Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh khẳng định, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định Nhật Bản là một trong những địa bàn trọng điểm, đối tác, nhà đầu tư chiến lược toàn diện để thu hút đầu tư.
Trong lĩnh vực du lịch, khách từ Nhật Bản chiếm khoảng 4% tổng số khách quốc tế lưu trú tại Quảng Ninh trong thời kỳ cao điểm trước đại dịch Covid-19.
Năm 2023, thị trường khách du lịch Nhật Bản đến Quảng Ninh đạt khoảng 12.300 lượt khách, chiếm khoảng 1,5% thị trường khách quốc tế đến Quảng Ninh.
Tin liên quanTỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và tỉnh Hokkaido (Nhật Bản) hội đàm và ký kết thỏa thuận hợp tác
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh mong muốn, trong thời gian tới, 2 tỉnh tăng cường đẩy mạnh hợp tác xúc tiến quảng bá điểm đến thông qua các phương tiện truyền thông đa phương tiện, trao đổi đoàn, nhất là các đoàn famtrip, tổ chức roadshow quảng bá du lịch, nghiên cứu phát triển đường bay qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và sân bay Chitose mới.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh phát biểu tại Hội thảo. |
Tại hội thảo, các ý kiến phát biểu đã tập trung vào nêu thực trạng và giải pháp nâng cao khả năng hợp tác, phát triển du lịch, trao đổi nguồn nhân lực giữa tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và tỉnh Hokkaido (Nhật Bản), mở ra cơ hội hợp tác về du lịch, trao đổi nguồn nhân lực giữa 2 địa phương và góp vào thành công chung của Lễ hội Hokkaido tại Hạ Long năm 2023.
Theo các đại biểu, để gắn kết 2 tỉnh, cần tăng cường các hoạt động kết nối, trong đó việc thành lập Trung tâm ngôn ngữ Việt-Nhật tại Đại học Hạ Long đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản giúp 2 địa phương có nhiều cơ hội trao đổi tình nguyện viên, chuyên gia Nhật Bản sang giảng dạy, hỗ trợ giảng dạy tiếng Nhật cho sinh viên tỉnh Quảng Ninh, nhất là hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực về du lịch cho 2 địa phương.
Lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo. |
Tỉnh Quảng Ninh mong muốn qua hội thảo này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hokkaido trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực du lịch và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Cùng với đó, 2 địa phương cần tiếp tục tăng cường hoạt động hợp tác phát triển du lịch ở các lĩnh vực: hợp tác quản lý điểm đến, có cơ chế hỗ trợ và tăng cường hợp tác, trao đổi giữa các doanh nghiệp du lịch, hợp tác xúc tiến quảng bá du lịch. 2 địa phương cần thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, phát triển lượng khách trao đổi giữa 2 địa phương.