Trong 2 ngày 16 và 17/01/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có các hoạt động liên tục tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2024 tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ (WEF).
Hội nghị WEF lần thứ 54 diễn ra từ ngày 15 đến ngày 19/01 tại Thụy Sĩ với chủ đề "Rebuilding Trust - Tái thiết lòng tin". Đây là hội nghị WEF có quy mô lớn nhất từ sau đại dịch COVID-19, với sự tham dự của gần 100 lãnh đạo cấp cao các nước và tổ chức quốc tế, khoảng 3 nghìn lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu. Hội nghị lần này cũng ghi dấu là hội nghị WEF có sự tham dự của nhiều lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế nhất từ trước đến nay.
Hội nghị WEF lần thứ 54 diễn ra từ ngày 15 đến ngày 19/01 tại Thụy Sĩ với chủ đề "Rebuilding Trust - Tái thiết lòng tin". Đây là hội nghị WEF có quy mô lớn nhất từ sau đại dịch COVID-19, với sự tham dự của gần 100 lãnh đạo cấp cao các nước và tổ chức quốc tế, khoảng 3 nghìn lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu. Hội nghị lần này cũng ghi dấu là hội nghị WEF có sự tham dự của nhiều lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế nhất từ trước đến nay.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu với vai trò diễn giả chính tại Phiên đối thoại
chính sách "Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
chính sách "Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chiều 16/1 theo giờ địa phương, tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam với chủ đề: "Chân trời phát triển mới: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam". Phiên đối thoại có sự tham dự trực tiếp của Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF, 100 lãnh đạo, đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp là thành viên của WEF. Nhà bình luận nổi tiếng về quan hệ quốc tế Thomas Friedman, Tạp chí New York Times, tác giả cuốn sách Thế giới phẳng, là người điều phối Phiên đối thoại.
Đáng chú ý là, Việt Nam là một trong 9 đối tác được WEF đề xuất phối hợp tổ chức Đối thoại chiến lược quốc gia với WEF và Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong 8 lãnh đạo các nước có phiên đối thoại riêng với WEF. Điều này đã thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của WEF cũng như các tập đoàn đa quốc gia đối với vai trò, vị thế, quốc tế, những thành tựu và tầm nhìn phát triển của Việt Nam.
Phiên đối thoại chính sách của Việt Nam được WEF đề xuất, xác định là một phiên điểm nhấn tại Hội nghị. Phiên đối thoại diễn ra vào thời điểm then chốt, giúp thúc đẩy quan hệ với các đối tác và chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, là điểm đến đầu tư hấp dẫn, là thành viên trách nhiệm và là hình mẫu trong nhiều mặt, lĩnh vực của cộng đồng quốc tế.
Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF đánh giá Việt Nam không chỉ là một ngôi sao ở khu vực Đông Á mà còn đang trong quá trình chuyển đổi thành một quốc gia có ảnh hưởng kinh tế ở tầm thế giới. Đồng thời, Chủ tịch WEF bày tỏ tin tưởng vào vai trò ngày càng gia tăng của Việt Nam và cho biết, Việt Nam thực sự trở thành một trong những quốc gia tiên phong về phát triển nền kinh tế xanh và thông minh.
Tại WEF, Việt Nam đã khẳng định một số định hướng, quan điểm xuyên suốt của Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Để thúc đẩy chuyển đổi, kiến tạo, mở ra các động lực tăng trưởng mới, Việt Nam sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính, đó là: Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật; tập trung phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
WEF nhận định Việt Nam là một trong những nước được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhất tại Hội nghị lần này, chủ đề của Đối thoại quốc gia được lựa chọn với niềm tin Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực theo hướng bền vững hơn, đóng góp và có vai trò ngày càng quan trọng với kinh tế toàn cầu.
Sáng 17/1 theo giờ địa phương, Việt Nam chủ trì tọa đàm "Việt Nam - Điểm đến hàng đầu ASEAN về đầu tư bền vững". Tọa đàm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva, Tổ chức Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ toàn cầu (YPO) và Quỹ VinaCapital phối hợp tổ chức. Tại đây, các nhà đầu tư và đại diện YPO phát biểu đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đối thoại cởi mở, chân thành, thẳng thắn, cùng tìm ra những cơ hội mới và thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, chia sẻ về kế hoạch đầu tư thời gian tới.
Chiều 17/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu với tư cách diễn giả chính tại phiên thảo luận "Bài học từ ASEAN" trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos năm 2024. Cùng thảo luận có Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, Chủ tịch Hạ viện Philippines Ferdinand Martin G. Romualdez, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala và sự tham dự của đông đảo đại diện các nước, vùng lãnh thổ và các tập đoàn, doanh nghiệp là thành viên của WEF. Tại đây, các diễn giả đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng đoàn kết ASEAN và đóng góp trách nhiệm, chung tay cùng các nước thành viên ASEAN trong xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu. Đồng thời, nhiều lần nhấn mạnh và bày tỏ đồng tình với các ý kiến, quan điểm và tầm nhìn của Thủ tướng về cách tận dụng cơ hội cũng như xử lý các thách thức trong tiến trình hội nhập, hợp tác cùng thắng của ASEAN và khẳng định sự đoàn kết, thống nhất trong ASEAN, đồng thuận duy trì cách tiếp cận khách quan, công bằng, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN đóng góp cho quá trình toàn cầu hóa.
Tối 17/1 theo giờ địa phương, tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì tọa đàm "Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam" với sự tham dự của các cựu nguyên thủ và lãnh đạo các tập đoàn tài chính lớn. Tại Tọa đàm, Việt Nam được nhận định là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong những năm qua và đang trên đường trở thành một trung tâm tài chính và hoàn toàn có thể tạo bước nhảy vọt trong lĩnh vực này, đại diện các tập đoàn, ngân hàng bày tỏ ấn tượng về những thành tựu của Việt Nam sau đại dịch COVID-19.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ và tiếp nhiều Nhà lãnh đạo quốc gia như: Thủ tướng Campuchia Hun Manet; Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd và người đứng đầu các tổ chức quốc tế, tập đoàn lớn của thế giới như: Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD); Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO); Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI); Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); Tập đoàn Skandinaviska Enskilda Banken (SEB – Thụy Điển)…
P.V