Cùng đắc cử vào năm 2009, sau gần sáu năm đồng hành, trong quá trình giải quyết những vấn đề Trung Đông Thủ tướng B. Netanyahu và Tổng thống B. Obama ngày càng rơi vào tình cảnh “việc ai người ấy làm”.
Khởi nguồn cho sự khác biệt chính là cách tiếp cận của hai nhà lãnh đạo. Trong khi Thủ tướng Netanyahu vẫn giữ quan điểm “cứng rắn” truyền thống, thì nhà lãnh đạo Mỹ lại cho rằng “cần phải thay đổi”, cụ thể là cần thay đối đầu bằng đối thoại. Trong thời gian đầu cầm quyền, mối quan hệ đồng minh truyền thống toàn diện và đáng tin cậy nhất đã khỏa lấp đi sự khác biệt này. Tuy nhiên, cùng với thời gian, tính thiếu hiệu quả (tất nhiên theo cách nhìn của phía Israel) của những giải pháp đưa ra từ phía Nhà Trắng khiến giới chức Israel không thể kiên nhẫn thêm.
Dù không đồng ý với ý tưởng “sẵn sàng chìa tay với cộng đồng Hồi giáo” trong Tuyên bố Cairo (tháng 6-2009) của Tổng thống Obama, nhưng rồi Thủ tướng Netanyahu vẫn chấp nhận nối lại đàm phán với chíng quyền của Tổng thống Palestin Mahmoud Abbas. Tiến trình đàm phán mau chóng bị ngưng trệ vào năm 2010, sau khi lực lượng Hamas thắng cử (riêng đối với Hamas, chính quyền Natanyahu kiên quyết không hợp tác, vì luôn coi đây là nhóm khủng bố). Sau ba năm, tháng 7-2013, dưới sức ép và cả sự “nhiệt tình” của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đối thoại Issrael – Palestin lại được nối lại, nhưng rồi cũng chịu chung số phận như hồi năm 2010 sau khi Tổng thống M. Abbas có những hành động mà Tel Aviv không thể chấp nhận, như hòa giải với Hamas hay nỗ lực đạt sự công nhận ngoại giao của các tổ chức quốc tế UNESCO, Tòa án Hình sự quốc tế v.v, đặc biệt là những vụ nã pháo, rốc két của Hamas sang lãnh thổ Israel vẫn diễn ra. Quan điểm quyết không nhân nhượng trong vấn đề lãnh thổ, đơn cử như Đông Jerusalem, các khu tái định cư tại Bờ Tây của chính quyền Netanyahu đã khiến mọi nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông của Nhà Trắng lâm vào bế tắc. Cuộc chiến tại Dải Gaza hồi tháng 7-2014 đã đẩy chính quyền Obama vào tình trạng “dở khóc, dở cười”: trong lúc Ngoại trưởng J. Kerry đang nỗ lực gây sức ép để buộc Israel đình chiến thì Quốc hội lại thông qua Dự luật tài trợ 225 triệu USD cho việc bổ sung hệ thống tên lửa đánh chặn “Vòm Sắt” cho Tel Aviv.
Ngược lại, chính quyền Thủ tướng Netanyahu cũng bị rơi vào tình trạng tương tự hồi tháng 3-2013 trong vụ sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Trong lúc không Israel tiến hành các đợt không kích nhằm vào Syria thì Tổng thống Obama lại chấp nhận phương án của Nga về việc giải giáp kho vũ khí hóa học bằng một thỏa thuận hòa bình với Bagdad. Trong vấn đề tài trợ vũ khí cho các lực lượng đối lập tại Syria, Thủ tướng Netanyahu cũng không ít lần chỉ trích thái độ thiếu dứt khoát của Nhà Trắng.
Trước thềm cuộc bầu cử, mâu thuẫn giữa hai bên bị đẩy lên đến đỉnh điểm trong vấn đề hạt nhân của Iran. Tuy đều có chung mục tiêu ngăn chặn khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran, nhưng khi một thỏa thuận hạt nhân sắp đạt được giữa nhóm P5+1 với Iran (theo dự kiến, các bên sẽ đạt được thỏa thuận về những vấn đề kỹ thuật gai góc nhất cho một hiệp định hạt nhân chính thức vào cuối tháng 3-2015 này) thì Thủ tướng Natanyahu lại phản đối gay gắt. Thậm chí, bất chấp những hành động ngăn cản của Nhà Trắng, Thủ tướng Netanyahu vẫn thực hiện chuyến công du Washington và đã có một bài phát biểu hôm 3-3-2015 tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Ông Netanyahu đã công khai chỉ trích thỏa thuận hạt nhân mà Nhà Trắng đang hướng tới là “một thỏa thuận tồi”. Hiệu ứng tức thì từ bài phát biểu là sự lây lan mối bất hòa sang nội bộ hai nước. Ngày 9-3-2015, 47 Thượng nghị sĩ Cộng hòa gửi lãnh đạo Iran lá thư ngỏ (Tổng thống Obama gọi đây là “sự mỉa mai không xứng tầm với vai trò của Quốc hội”) đe dọa sẽ tìm cách xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân. Còn tại Israel, ngày 14-7-2015, hàng ngàn người dân đã tụ tập tại Tel Aviv để phản đối Thủ tướng Netanyahu với khẩu hiệu “Israel muốn thay đổi”.
Mặc dù đang có những quan điểm trái chiều như trên, đặc biệt là về hiệp định hạt nhân với Iran, nhưng chính việc đảng cánh hữu Likud của Thủ tướng Netanyahu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử (Likud giành được 30/120 ghế, chiếm 23,26% số phiếu) lại khiến cho tương lai của mối quan hệ đồng minh Israel – Mỹ trở nên khó đoán định hơn nhiều, chí ít là trong so sánh với trường hợp nếu đảng Liên minh phục quốc Do Thái (ZU) - đảng có quan điểm ôn hòa giành thắng lợi. Bởi lẽ, kết quả của cuộc bầu cử đang khiến cả Thủ tướng Netanyahu (tuy còn phải chờ kết quả liên minh với các đảng khác để có thể thành lập được chính phủ mới, nhưng khả năng tại vị của ông Netanyahu là rất cao) lẫn Tổng thống Obama rơi vào tình trạng hết sức khó xử.
Xét từ phía Thủ tướng Netanyahu, tuy đang có những bất đồng với chính sách Trung Đông của chính quyền Obama nhưng ông cũng thừa hiểu Mỹ vẫn là chỗ dựa tin cậy, thậm chí là nước bảo trợ duy nhất của Israel tại Liên Hợp Quốc. Dù có được sự hậu thuẫn của các nghị sĩ đảng Cộng hòa nhưng nếu ông Netanyahu vẫn tiếp tục chống đối Nhà Trắng thì chính Israel mới là phía chịu bất lợi nhiều hơn, chí ít là trong hai năm Tổng thống Obama vẫn còn tại vị. Trước tuyên bố "sẽ không có nhà nước Palestine" của Thủ tướng Netanyahu trước thềm cuộc bầu cử, ngày 19-3-2015, thông điệp rõ ràng của Nhà Trắng được phát ngôn viên, ông John Eames khẳng định: "Chúng tôi (chính quyền Obama) đang xem xét lại tổng thể quan hệ đồng minh với Israel, bởi giới chức nước này đang đi ngược lại chính sách truyền thống của Mỹ về vấn đề hai nhà nước Israel và Palestin". Trước cuộc đàm phán P5+1 với Iran, một tiến trình mà giờ đây Israel không đủ khả năng đảo ngược, thì rõ ràng ông Netanyahu cũng không thể nhắc lại phản ứng như cái cách đã làm trước đó. Hơn thế, với chính sách cứng rắn Thủ tướng Netanyahu khiến cho người dân Israel thường xuyên trong tình trạng bất an, như lời nhận xét của ông Meir Dagan, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Israel Mossad: “Ông Benjamin Netanyahu làm Thủ tướng sáu năm liên tiếp. Trong thời gian này, Israel chưa bao giờ bị sa lầy như vậy. Trong sáu năm ông Netanyahu chưa đưa ra được một sáng kiến để thay đổi trong vùng hay tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn”. Tuy nhiên, nếu ông Netanyahu chấp nhận đồng thuận với Washington thì chẳng khác nào đi ngược lại cương lĩnh tranh cử, và chắc chắn sẽ bị chỉ trích vì đã sử dụng chính sách của phe đối lập - đảng Liên minh phục quốc Do Thái.
Ngược lại, tuy không hề dễ chịu với sự chống đối của Thủ tướng Netanyahu, nhưng Tổng thống Obama cũng khó có thể đoạn tuyệt với đồng minh truyền thống này. Israel vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng trong chính sách Trung Đông của Nhà Trắng, đặc biệt trong việc kiềm chế Iran hay cuộc chiến chống khủng bố tại đây. Ngoài ra, sức ép của gần 6 triệu cử tri người Mỹ gốc Do Thái, không ít trong số đó đang sống tại phố Wall, là không hề nhỏ. Nhưng nếu lại tiếp tục chính sách "cưng chiều" Israel thì rất nhiều dự án tại Trung Đông đứng trước nguy cơ có thể phá sản. Đơn cử như hiện tại, phản ứng của chính quyền Netanyahu đang trở thành rào cản đối với tham vọng đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, điều mà Tổng thống Obama rất cần, bởi vừa để có thể khép lại một trong những hồ sơ khiến nước Mỹ tốn nhiều công sức, tiền của nhất, vừa tạo lợi thế trước phe Cộng hòa trong cuộc bầu cử 2016. Cũng cần bổ sung thêm, trong một thời gian dài, việc ủng hộ Israel còn khiến nước Mỹ luôn trong tình trạng hết sức khó xử với những đồng minh Ả rập tại Trung Đông.
Mâu thuẫn giữa các quốc gia, kể cả là giữa các đồng minh, là điều rất đỗi bình thường trong đời sống quốc tế, sự khác biệt chỉ là cách giải quyết. Bởi vậy, cộng đồng quốc tế đang trông đợi những tác động của kết quả cuộc bầu cử quốc hội tại Israel tới mối quan hệ đồng minh truyền thống Isarael – Mỹ.