Những tình huống khó và cách xử lý khi thu thập thông tin tại địa bàn trong Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024

|

Những tình huống khó và cách xử lý khi thu thập thông tin tại địa bàn trong Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024

Cuộc Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 được tiến hành trên phạm vi 54 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có 51 tỉnh, thành phố có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và 03 tỉnh, thành phố có các xã/phường/thị trấn (viết gọn là xã) có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Hà Tĩnh.

Đây là cuộc điều tra có quy mô lớn liên quan đến người dân tộc thiểu số, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quản lý và xây dựng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Địa bàn điều tra chủ yếu nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, dân cư phân tán nên rất khó khăn cho tổ chức điều tra thống kê, từ công tác tiếp cận địa bàn, lập bảng kê hộ dân tộc thiểu số đến khâu thu thập thông tin và tổ chức giám sát điều tra. Để nâng cao chất lượng thông tin, phục vụ tốt hơn cho việc xây dựng chính sách cần phải làm tốt tất cả các nhiệm vụ trên, đồng thời nhận thức được các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện cuộc điều tra có tính chất đặc thù này:

So với các cuộc điều tra xã hội khác, đối tượng điều tra vắng mặt tại hộ nhiều hơn vì các lý do du canh, du cư, săn bắt hái lượm, đi đánh bắt hải sản… trong suốt quá trình điều tra. Với trường hợp này, điều tra viên (viết gọn là ĐTV) có thể phỏng vấn những người trưởng thành khác trong hộ. Trường hợp cả hộ có thể vắng mặt trong suốt quá trình điều tra, ĐTV gọi điện hẹn để phỏng vấn trực tiếp chủ hộ và các thành viên trong hộ vào thời gian thích hợp; nếu không được, ĐTV có thể phỏng vấn qua điện thoại.

Đối với những hộ không hợp tác trong quá trình điều tra, ĐTV cần phối hợp với trưởng thôn/xóm/ấp/bản/ phun/sóc/tổ dân phố/khu dân cư (viết gọn là trưởng thôn), già làng, trưởng bản, người có uy tín, bí thư chi bộ, đoàn thanh niên, hội phụ nữ... tại địa phương để vận động, giải thích tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra để đối tượng điều tra hiểu và hợp tác tốt trong quá trình thu thập thông tin.

Trường hợp hộ chết cả hộ, ĐTV phỏng vấn gián tiếp qua người thân quen nắm bắt được nhiều thông tin của hộ hoặc dựa vào tài liệu do người thân hoặc chính quyền cung cấp để nhập thông tin vào phiếu điều tra.

Văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán tại mỗi địa phương của đồng bào dân tộc thiểu số khác nhau nên việc tiếp cận đối tượng điều tra sẽ gặp khó khăn, vì vậy ĐTV trước khi đến địa bàn điều tra cần tìm hiểu kỹ thông tin của địa bàn thông qua trưởng thôn hoặc người am hiểu, thông thuộc địa bàn và phong tục tập quán để công tác thu thập thông tin đạt kết quả tốt nhất.

Công tác thu thập thông tin về lịch sử sinh, sức khỏe sinh sản và tình hình sử dụng các biện pháp tránh thai đối với phụ nữ từ 10 - 49 tuổi, ĐTV phải phỏng vấn trực tiếp từng phụ nữ, tránh sự có mặt của người thứ ba vì sự có mặt của nhiều người khi phỏng vấn thu thập thông tin sẽ không chính xác. Trường hợp phụ nữ từ 10 - 49 tuổi vắng mặt suốt trong quá trình điều tra, ĐTV cần xin số điện thoại để hẹn gặp phỏng vấn vào thời gian thuận tiện, trường hợp không thể gặp trực tiếp ĐTV có thể phỏng vấn qua điện thoại.

Trong quá trình thu thập thông tin tại địa bàn có thể xảy ra trường hợp ĐTV bị mất thiết bị thu thập thông tin, thiết bị thu thập thông tin bị hư hỏng hoặc phần mềm điều tra trên thiết bị thông minh bị gỡ bỏ làm ảnh hưởng đến quá trình thu thập thông tin và bị mất dữ liệu đã điều tra. Để tránh những trường hợp này xảy ra, ĐTV cần bảo quản cẩn thận, sử dụng thiết bị thông minh còn tốt, không đưa những thiết bị này cho người lạ hoặc trẻ nhỏ (vì có thể bị xoá dữ liệu, phần mềm điều tra). Sau khi hoàn thành điều tra tại mỗi hộ dân cư, ĐTV cần đồng bộ dữ liệu về máy chủ để tránh mất dữ liệu đã điều tra. Đối với những địa bàn điều tra không có internet để đồng bộ dữ liệu, ĐTV cần ghi số điện thoại của chủ hộ và một số thông tin cần thiết vào sổ ghi chép để liên lạc khi xảy ra trường hợp dữ liệu bị mất mà chưa kịp đồng bộ được dữ liệu về máy chủ.

Thời gian điều tra bắt đầu từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 đến hết ngày 15 tháng 8 năm 2024 nên một số địa phương thường có mưa to dễ dẫn đến ngập lụt, sạt lở, lũ quét; mặt khác phần lớn đường giao thông di chuyển đến các địa bàn điều tra khó khăn nên ĐTV cần lưu ý xem dự báo thời tiết, tìm hiểu thông tin địa bàn qua những người am hiểu địa hình, văn hóa của địa bàn điều tra để quyết định thời gian di chuyển cho phù hợp. ĐTV cần lên kế hoạch chi tiết, ưu tiên thực hiện thu thập thông tin ở địa bàn khó khăn trước nhằm giảm thiểu rủi ro.

Ngoài ra trong quá trình thu thập thông tin ĐTV cần lưu ý: Tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra trong nhân dân và khi tiếp xúc với hộ; Phối hợp với các ĐTV khác, thực hiện sự chỉ đạo của giám sát viên (viết gọn là GSV) các cấp. Trong thời gian thực thi nhiệm vụ của mình, ĐTV phải chấp hành nghiêm chỉnh sự điều hành và ý kiến đóng góp của GSV các cấp; có tinh thần tương trợ, giúp đỡ các ĐTV khác về nghiệp vụ cũng như công việc chung; Thực hiện đúng phương pháp thu thập thông tin là phỏng vấn trực tiếp chủ hộ (hoặc người trưởng thành am hiểu về các thành viên trong hộ khi chủ hộ đi vắng) là người cung cấp thông tin của hộ và thành viên hộ. Đối với những thông tin về thành viên hộ mà chủ hộ không nắm chắc, ĐTV gặp và phỏng vấn trực tiếp thành viên hộ để thu thập thông tin.

Khi thu thập thông tin về nhà ở, ĐTV hỏi kết hợp với quan sát trực tiếp để thu thập thông tin điều tra. Phỏng  vấn đầy đủ các hộ thuộc địa bàn điều tra đã được giao phụ trách. Việc phỏng vấn ghi thông tin vào phiếu phải tuân thủ đúng những quy định về nghiệp vụ và quy trình phỏng vấn, bảo đảm không điều tra trùng hoặc bỏ sót đối tượng điều tra, cũng như không bỏ sót các câu hỏi trên phiếu điều tra.

Bật định vị thiết bị trong khi tiến hành phỏng vấn, trường hợp không lấy được định vị cần chụp ảnh cuộc phỏng vấn để làm bằng chứng. Điều tra theo đúng tiến độ quy định. Trong suốt quá trình điều tra, ĐTV cần bảo đảm thực hiện đúng quy trình phỏng vấn để thu thập thông tin một cách đầy đủ và chính xác, đồng thời cần kiểm soát tốc độ phỏng vấn nhằm bảo đảm tiến độ điều tra theo đúng quy định.

Khi hoàn thành phỏng vấn hộ ĐTV cần kiểm tra lại các câu trả lời của từng câu hỏi, bảo đảm không bỏ sót cũng như không thừa thông tin ở các câu hỏi, phát hiện các sai sót để sửa chữa kịp thời. Nếu cần thiết, ĐTV phải quay lại hộ để xác minh và sửa phiếu. Việc sửa lỗi phải thực hiện theo đúng quy định. Cuối mỗi ngày điều tra, ĐTV phải kiểm tra lại tất cả các phiếu đã điều tra được trong ngày, kiểm tra lại các thông tin ghi trong phiếu bảo đảm đầy đủ, chính xác và hợp lý; lập kế hoạch trở lại hộ để xác minh thêm thông tin và hoàn thiện các phiếu chưa hoàn thành hoặc còn lỗi. Không được tiết lộ các thông tin đã điền trên phiếu điều tra cho người khác.

GSV các cấp cần bám sát tiến độ, kiểm soát chặt chẽ thông tin điều tra trên trang web điều hành, kịp thời phát hiện lỗi - nhất là lỗi hệ thống nhằm chấn chỉnh kịp thời. Thông tin về dân tộc của thành viên hộ là thông tin cốt lõi, giám sát viên cần phải kiểm soát các lỗi ghi nhầm dân tộc.

Chất lượng số liệu do ĐTV thu thập tại địa bàn điều tra có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như từng cá nhân người dân tộc thiểu số, do vậy việc cung cấp thông tin cho ĐTV đầy đủ, chính xác, kịp thời là góp phần xoá đói giảm nghèo, đưa tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số sớm bắt kịp tiến trình phát triển chung của đất nước./.

Vũ Quốc Dũng

Phòng Thu thập và Quản lý dữ liệu hành chính, Cục TTDL và Ứng dụng CNTT Thống kê - TCTK