Tuy với cùng một nhiệm vụ chống khủng bố, nhưng Tổng thống Obama chắc chắn sẽ không hành động như người tiền nhiệm G. Bush đã làm cách đây đúng 13 năm. Ngay sau sự kiện bi thảm 11-9-2001, với khẩu hiệu “tiêu diệt Al Qaeda”, Tổng thống Bush đã đưa binh sĩ Mỹ trực tiếp tham chiến tại Afghanistan (năm 2001) và Iraq (năm 2003). Trong gần 10 năm sa lầy tại các chiến trường này, hậu quả mà người dân Mỹ phải gánh chịu là hơn 5000 lính Mỹ đã thiệt mạng, tiêu tốn khoảng 4.000 tỷ USD, và quan trọng hơn cả là một làn sóng chống Mỹ tại đây. Dù vẫn đặt nước Mỹ ở vị trí trung tâm trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng trong suốt gần sáu năm cầm quyền, chính sách mà Tổng thống Obama theo đuổi không còn mang nặng tính “đơn phương” như dưới thời của chính quyền Bush. Nhờ chiến lược “chia sẻ trách nhiệm” mà chính quyền Obama đã đạt được những thành công nhất định trong cuộc chiến chống khủng bố, đỉnh điểm là việc tiêu diệt được trùm khủng bố Bin Laden, đồng thời giúp nước Mỹ triệt thoái được quân đội khỏi chiến trường Iraq.
Giờ đây, trong cuộc chiến chống lại IS, Tổng thống Obama khẳng định chiến lược này sẽ tiếp tục được áp dụng. Trong bài phát biểu về chiến lược chống khủng bố IS hôm 10-9-2014, Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Tôi muốn người Mỹ hiểu cố gắng của chúng ta hiện nay khác biệt như thế nào với cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan trong quá khứ. Sẽ không có chuyện bộ binh Mỹ tham gia chiến đấu trên mảnh đất ở nước ngoài". Trong chiến lược bốn điểm này, Tổng thống Obama cũng xác định: “Chiến lược chống IS này chỉ có thể thành công khi nước Mỹ huy động được một liên minh chống IS rộng rãi”. Điều này cũng thật dễ hiểu, bởi trước hết thì người Mỹ cần phải có người để mà “chia sẻ” .
Chính vì thế, hội nghị quốc tế “Hòa bình và an ninh cho Iraq” mà thực chất là bàn về các biện pháp chống IS, diễn ra tại Paris (Pháp) ngày 15-9-2014 với sự tham gia của các ngoại trưởng đến từ hơn 30 quốc gia, trong đó bao gồm đầy đủ năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, là một cơ hội để người Mỹ vận động cho việc thành lập một liên minh chống IS. Đúng là trước và tại hội nghị, Mỹ đã tập hợp được tới 40 quốc gia có chung ý nguyện tiêu diệt IS. Trên thực tế, tuy có sự đồng thuận trong nhận thức về mối nguy cơ IS cũng như sự cần thiết phải mau chóng có những biện pháp để ngăn chặn IS của tất cả các đoàn tham gia hội nghị, nhưng về phương thức chống IS thì lại có sự chia rẽ sâu sắc. Điển hình như trong số 40 quốc gia mà nước Mỹ đã tập hợp được, thì hiện tại mới chỉ có Australia tuyên bố sẽ gửi 600 lính tới Iraq, Pháp và Bỉ đồng ý tham gia không kích (ngày 19-9-2014, Pháp đã tiến hành đợt không kích đầu tiên chống IS), các nước còn lại đều dừng ở mức độ cam kết hỗ trợ tài chính và vũ khí. Ngay đến như nước Anh, một đồng minh “kề vai sát cánh” của Mỹ trên các mặt trận chống khủng bố từ năm 2001, tuy tại hội nghị này đã tuyên bố sẽ “đi đầu trong cuộc chiến chống IS”, nhưng cũng khẳng định sẽ không tham gia các chiến dịch không kích tại Iraq, và nhất là tại lãnh thổ của Syria.
Kết quả của hội nghị Paris cho thấy, Tổng thống Obama sẽ không hề dễ dàng có thể thành lập được một liên minh chống IS, ít nhất là trong so sánh với người tiền nhiệm vào thời khắc ngay sau thảm họa 11-9-2001. Điều này có thể lý giải bởi những lý do sau:
Trước hết, sự thay đổi về hình thức hoạt động và sức mạnh của các tổ chức khủng bố khiến không ít quốc gia phải cân nhắc trong việc tham gia vào các chiến dịch chống IS tại một khu vực địa lý xa lạ. Sau sự kiện 11-9-2001, sở dĩ hầu hết các nước đều mau chóng đứng bên cạnh nước Mỹ trong cuộc chiến chống lại Al Qaeda bởi tính mạng người dân của chính họ đều bị đe dọa trực tiếp. Những vụ khủng bố của tổ chức này đều được tiến hành ngay chính tại các nước từ Mỹ, Tây Ban Nha, Anh, Pháp đến Australia, Nhật Bản, v.v. Những chiến dịch truy quét Al Qaeda, đặc biệt là sau khi trùm khủng bố Bin Laden bị tiêu diệt (1-5-2011), Al Qaeda đã có sự thay đổi theo hướng phân tán thành các nhóm hoạt động độc lập. Một trong số đó chính là tiền thân của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Hoạt động của các nhóm khủng bố, điển hình như IS, Taliban, Boko Haram, Al-Shebab, Jamaat Ansar al-Sunna v.v. cũng có sự điều chỉnh theo hướng tập trung củng cố quyền lực tại những vùng được coi là lãnh địa của chúng. Hiện tại, những hoạt động của IS chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ giữa Iraq và Syria. Chính sự thiện chiến cùng với nguồn tài chính dồi dào, lại được địa hình quen thuộc hỗ trợ đã giúp cho sức mạnh của IS được nâng lên gấp bội. Hơn nữa, đúng là những vụ hành quyết đẫm máu của IS đã khiến cộng đồng quốc tế hết sức phẫn nộ, nhưng nếu so với vụ khủng bố 11-9-2001, thì rõ ràng với nhiều nước, chúng mang tính chất của mối nguy cơ nhân đạo hơn là hiểm họa an ninh trực tiếp. Ngoài ra, điều mà IS khiến các nước lo ngại hơn cả là cái cách lôi kéo công dân của chính họ gia nhập IS. Phương thức hoạt động mới này của IS đã khiến các nước tập trung vào công việc nội bộ của mình hơn là tham gia vào các hoạt động liên minh bên ngoài.
Cách ứng xử của nước Mỹ trong vấn đề IS cũng khiến nhiều nước thêm phần do dự. Có lẽ người ta đã quen với việc Mỹ phải đi đầu trong các chiến dịch chống khủng bố, và vì thế quan điểm "Mỹ sẽ chỉ tiến hành các đợt không kích nhằm vào IS, kết hợp với việc hỗ trợ tài chính, vũ khí, huấn luyện quân đội Iraq" của chính quyền Obama bị coi là thiếu nhiệt tình trong cuộc chiến chống IS. Bởi lẽ, đến chính người Mỹ cũng không hoàn toàn tin tưởng vào hiệu quả của các đợt không kích cũng như khả năng chiến đấu của các lực lượng địa phương. Ngoài ra, sự không nhất quán trong nội bộ chính quyền Obama về các biện pháp chống IS càng khiến các nước e ngại. Ngày 17-9-2014, trong phiên điều trần trước Ủy ban quân vụ của Thượng viện, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey phát biểu: "Nếu các chiến dịch không kích không đem lại kết quả, chúng tôi sẽ thuyết phục Tổng thống cân nhắc việc sử dụng bộ binh". Điều khiến nhiều nước rơi vào cảnh khó xử, nhất là các nước tại Trung Đông, chính là tham vọng vừa chống IS vừa "xử lý hết mọi vấn đề của cuộc khủng hoảng Syria" của chính quyền Obama.
Những khó khăn dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, một mặt khiến các nguồn lực giảm sút, mặt khác làm nảy sinh những bất ổn chính trị nội bộ nên tất yếu dẫn đến việc nhiều nước không thể "nhiệt tình" trong cuộc chiến chống IS. Hiện tại, ngoài những nỗi lo toan riêng tư, những cường quốc mới nổi, tiêu biểu như Nga và Trung Quốc cũng không chấp nhận chịu sự "hướng đạo" của Mỹ như thời Tổng thống Bush nữa. Thêm nữa, tình trạng căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Nga vì cuộc khủng hoảng Ucraina, giữa Mỹ và Trung Quốc vì ít nhất những gì vừa diễn ra trên biển Hoa Đông và Biển Đông càng khiến chính quyền Obama thêm phần khó khăn trong việc mời chào cùng chống IS.
IS tuy là mối nguy cơ lớn với nhiều nước nhưng có lẽ chưa đủ lực để có thể tạo ra một liên kết rộng rãi tại Trung Đông – Bắc Phi. Với những mâu thuẫn chồng chất tồn tại hàng trăm năm qua, những địch thủ của nhau như Israel, Iran và Syria sẽ khó có khả năng đứng cùng một mặt trận chỉ vì IS, nhất lại là dưới sự chỉ huy của Mỹ.
Vào thời điểm hiện tại, đúng là người Mỹ đang thật sự khó khăn trong việc tìm kiếm những đối tác "đồng cam cộng khổ" trong cuộc chiến chống IS. Nhưng cũng chính câu nói "Nhưng đây không phải là cuộc chiến đơn độc của riêng nước Mỹ" của Tổng thống Obama trong bài diễn văn hôm 10-9-2014 cho thấy, có vẻ người Mỹ đã tìm thấy lối thoát khỏi tình trạng này.