Xoay trục châu Á của Mỹ qua chuyến công du của Joe Biden

|

NDO - NDĐT- Năm 2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Mỹ sẽ thực hiện một chính sách “tái cân bằng châu Á” và sau đó đã tạo được ấn tượng ở mức độ nhất định đối với các nước trong khu vực về một sự “xoay trục” thực sự của người Mỹ.

Tuy nhiên, bước vào năm đầu tiên của nhiệm kỳ hai, cho dù chính quyền Obama vẫn khẳng định về việc tiếp tục duy trì chính sách xoay trục tại châu Á, nhưng trước rất nhiều thử thách từ trong nước lẫn khu vực, điều khẳng định này đang bị đặt dấu hỏi về tính khả thi, thậm chí còn bị cho rằng “chẳng còn xoay trục nào nữa”.

Việc tiếp tục tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa của ông Obama lại càng khiến cho sự chia rẽ trong xã hội Mỹ thêm sâu sắc. Chính thái độ bất hợp tác từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa (chiếm đa số ở Hạ viện) là nguyên nhân chủ yếu đẩy Chính phủ Mỹ tới tình trạng phải đóng cửa 17 ngày. Con số thiệt hại 24 tỷ USD trong vụ việc này chỉ là những thiệt hại đơn thuần có tính trực giác, sự sụt giảm uy tín của nước Mỹ mới thực sự khiến chính quyền Obama phải đau đầu.

Ngay sau đó, dù đã rất vất vả để thoát khỏi tình trạng vỡ nợ nhưng vấn nạn vách đá tài khóa vẫn treo lơ lửng trên đầu Chính phủ Mỹ. Thêm nữa là sự tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế cũng như nạn thất nghiệp vẫn ở mức cao (dù lần đầu tiên đã đạt được mốc thấp nhất là 7% trong tháng 11) v.v. tất cả cho thấy chính quyền Obama đang gặp khó đến mức nào ngay trong lòng nước Mỹ.

Kể từ sau Thế chiến II, với tư cách là một siêu cường, Mỹ luôn sẵn sàng can dự vào hầu hết các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, khi các nguồn lực của Mỹ dần không đủ đáp ứng thì việc phải tham gia vào quá nhiều các hoạt động quốc tế lại trở thành gánh nặng, điều này đang ứng nghiệm với chính quyền Obama.

Thêm nữa, chỉ tính riêng trong năm 2013, những vấn đề quốc tế buộc người Mỹ phải dính líu lại hết sức nan giải. Ở châu Âu, cuộc khủng hoảng nợ công đòi hỏi đã đến lúc người Mỹ phải tham gia cùng các nước EU khắc phục nếu không muốn tình hình tồi tệ hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình đàm phán hiệp định thương mại xuyên Đại Tây Dương. Vụ Snowden ngày càng trở nên nghiêm trọng bởi nó đặt quan hệ của Mỹ với EU và Mỹ với Nga bên bờ đổ vỡ. Tình hình Bắc Phi – Trung Đông sau Mùa xuân Ả rập lại càng nảy sinh nhiều vấn đề nan giải đối với nước Mỹ. Nghiêm trọng nhất có lẽ là vụ sử dụng vũ khí hóa học tại Syria (21-8-2013) bởi nó đặt chính quyền Obama vào tình trạng có thể lại phải dính líu vào một cuộc chiến tranh bất đắc dĩ.

Nhưng những biến cố tại châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2013 mới thực sự đặt chính quyền Obama vào thế lưỡng nan, “không khóc mà cũng chẳng cười được”. Trước những tranh chấp biển, đảo không chỉ giữa hai đối tác quan trọng hàng đầu của Mỹ là Nhật Bản và Trung Quốc mà còn giữa hai đồng minh truyền thống là Nhật Bản và Hàn Quốc, chính quyền Obama thực sự lúng túng. Tình trạng suy giảm tăng trưởng của khu vực cũng đe dọa nghiêm trọng đến sự tích cực của người Mỹ đối với tiến trình liên kết khu vực.

Trên hết, sự thiếu hụt những nguồn lực, trước hết là tài chính, để có thể thực hiện chính sách của một siêu cường mới là thách thức lớn nhất mà chính quyền Obama phải đối mặt trong năm 2013 này.

Với những khó khăn như vậy, trong năm 2013, chính quyền Obama đã lựa chọn cách ứng xử thường xuyên nhất là “tùy cơ ứng biến”, được ngụy trang bằng cụm từ hoa mỹ “sức mạnh thông minh”. Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong cái cách mà người Mỹ thực hiện chính sách xoay trục châu Á.

Một sự tình cờ thú vị là cũng vào dịp cuối năm ngoái (2012), Tổng thống Obama đã có chuyến công du một số nước Đông Nam Á và năm nay từ ngày 2 đến ngày 7-12-2013, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã có chuyến viếng thăm ba nước Đông Bắc Á là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy thời gian có khác nhau nhưng với cương vị là những nhà lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ, cả hai chuyến công du này đều giúp chúng ta nhìn lại rõ hơn chính sách xoay trục của Mỹ sau mỗi năm triển khai.

Trong chuyến công du Đông Bắc Á vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ J. Biden đã phô diễn cái cách người Mỹ sử dụng “sức mạnh thông minh” để tháo gỡ tình hình căng thẳng, tại khu vực, trước hết là với vụ việc ADIZ - khu vực nhận diện phòng không mà Trung Quốc tuyên bố.

Tại Nhật Bản, ông Biden khẳng định nước Mỹ luôn nhận thức được trách nhiệm của một đồng minh thân cận của Nhật Bản, đồng thời cũng nhấn mạnh chuỗi đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi của hiệp ước liên minh Mỹ - Nhật và việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập ADIZ là không thể chấp nhận được. Tới Trung Quốc, trong các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, sau khi đề cập tới rất nhiều những lợi ích tương hỗ giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, Phó Tổng thống J. Biden chỉ kêu gọi Trung Quốc cần mau chóng xây dựng những kênh tham vấn với Nhật Bản và Hàn Quốc để tránh những rủi ro, sai lầm không đáng có xung quanh ADIZ. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi ông Biden thừa biết không thể yêu cầu Trung Quốc tháo gỡ ADIZ. Tại Seoul, ông Biden sau khi nhắc lại điệp khúc về ADIZ như đã từng nói tại Tokyo, đã bổ sung thêm mong muốn của người Mỹ về việc hai đồng minh cần mau chóng khắc phục những bất đồng để thắt chặt quan hệ hơn nữa.

Tựu chung thì cách hành xử của ông Joe Biden trước những va chạm của các nước tại Đông Bắc Á, điển hình là tuyên bố của Trung Quốc về ADIZ, khiến cho chúng ta có cảm giác về một chính sách “nước đôi”, không rõ ràng là Mỹ đặt trọng tâm vào đâu. Cách xử lý này hoàn toàn trùng khớp với chính sách đối ngoại tổng thể của chính quyền Obama đã nêu ở trên. Tất nhiên, trong trường hợp những lợi ích của Mỹ tại khu vực bị xâm hại nghiêm trọng chắc chắn cách hành xử sẽ không thể “lưỡng toàn” như vậy, nhưng rõ ràng thực tế hiện tại của khu vực cho thấy, điều này còn phải một thời gian dài nữa mới có khả năng xảy ra. Hơn nữa, chính quyền Obama chắc chắn cũng hiểu chính chính sách xoay trục châu Á cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc tạo ra những căng thẳng hiện tại ở châu Á – Thái Bình Dương. Nếu vậy thì cách hành xử “nước đôi” trong hầu hết các vấn đề của khu vực, chính xác là tính thực dụng của chính quyền Obama, vẫn cứ tiếp tục trong một khoảng thời gian dài nữa buộc chúng ta phải đánh giá lại về giá trị xác thực của chính sách xoay trục.

Đúng là chúng ta phải công nhận một thực tế, đây là cách xử lý khôn ngoan của chính quyền Obama, vừa phù hợp với năng lực hiện có lại vẫn tạo được cảm giác “cần Mỹ” cho các nước trong khu vực. Nhưng nếu như vậy thì người Mỹ đang lợi dụng châu Á – Thái Bình Dương hơn là xoay trục về châu Á.