã trở thành xu hướng không thể đảo ngược trong một sớm một chiều, nhiều nước đã nhanh chóng thích nghi để biến thách thức thành cơ hội và phát triển kinh tế.

Số người từ 65 tuổi trở lên trên toàn thế giới dự kiến tăng từ 761 triệu người vào năm 2021 lên 1,6 tỷ người năm 2050. Đến năm 2030, số người cao tuổi toàn cầu có thể gấp đôi số trẻ em dưới 5 tuổi. Châu Á-Thái Bình Dương hiện là khu vực có tốc độ già hóa dân số nhanh hàng đầu thế giới.

Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) dự báo, tỷ lệ người dân từ 60 tuổi trở lên ở các nước châu Á-Thái Bình Dương tăng từ mức 13,6% dân số của năm 2020 lên gần 25% năm 2050.

Già hóa dân số nhanh chóng kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với các nước khi tạo gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội, gây sức ép lớn lên các cơ sở y tế, đồng thời dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động. Chính phủ Nhật Bản ước tính, với xu hướng dân số già và giảm như hiện nay, chi phí chăm sóc người cao tuổi vào năm 2050 sẽ tăng 75% so với mức của năm 2019. Trong khi đó, do dân số già hóa, mỗi năm nền kinh tế Đức thiếu khoảng 400.000 lao động.

Là thách thức, song già hóa dân số cũng mở ra nhiều cơ hội nếu các nước chủ động phát triển “nền kinh tế bạc”, thuật ngữ dùng để chỉ các hoạt động kinh tế nhằm cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho người cao tuổi.

Theo các nhà nghiên cứu, châu Á-Thái Bình Dương chứng kiến sự tăng trưởng nhanh nhất của “nền kinh tế bạc”. Thị trường dành cho thế hệ người cao tuổi tại khu vực này được dự báo sẽ đạt giá trị 4.560 tỷ USD vào năm 2025. Trung tâm nghiên cứu về lão hóa Trung Quốc cho biết, hiện quy mô “nền kinh tế bạc” của Trung Quốc đạt khoảng 7.000 tỷ nhân dân tệ và có thể lên tới 30.000 tỷ nhân dân tệ vào năm 2035.

“Nền kinh tế bạc” mở ra cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản phẩm và dịch vụ cho người cao tuổi. Cơ hội kinh doanh trải rộng trên nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch, thực phẩm và dịch vụ tài chính như bảo hiểm, quản lý tài sản. Nhóm người tiêu dùng này có nhiều lợi thế như tài chính tương đối ổn định, ít có nhu cầu vay mượn, rủi ro thất nghiệp thấp, có sức mua cao.

Tại Trung Quốc nước này khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp mặt hàng và mô hình chăm sóc y tế cho người già và cải thiện hệ thống viện dưỡng lão. Thời gian qua, các ngành liên quan người cao tuổi tại Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng bùng nổ.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng triển khai một loạt chính sách hỗ trợ “nền kinh tế bạc”. Xứ sở Hoa anh đào tập trung phát triển các lĩnh vực dành cho người cao tuổi như chăm sóc sức khỏe, sản xuất các sản phẩm có ứng dụng công nghệ cao như robot thông minh cho người già. Chính phủ Nhật Bản cũng tăng độ tuổi nghỉ hưu, khuyến khích các doanh nghiệp thuê nhân lực lớn tuổi làm cố vấn để tận dụng kinh nghiệm của người cao tuổi và mang lại thu nhập cho họ,…