Bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch bền vững ở hồ Nhĩ Hải, Trung Quốc

|

NDO - Với quyết tâm của chính quyền và người dân, cộng với chính sách và cách làm hiệu quả, hồ Nhĩ Hải lớn thứ hai ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã thoát khỏi ô nhiễm và trở thành hình mẫu trong việc khôi phục, bảo vệ môi trường và tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

Là một tỉnh miền núi của Trung Quốc, Vân Nam được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều hồ nước lớn. Với điều kiện tự nhiên nằm trên cao nguyên, những hồ nước này không chỉ có tác dụng điều hòa nguồn nước, không khí cho khu vực, mà còn là nguồn sinh kế cho người dân địa phương.

Hồ Nhĩ Hải là hồ lớn thứ 2 trên cao nguyên ở tỉnh Vân Nam và là hồ nước ngọt lớn thứ 7 của Trung Quốc, nằm ở độ cao 1.966m so mực nước biển, có diện tích mặt hồ 252km2 với chu vi 129km, dung lượng 2.959 tỷ m3 nước, độ sâu trung bình 10,8m, chỗ sâu nhất lên tới 21,3m. Hồ Nhĩ Hải nằm trong hệ thống sông Mê Công-Lan Thương do 27 nhánh sông đổ vào, có chức năng cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu nông nghiệp, phát điện, điều hòa khí hậu, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển đường sông và du lịch.

Cây thủy sam trên hồ Nhĩ Hải.

Khôi phục môi trường sinh thái, cải thiện chất lượng nguồn nước

Trước kia, người dân địa phương tận dụng ưu thế tự nhiên vùng hồ tập trung sản xuất bằng phương thức thâm canh trong một thời gian dài như nuôi cá lồng bè, chăn nuôi gia súc, canh tác nông nghiệp sử dụng nhiều hóa chất, xả thải nước sinh hoạt trực tiếp ra hồ... Điều này đã dẫn đến hệ quả ô nhiễm môi trường, suy giảm chất lượng hệ sinh thái vùng hồ. Hồ Nhĩ Hải đã nhiều lần xảy ra hiện tượng tảo lam xâm chiếm toàn bộ hồ, khiến chất lượng nước sụt giảm nghiêm trọng.

Công nhân môi trường thu dọn vệ sinh mặt hồ.

Đứng trước vấn đề nghiêm trọng về môi trường sinh thái, chính quyền và người dân địa phương đã tham gia công tác khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái hồ Nhĩ Hải. Một cơ chế quản lý và bảo vệ hồ Nhĩ Hải được thành lập với ban chỉ đạo ở cấp tỉnh; ban chỉ huy ở cấp thành phố, huyện; tổ công tác ở cấp tổ dân phố, thôn để triển khai nhiệm vụ cụ thể theo tuần/tháng, đồng thời cũng phát huy vai trò đầy đủ của người dân địa phương-chủ thể sinh sống trực tiếp bên hồ.

Hoa Ottelia chỉ nở khi nước hồ đạt đến độ sạch nhất định.

Bằng những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, các nguồn gây ô nhiễm trực tiếp cho hồ Nhĩ Hải đã cơ bản được giải quyết với một hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt được xây dựng gồm 19 nhà máy có mạng lưới đường ống thu gom nước thải dài 4.660km; hơn 149 nghìn bể phốt tự hoại được xây dựng.

Ngoài ra, chính quyền địa phương còn ban hành các quy định hành chính như dừng nuôi cá lồng bè, dừng sử dụng thuyền máy trên hồ; không chăn nuôi ở khu vực ven hồ; chuyển đổi canh tác nông nghiệp sang trồng rừng với diện tích 270 nghìn mẫu (Trung Quốc) hoặc chỉ được phép sản xuất nông nghiệp xanh với diện tích 207,4 nghìn mẫu; hình thành vùng đất ngập nước ven hồ với diện tích 40 nghìn mẫu được trồng nhiều loại thực vật, thủy sinh...

Rừng cây thủy sam ở vùng đất ngập nước ven hồ.

Dưới sự chỉ đạo của chính quyền, sự tham gia của doanh nghiệp và sự ủng hộ của người dân, công tác khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái hồ Nhĩ Hải đã đạt được một số kết quả ban đầu. Chất lượng nước hồ Nhĩ Hải đạt mức tiêu chuẩn “tốt” liên tiếp trong 3 năm 2020, 2021 và 2022. Trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn duy trì ở mức “tốt”, khi chỉ số độ trong của nước hồ đạt mục tiêu đề ra. Công tác quản lý, bảo vệ môi trường sinh thái hồ Nhĩ Hải đã trở thành một hình mẫu về giám sát bảo vệ môi trường ở Trung Quốc.

Đường đi dạo ven vùng đất ngập nước trồng cây thủy sam.

Phát triển du lịch sinh thái-sinh kế bền vững cho người dân

Nằm giữa hai thành phố du lịch nổi tiếng của tỉnh Vân Nam là Đại Lý và Lệ Giang, hồ Nhĩ Hải ngay dưới chân núi Thương Sơn-lá phổi xanh của thành phố Đại Lý có phong cảnh tự nhiên tươi đẹp, không khí trong lành, và trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Một góc hồ Nhĩ Hải.

Một trong những dự án quan trọng trong việc khôi phục, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch ở hồ Nhĩ Hải là “Hành lang sinh thái hồ Nhĩ Hải”.

Dự án đã khôi phục sinh thái vùng đệm và kiến tạo vùng đất ngập nước xung quanh hồ, quy hoạch xây dựng điểm du lịch hồ Nhĩ Hải với tổng diện tích 790 ha, xây dựng hành lang sinh thái ven hồ dài 129km, hoàn thành 30km đường ống thu gom nước thải, tái định cư 1.806 hộ gia đình của 23 thôn chung quanh hồ. Việc hoàn thành dự án đã góp phần kiểm soát hiệu quả tải lượng ô nhiễm chảy vào hồ, cải thiện chất lượng nước hồ, tăng tính đa dạng sinh học và sự ổn định của hệ thống thủy sinh hồ Nhĩ Hải, đồng thời cũng cải thiện bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Cảnh quan tươi đẹp, môi trường trong lành, đường phố khang trang, hồ Nhĩ Hải đã trở thành điểm đi dạo, thư giãn, tập thể dục lý tưởng của người dân.

Con đường uốn lượn ven hồ của dự án hành lang sinh thái hồ Nhĩ Hải.

Đặc biệt, hành lang sinh thái ven hồ đã góp phần thúc đẩy cách làm du lịch địa phương phát triển theo hướng bền vững. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp xanh và khai thác giá trị du lịch từ các dự án này như dự án trồng lúa hữu cơ với diện tích 500 mẫu, trong đó có 120 mẫu trồng 11 loại lúa có màu sắc khác nhau như: vàng, trắng, đen, tím, hồng, đỏ... và trở thành điểm check-in được yêu thích và giới thiệu trên nhiều nền tảng mạng xã hội.

Kiến trúc tường trắng ngói đen với họa tiết trang trí xanh lam đặc trưng.

Thời gian du lịch hồ Nhĩ Hải đẹp nhất là vào mùa thu, đầu đông khi những hàng cây thủy sam ngả vàng hay chuyển đỏ soi bóng bên mặt hồ nở đầy hoa Ottelia trắng-một loại thực vật thủy sinh chỉ nở hoa khi nước hồ đạt đến độ sạch nhất định. Đây cũng là thời điểm những đàn chim trên đường di cư xuống phía nam tránh đông tập trung chung quanh hồ kiếm ăn.

Dọc theo con đường bên hồ là những ngôi nhà, khách sạn, dịch vụ home-stay, nhà hàng... được xây dựng theo lối kiến trúc tường trắng ngói đen, trang trí bằng các họa tiết hoa văn xanh lam làm càng nổi bật hơn nắng thu vàng. Phía bên kia đường là các bãi sỏi ven hồ trở thành điểm cắm trại dã ngoại, vui chơi của gia đình, trở thành điểm chụp ảnh cưới, chụp trang phục truyền thống của các bạn nam thanh nữ tú.

Công tác khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái hồ Nhĩ Hải đã bước đầu đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, chính quyền và người dân nơi đây đặt mục tiêu tiếp tục cải thiện chất lượng nước hồ, kiến tạo môi trường sinh thái ổn định, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, để đem lại nhiều hiệu quả hơn nữa cho địa phương.

Một góc ngắm toàn cảnh hồ Nhĩ Hải.

Đôi bạn trẻ chụp ảnh trong trang phục truyền thống.

Thiếu nữ chụp ảnh bên hồ.

Cặp đôi chụp ảnh cưới bên bờ hồ.