Trước cuộc tổng tuyển cử, không một nhà phân tích nào, không một cơ quan thăm dò dư luận nào ở Ấn Độ cũng như trên thế giới lại cho rằng Đảng Quốc đại sẽ thắng cử. Nhưng gương mặt cương nghị và đầy lo âu của bà Sonia Gandhi đã sáng bừng lên khi nhận tin chiến thắng.
Cuộc tổng tuyển cử đầy kịch tính vừa kết thúc hôm 10-5, còn có thể được xem như một cuộc trưng cầu ý dân về cái gọi là nguồn gốc người nước ngoài của bà. Sonia Gandhi đã nổi lên như một bà hoàng của người nghèo - khi mà tại nhiều nơi bà đi vận động tranh cử, những bà lão già nua, nghèo khổ đã ôm lấy bà và gọi bà là con gái của họ.
Từ chối nhận cương vị Chủ tịch Đảng Quốc đại ngay sau khi chồng bà, cố Thủ tướng Rajiv Gandhi bị ám sát hồi năm 1991, mãi tới năm 1997, trước tình thế khó khăn của Quốc Đại - một chính đảng truyền thống tại Ấn Độ từ hơn 100 năm nay và trước những lời đề nghị của các nhà lãnh đạo cấp cao trong đảng, bà Sonia đã nhận lời đảm đương cương vị đầy trọng trách và đầy khó khăn này. Để rồi, những ngày vừa qua, bà đã dẫn đầu Quốc Đại đi tới một thắng lợi bầu cử đầy bất ngờ sau tám năm đứng ở vị trí đối lập.
Dũng cảm đương đầu với tất cả những công kích dữ dội đối với cá nhân bà, từ vấn đề nguồn gốc nước ngoài đến chuyện giọng nói còn mang nặng âm hưởng tiếng Italy, bà đã không mệt mỏi trên những chặng đường đến với những người dân bình thường trên toàn quốc để tranh thủ từng lá phiếu cho Quốc Đại, và họ đã không phụ lòng bà.
Từ một người phụ nữ dè dặt và ngại ngùng giao tiếp khi trở thành con dâu của một gia đình nổi tiếng nhất ở Ấn Độ vào năm 1968 đến chỗ biết quấn tấm sari gọn gàng, với dáng đi giống hệt mẹ chồng của bà, cố Thủ tướng Indira Gandhi, bà Sonia đã hiểu rằng sau cùng thì chính miếng cơm manh áo mới là điều quan tâm nhất của cử tri.
Hiểu rõ phần đông dân số hơn một tỷ người của đất nước Ấn Độ là nông dân với đời sống còn nghèo khó, bà nói: "Những người nông dân chính là cốt lõi của nền kinh tế và chính họ phải là mối quan tâm lớn nhất của bất kỳ chính phủ nào".
Tối ngày 16-5, tại ngôi nhà của bà ở số 10 Đại lộ Nhân dân, bà đã chủ trì một cuộc gặp giữa Quốc Đại với 20 chính đảng, bao gồm những đồng minh trước bầu cử của Quốc Đại và những đảng cánh tả ủng hộ cho việc thành lập một chính phủ liên hiệp do Quốc Đại đứng đầu. Tại cuộc gặp này, bà đã được các nhà lãnh đạo của tất cả các đảng nhất trí đề nghị bà đảm đương chức vụ Thủ tướng của Chính phủ mới. Không còn trở ngại pháp lý nào nữa, Tổng thống Kalam có bổn phận Hiến pháp phải mời bà đứng ra lập chính phủ ngay sau khi Hạ nghị viện thứ 14 của Ấn Độ họp phiên đầu tiên.
Từ Italy tới Ấn Độ
Sinh ngày 9-12-1946 trong một gia đình công nhân sống ở gần thành phố Turin, mối liên hệ của bà Sonia Gandhi với đất nước Ấn Độ ở phương Đông xa xôi đã bắt đầu khi lần đầu tiên bà gặp Rajiv Gandhi tại trường Đại học Cambridge, Anh, năm 1965.
Họ làm đám cưới năm 1968 và sau đó Ấn Độ đã trở thành quê hương thứ hai của bà trong khi Rajiv không muốn dính dáng gì đến đời sống chính trị của đất nước cho đến khi em trai ông là Sanjay Gandhi chết trong một vụ tai nạn máy bay vào năm 1980. Sonia hiếm khi xuất hiện trước công chúng cho tới năm 1984 khi Thủ tướng Indira Gandhi bị ám sát và sau đó Rajiv Gandhi trở thành thủ tướng. Bà trở thành công dân Ấn Độ vào năm 1983 và năm 1998 bà mới lần đầu tiên ra tranh cử tại khu vực cử tri của Rajiv Gandhi, được bầu vào Hạ viện và rồi trở thành lãnh tụ của phe đối lập.
Dù rằng nền kinh tế Ấn Độ đã có những thành công trong thời gian qua song vẫn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn khác như giá sinh hoạt tăng chóng mặt, nạn tham nhũng... Bà Sonia Gandhi, trên cương vị Thủ tướng và Chủ tịch Đảng Quốc Đại, sẽ phải đối mặt với những vấn đề đó và chắc chắn rằng cử tri Ấn Độ sẽ đánh giá bà qua các chính sách đối nội đối ngoại, các chương trình phát triển kinh tế xã hội cũng như cách thức điều hành chính phủ, chứ không phải là gốc người nước ngoài của bà - vì một lẽ đơn giản là cuộc Tổng tuyển cử 2004 đã ra phán quyết tối hậu về vấn đề đó rồi.