Vậy là đeo cây sáo lên lưng, chúng tôi tìm về xã Tân Dĩnh, Lạng Giang, nghe võ sư Trần Huy Sơn kể về mình và về CLB võ thuật ông đeo đuổi suốt 15 năm nay.
Võ sư Trần Huy Sơn sinh năm 1956. 18 tuổi, chàng thanh niên Trần Huy Sơn theo tiếng gọi non sông lên đường nhập ngũ. Đó là thời gian cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vốn sở hữu một cơ thể khá "đô con", lại có chút võ nghệ phòng thân học được từ bé, Sơn được cho vào bộ đội đặc công.
Hành quân cấp tốc vào nam, được biên chế vào Lữ đoàn 316 (Quân khu 7), đơn vị nổi danh trong những năm kháng chiến chống Mỹ, với cái tên gọi gây kinh hoàng cho bè lũ tay sai cướp nước và bán nước Mỹ - ngụy: Biệt động Sài Gòn.
Trải qua vài trận chiến, "chủ yếu là những trận đánh vòng ngoài, so với các đồng đội của tôi hồi đó, có gì đáng kể đâu", võ sư Trần Huy Sơn cứ lắc đầu quầy quậy khi tôi gặng hỏi ông về ký ức của một vài trận đánh. "Võ sư phu nhân" chen vào: "Ông ấy không hay kể vì luôn nghĩ rằng mình vẫn là lính mới, chả có công trạng gì so với các đồng đội kỳ cựu ở biệt động Thành". Rồi bà cười chỉ vào cổ ông: "Đấy, vẫn còn vài viên đạn ở cột sống, cổ ông có quay ngang ngửa được đâu, muốn nhìn về phía nào thì phải quay cả người về phía đó".
Vậy là "chiến tích" của người lính đặc công, biệt động Thành năm xưa vẫn ghi dấu đâu đó trong cơ thể, giống như những trận đánh xuất quỷ nhập thần của chính họ làm nức lòng quân dân miền Nam và khiến quân thù điên đảo.
Chàng lính trẻ Trần Huy Sơn may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã ngã xuống ở cửa ngõ Sài Gòn, được vào Thành cùng với những đoàn quân chiến thắng năm 1975. Cùng đơn vị về nơi đóng quân mới, Sơn được giữ lại, cho đi học để đào tạo cán bộ khung. Gắn bó với Lữ đoàn biệt động từ đó đến mãi tận năm 1995, Trần Huy Sơn xuất ngũ về quê với hàm thiếu tá. Hành trang Sơn mang về quê chỉ là chiếc ba lô đựng mấy bộ quần áo bạc màu, những kỷ niệm, nhiều "tuyệt kỹ" võ thuật học được thời quân ngũ và vài vết thương còn mảnh đạn trong cơ thể. Trước đó, bố mẹ Sơn đã mai mối và hỏi cưới cho Sơn một cô thôn nữ người cùng xã. Ngôi nhà bố mẹ để cho, nơi vợ chồng Sơn ở hiện nay, đã có thêm tiếng cười của những đứa con xinh xắn, khoẻ mạnh đang tuổi cắp sách đến trường.
Làm gì để sống? Không lẽ lại chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán của bà vợ và vài chục đồng lương hưu thiếu tá bộ đội của ông? Vậy là ông xoay trần tìm đủ thứ nghề để... thử vận may, và để sống. Ông đã từng đi buôn thời người dân đổ xô "chạy hàng Tàu", trồng cây cảnh, trồng cây ăn quả... nhưng hầu hết là thất bại. Bản chất người lính "thắng không kiêu, bại không nản" không cho phép ông dừng bước.
Nhiều đêm trăn trở, tại sao không dùng cái sở trường của mình để sống mà lại chạy theo thiên hạ đi dùng sở đoản. Ý định mở lò võ của ông khởi nguồn từ đó. Thật đúng dịp những năm 96-98, miền Bắc là nơi tụ hội của không ít đoàn mãi võ miền Nam: Tây Ninh, Bình Định, Đồng Nai... Võ Tàu, võ ta, võ Thái, thậm chí cả món boxing - quyền Anh cũng được mang lên sàn đấu. Như con gà tức nhau tiếng gáy, nhiều võ sĩ miền Bắc, trong đó có nhiều "tên tuổi" võ học ở Bắc Giang thượng đài. Cũng có thua, có thắng nhưng đúng là những sàn đấu thời đó kích thích đám thanh, thiếu niên ghê gớm.
Lò võ của cựu biệt động Thành Trần Huy Sơn không phải ngoại lệ, võ sinh theo học nườm nượp. Bắt đầu từ những thanh, thiếu niên trong thôn, xã, biết tiếng "thầy" Sơn biệt động giỏi võ tìm đến xin học. Cái tiếng "thầy", tức là thầy võ của ông bắt đầu từ đó. Tuy nhiên, ban đầu lò võ của ông là tự phát, muốn được phép thành lập Câu lạc bộ, phải có danh vị võ sư. Vậy là ông vừa dạy học trò, vừa học và thi để lấy bằng. Có rồi, ông xin phép địa phương thành lập một câu lạc bộ võ thuật cổ truyền và được phép chính thức hoạt động từ năm 1996. Cái tên Lam Sơn, như ông giải thích, không phải lấy nghĩa từ tên ông mà là tên CLB võ thuật ở đơn vị ông khi trước. Đó là đạo nghĩa của người học võ: Không bao giờ quên cội rễ gốc gác võ học của mình.
CLB võ thuật Lam Sơn nức tiếng là nơi đào luyện, cung cấp võ sinh cho nhiều khoá năng khiếu của tỉnh; nơi tổ chức rèn luyện biểu diễn võ thuật cả đội hình hàng trăm người; nơi đào tạo vận động viên thi đấu võ thuật giành nhiều giải thưởng ở các giải hàng tỉnh, hàng huyện... được ra đời như thế. Suốt hàng chục năm từ đó đến nay, với hàng chục khoá võ sinh "tốt nghiệp", võ sư Trần Huy Sơn là người giảng dạy chính. Chưa có võ đường đàng hoàng, ông biến nhà mình thành nơi tập võ, vườn cây thành nơi luyện võ. Ấy vậy mà nhiều người vẫn biết tiếng tìm đến xin học.
Theo võ sư Trần Huy Sơn, CLB Lam Sơn dạy võ sinh theo ba nhóm tuổi, từ 6-11; 12-17 và trên 17 tuổi. Hai nhóm đầu chủ yếu là phát hiện năng khiếu và kết hợp đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cho đội tuyển cấp huyện, tỉnh. Nhóm thứ ba, còn gọi là nhóm phổ thông, ai cũng có thể theo học, nhiều người học chỉ để cho khoẻ, rèn luyện thể chất là chính. Mỗi năm CLB Lam Sơn thu hút khoảng trên dưới 100 võ sinh luyện tập. Từ năm 1997 đến nay, năm nào võ sinh của CLB đi thi đấu cấp tỉnh cũng có giải thưởng. Mỗi năm CLB của ông cung cấp từ hai đến ba người cho đội tuyển võ thuật của tỉnh đi thi đấu quốc gia. Cũng có người từ "lò" Lam Sơn trưởng thành vào công tác trong ngành công an, quân đội, có người làm nhà giáo... Thế nhưng điều mà vị võ sư biệt động Thành này tâm đắc nhất là suốt chừng ấy năm hoạt động, chưa khi nào võ sinh của ông vi phạm đạo đức nhà võ đến mức phải trục xuất, không em nào vi phạm pháp luật. Chuyện gây gổ, đánh nhau bị nghiêm cấm hoặc nếu có vi phạm thì không bao giờ được thừa nhận là võ sinh Lam Sơn nữa.
“Ban đầu mình tính mở lò võ để cải thiện kinh tế gia đình, nuôi con ăn học, vậy mà rốt lại cũng vẫn phải sống nhờ vợ. Bà ấy tài lắm, cấy lúa, nuôi lợn, gà, giờ lại trồng thêm nấm rơm. Túc tắc thế mà đủ nuôi cả chồng lẫn con. Còn "lò" võ của tôi ấy à, các cháu đến học tự đóng góp lấy kinh phí mua sắm trang thiết bị, đi thi đấu chứ có quy định thu nộp gì đâu. Cuối cùng thì vẫn là chuyện phong trào mà. Mình dạy võ, dạy đạo đức cho các cháu, lại góp sức được cho phong trào chung của huyện, của tỉnh, vậy là vui lắm rồi, còn mong gì hơn nữa” – võ sư Trần Huy Sơn cười hiền.