Bước ra từ truyền thống
Tương truyền, có một người đàn ông từ châu Bảo Lạc (Cao Bằng) xuôi dòng trên chiếc thuyền nan, dừng lại bên bờ Trà Lý rồi truyền nghề chạm kim khí cho người dân trong làng. Còn theo văn bia tại đền thờ Nguyễn Kim Lâu - Tổ nghề chạm bạc là người đã truyền nghề cho dân: vào thời nhà Nguyễn, các nghệ nhân Đồng Xâm đã vào Huế để chạm trổ cung kiếm, đồ trang sức cho triều đình. Những người thợ giỏi ấy đã cùng các thợ bạc ở Châu Khê, Định Công lập ra phố Hàng Bạc ở Hà Nội ngày nay.
Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm được nhiều người biết đến bởi từ xa xưa, từ cha truyền con nối, người thợ ở đây vẫn lưu giữ được kỹ thuật thúc nổi các họa tiết, hoa văn sắc nét và tinh xảo chỉ bằng những đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú của mình. Cô Đinh Tình, một người chạm bạc có gia đình bốn đời làm thợ ở Đồng Xâm chia sẻ: “Khi chạm bạc, tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc, ngoài kỹ năng chạm tinh xảo các sản phẩm, kinh nghiệm xử lý tương phản ánh sáng trên mỗi sản phẩm cũng được xem là một bí quyết mà chỉ các nghệ nhân chạm bạc ở Đồng Xâm mới có”.
Nghề chạm bạc chia ra ba phương thức chế tác chính: Chạm, đậu và trơn. Làng Đồng Xâm chuyên về chạm. Có thể nói đây là phương thức khó nhất, đòi hỏi sự tập trung cao từ người thợ. Chỉ một sai sót nhỏ có thể làm hỏng toàn bộ sản phẩm. Nhiều người thợ có thể chạm khắc thành sản phẩm nhưng chỉ có các nghệ nhân đạt tới trình độ điêu luyện mới có thể tạo ra những sản phẩm tinh xảo.
“Dù hiện nay đã có nhiều máy móc hiện đại, rút gọn một vài công đoạn nhưng có những công đoạn vẫn phải do con người thực hiện, nhất là những kỹ thuật được coi là bí truyền trong mỗi gia đình chỉ người làng Đồng Xâm mới làm được”, nghệ nhân Đồng Xâm Đinh Quang Thắng tự hào cho biết.
Biết chạm khắc trước khi biết chữ
Trong căn nhà ở một con hẻm nhỏ trong ngõ chợ Khâm Thiên (Hà Nội), tiếng chạm khắc của những người thợ Đồng Xâm vẫn đều đặn mỗi ngày. Cũng như trẻ con ở làng, chàng trai Nguyễn Văn Thượng lớn lên trong tiếng đục, tiếng chạm của cha ông mình và cũng biết chạm trổ rồng phượng từ khi còn chưa biết chữ. 33 tuổi, nhưng anh Thượng đã có 18 năm chính thức làm thợ, chưa kể thời gian học nghề. Anh Thượng kể: “Hồi xưa, những người thợ ở làng Đồng Xâm có kỹ thuật giỏi nhất sẽ được tuyển chọn vào cung để chạm trổ. Ở quê tôi vẫn còn lưu giữ những phong tước cho người thợ làng Đồng Xâm của Vua ban, lưu lại trong Đền thờ ông Tổ nghề Nguyễn Kim Lâu. Cũng yêu làng nghề quê mình lắm, nhưng điều kiện kinh tế khiến tôi và nhiều thanh niên ở Đồng Xâm buộc phải bươn trải khắp nơi, kiếm thu nhập bằng nghề kim hoàn”. Nói đến đây, giọng Thượng như trầm xuống. Ánh mắt anh ngước lên nhìn một bức tranh chạm đồng được treo ở chỗ dễ thấy và trang trọng nhất trong căn phòng nhỏ.
Không có điều kiện mở xưởng, cũng chưa có cửa hàng, cả gia đình anh Thượng đều đi làm thuê cho những xưởng chạm trong làng. Đến thế hệ của anh Thượng, nhiều thanh niên của Đồng Xâm đã chọn con đường mưu sinh, làm thợ kim hoàn chốn thị thành nhưng trong lòng họ vẫn luôn đau đáu mong muốn được giữ nghề, giữ hồn cốt của công việc nhọc nhằn, bởi với những người thợ ấy, đó là niềm tự hào chưa từng thay đổi.
Ba đời gắn bó với nghề chạm khắc vàng bạc, nhưng đến nay, anh Nguyễn Văn Thượng chỉ chủ yếu tập trung chế tác các sản phẩm từ vàng để bán ra thị trường. Vẫn chạm khắc những sản phẩm truyền thống bằng đồng, bằng bạc nhưng đơn hàng không còn nhiều như trước. Nếu có thời gian, anh lại tranh thủ ngồi chạm, khắc, gò tỉ mẩn từng họa tiết hoa văn mà mình yêu thích. Anh gọi đó là những tác phẩm, bởi mỗi nét điêu khắc, chạm trổ trên sản phẩm đều là những sáng tạo từ tưởng tượng, theo văn hóa và kỹ thuật của từng người thợ.
Anh Thượng vừa thoăn thoắt làm việc, vừa kể cho chúng tôi nghe về những người cùng thế hệ như mình, thanh niên làng Đồng Xâm. Họ đi khắp nơi để làm thợ kim hoàn. Bố của anh Thượng cũng vẫn duy trì công việc liên quan đến bạc, nhưng hiện ông chỉ bịt bạc trên các sản phẩm chén, bát, gốm sứ Bát Tràng.
Làm thợ từ khi còn bé, được đào tạo bài bản, cả thời trẻ của bà Đỗ Thị Hương (sinh năm 1945) - mẹ của anh Thượng đều gắn với hợp tác xã, ăn cơm gạo tem phiếu và chạm bạc. “Ông nội và các bác, các chú của tôi cũng là thợ chạm, cho nên ngay từ bé, tôi đã học từ cách rong chỉ, chạm tròn, chạm hoa lá, cây cỏ rồi theo thời gian, mới được học chạm những sản phẩm khó hơn. Bây giờ, thị trường ngày càng khó khăn nhưng thế hệ trẻ của làng lại không cần mẫn, chịu khó học nghề như chúng tôi ngày xưa, thậm chí có người còn chạm con rồng bị ngược, chạm vẩy rồng chỗ nào dùng bằng ve to, chỗ nào chạm bằng ve nhỏ cũng chưa chắc đã biết”, bà Hương tiếc nuối. Ngày ấy, những người thợ trong làng Đồng Xâm đều chạm khắc theo trí tưởng tượng và kỹ năng học được từ cha ông. Từ một mẫu phác thảo, người thợ sẽ chạm trổ giống 80% đến 95% dựa trên hình ảnh ấy, tùy tay nghề từng người.
Tìm hướng đi để giữ nghề
Anh Thượng gọi căn nhà mình đang thuê là “xưởng kim hoàn” với hai người thợ, vợ và mẹ, tất cả có năm người, nhưng nhân lực chính là anh với hai người thợ cùng làng Đồng Xâm.
Cũng theo anh Thượng, rất nhiều người thợ giỏi nhưng điều kiện kinh tế không cho phép họ thể hiện tình yêu với nghề truyền thống. Một phần do những sản phẩm chạm khắc đòi hỏi người thợ mất rất nhiều tâm sức và thời gian cho nên thù lao cần cao hơn so với một sản phẩm công nghiệp. Đó là một trở ngại lớn khiến số lượng đơn hàng ngày một ít đi. Khi người thợ không có nhiều việc để làm, họ sẽ phải chuyển sang làm theo thời vụ, thậm chí chuyển sang một công việc khác để bảo đảm cuộc sống gia đình.
Nhiều năm trước, có nhiều khách hàng trong nước và cả những khách nước ngoài từ các nước Nga, Lào rất ưa chuộng các sản phẩm chạm khắc của làng Đồng Xâm. Khi ấy, hầu hết các gia đình đều mở xưởng. Hiện nay, vẫn có khách hàng đặt làm những sản phẩm đòi hỏi chạm khắc mỹ thuật cao, tuy nhiên tiền công lại không cao.
So với nhiều nghề truyền thống khác, nghề chạm khắc ở Đồng Xâm vẫn đang được duy trì, bởi giữ được chất lượng và sự khác biệt. Để làm ra một sản phẩm chạm bạc hoàn chỉnh, cần tới 10 công đoạn. Trong đó quan trọng nhất là các công đoạn: Trơn (cắt xẻ nguyên liệu, đấu chi tiết), đậu (chạm những họa tiết hoa văn) và chạm (kỹ thuật quyết định sự tinh xảo hay không của sản phẩm).
Hiện nay, những người thợ như anh Thượng vẫn nhận được lời đề nghị hợp tác để phát triển những sản phẩm cần nhiều kỹ thuật chạm khắc, cả tranh, đồ trưng bày cho đến trang sức từ những đơn vị kinh doanh vàng bạc. Thương hiệu Bạc Cộng của doanh nhân Đào Thu Trà (sinh năm 1992) là một đơn vị như thế. Chị cho biết, hợp tác với nhiều xưởng chế tác nhưng các sản phẩm thủ công của công ty được người tiêu dùng ưa chuộng, nhất là những trang sức được chế tác từ chất liệu bạc.
Tốt nghiệp Khoa Kiến trúc - Trường đại học Xây dựng (Hà Nội), doanh nhân Thu Trà kể về lý do muốn gắn bó với kỹ thuật tạo nên những sản phẩm kim hoàn thủ công: “Tiếp xúc với nghề kim hoàn, thợ làng nghề làng Đồng Xâm từ những năm đầu đại học, tôi đã nảy sinh ý tưởng: Tại sao chúng ta không làm gì đó để gìn giữ những giá trị truyền thống làng nghề? Tôi muốn du khách khi đến Việt Nam hay trên các kênh thương mại điện tử đều biết đến một thương hiệu trang sức mang đậm tính truyền thống”. Chị Thu Trà cũng hy vọng tạo được hiệu ứng cho các bạn trẻ khởi nghiệp cùng sáng tạo dựa trên những nền tảng truyền thống với thông điệp “trang sức thủ công - hồn dân tộc”.
Nhắc về làng nghề và kỹ thuật chạm khắc với sản phẩm mang giá trị truyền thống, đôi mắt anh Thượng vẫn ánh lên niềm tin về sự gìn giữ và khát khao được trở lại thời kỳ thịnh vượng của Đồng Xâm: “Ngoài câu chuyện cơm áo, còn là tình yêu với nghề mà cha ông bao đời truyền lại. Tôi vẫn đau đáu nghĩ về làng của mình, với nghề đã gắn bó với tôi ngay từ lúc sinh ra cho đến tận bây giờ. Ở làng tôi vẫn còn nhiều thợ rất giỏi. Vẫn có những khách hàng hiểu được giá trị sáng tạo của người thợ để chúng tôi toàn tâm toàn ý làm ra sản phẩm tốt. Số lượng đơn hàng như thế không nhiều, nhưng cũng đủ để tôi không quên: Tôi là người thợ chạm khắc làng Đồng Xâm”.