Trung Quốc triển khai cơ chế lương hưu cá nhân tự nguyện

|

NDO - Ngày 15/12, Trung Quốc chính thức triển khai cơ chế lương hưu cá nhân tự nguyện trên toàn quốc sau hơn 2 năm thí điểm, đây vừa được xem là kênh có thể đầu tư sinh lời và cũng là cách để hưởng ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân cho những người tham gia.

Lương hưu cá nhân tự nguyện là một cơ chế được nhà nước hỗ trợ chính sách, cá nhân tham gia tự nguyện, hoạt động theo cơ chế thị trường. Lương hưu cá nhân tự nguyện là 1 trong 3 trụ cột của hệ thống bảo hiểm hưu trí của Trung Quốc gồm bảo hiểm hưu trí cơ bản bắt buộc (bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động sau khi nghỉ hưu); lương hưu nghề nghiệp (do đơn vị sử dụng lao động và người lao động tự nguyện đóng theo tỷ lệ % lương); lương hưu cá nhân tự nguyện (là chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân).

Người tham gia cơ chế này chỉ có thể nộp tối đa 12.000 nhân dân tệ/năm vào tài khoản lương hưu cá nhân để được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân cho năm sau. Thí dụ, thu nhập một cá nhân trong năm trước sau khi được miễn, khấu trừ các khoản thuế liên quan vẫn còn 50.000 nhân dân tệ phải nộp thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 10%, nếu đóng 12.000 nhân dân tệ vào tài khoản lương hưu cá nhân nêu trên, thì số tiền tính thuế thu nhập cá nhân giảm còn 38.000 nhân dân tệ.

Tin liên quan
Trung Quốc lần đầu tăng tuổi nghỉ hưu sau hơn 70 năm

Sau khi chuyển vào tài khoản lương hưu cá nhân, chủ tài khoản có thể lựa chọn hình thức gửi tiết kiệm, hoặc đầu tư mua các dịch vụ tài chính hưu trí để sinh lời. Tuy nhiên, các dịch vụ đầu tư cũng luôn đi kèm với rủi ro nhất định, do đó sẽ được các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ.

Thông thường, khoản lương hưu cá nhân tự nguyện này chỉ có thể được rút sau khi đã nghỉ hưu và chỉ phải nộp mức thuế thu nhập cá nhân 3% thay vì 10% nếu như không tham gia cơ chế lương hưu cá nhân tự nguyện này. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp cũng có thể rút trước hạn như mất khả năng lao động, ra nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo...

Cơ chế lương hưu cá nhân tự nguyện bắt đầu thí điểm từ cuối tháng 11/2022, ở 36 thành phố và khu vực như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu... Theo số liệu của Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc, tính đến cuối tháng 11 cơ chế này đã thu hút hơn 70,79 triệu người tham gia.