Không sốc sao được trước cái cách mà nước Anh - một trong ‘tứ trụ” của EU, tuyên bố dứt áo ra đi sau 43 năm gắn bó. Điều gây ngạc nhiên trước tiên là những lý do mà người Anh đưa ra để biện giải cho việc rời khỏi EU (người Anh gọi là Brexit), đơn cử như phải đóng góp lệ phí thành viên quá cao (thứ hai sau Đức), phải chấp nhận tự do luân chuyển lao động, rất nhiều quyền tự quyết bị mất... Nhưng kể từ thời điểm ra đời hiệp ước Maastricht (ngày 7-2-1992, hiệp ước thành lập EU), tất cả những quy chuẩn của EU đều có sự đồng thuận của nước Anh. Hơn thế, để cố giữ Anh ở lại, ngày 19-2-2016, EU đã phải chấp nhận để Anh được hưởng một quy chế thành viên “đặc biệt” với nhiều ưu đãi hơn hẳn các thành viên khác. Tựu chung, người Anh cho rằng, cái áo EU đã không còn vừa với nước Anh nữa. Nếu vậy thì thực sự khâm phục người Anh, bởi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay vẫn đang suy thoái mà nước Anh vẫn có thể tìm kiếm được những thị trường hấp dẫn hơn EU (chiếm hơn 50% xuất nhập khẩu của Anh).
Điều khiến cộng đồng quốc tế không kém phần bất ngờ là sự hiểu biết của người dân Anh về vấn đề Brexit. Từ đầu năm 2013, giới chức Anh đã bắt đầu đề cập đến Brexit, và tháng 2-2016, thủ tướng D. Cameron chính thức ấn định ngày tiến hành trưng cầu ý dân (23-6-2016). Ấy vậy mà chỉ sau ngày bỏ phiếu, cụ thể là ngày 24-6-2016, những lệnh mà người Anh đặt ra nhiều nhất với trang mạng tìm kiếm Google là “Đi khỏi EU thì sao” hay “EU là gì”... Chính sự quan liêu này, mà sau khi bỏ phiếu ủng hộ Brexit không ít người dân Anh đã phải thốt lên: “Tôi đã vừa làm gì thế này!”.
Nhưng có lẽ những lỗ hổng mà người Anh tạo ra sau quyết định Brexit mới thực sự đủ lực để tạo nên một cơn “địa chấn chính trị toàn cầu”. Bởi lẽ, nếu không kịp thời khỏa lấp, hoặc cách thức hàn vá không hợp lý, những lỗ hổng này rất có thể khiến thế giới một lần nữa lại chao đảo như sau sự kiện Liên Xô tan rã hồi cuối năm 1991.
Lỗ hổng đầu tiên liên quan tới sức mạnh vật chất và tinh thần của EU. Với vai trò của một cường quốc trụ cột trong EU (nước có đóng góp tài chính lớn thứ hai trong EU, là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, là một trong hai cường quốc hạt nhân trong EU, là một trong bốn thành viên châu Âu trong G7…), đương nhiên sự ra đi của nước Anh sẽ khiến sức mạnh của EU bị sụt giảm nghiêm trọng. Hơn thế, diễn ra đúng vào thời điểm EU đang phải vật lộn với quá nhiều vấn đề nan giải, như khủng hoảng nợ công, khủng hoảng người di cư, khủng bố quốc tế… Brexit chẳng khác gì một đòn đánh bồi chí mạng đối với EU. Đặc biệt, cũng vì là một trong tứ trụ của EU nên Brexit chắc chắn sẽ khiến cho không ít nước thành viên EU rơi vào trạng thái nghi ngờ tính đúng đắn của tiến trình nhất thể hóa. Brexit trở thành minh chứng sống động được các đảng theo đường lối phản đối liên kết EU tận dụng triệt để nhằm tạo ra hiệu ứng domino rời bỏ EU. Đối với cộng đồng quốc tế, Brexit khiến cho hình ảnh của EU - một tổ chức khu vực luôn được coi là thành công nhất, trở nên bất cập nhất. Rõ ràng, Brexit đã buộc EU không thể né tránh một cuộc cải cách triệt để nhất kể từ thời điểm ra đời Cộng đồng than - thép (năm 1952). Nghị quyết của Nghị viện châu Âu đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh EU (ngày 28 và 29-6-2016) về việc yêu cầu nước Anh khẩn trương kích hoạt điều 50 của hiệp ước Lisbon (quy trình đàm phán để một thành viên rời khỏi EU) cho thấy, các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên EU đã hiểu điều đó. Tuy nhiên, cũng tại hội nghị thượng đỉnh này, quyết định chỉ bàn về những vấn đề cải cách EU thời hậu Brexit vào tháng 9-2016 tới cũng còn cho thấy, các nhà lãnh đạo EU vẫn chưa có hướng đi cụ thể cho cuộc đại phẫu này.
Lỗ hổng tiếp theo chính là tình trạng mất phương hướng của nước Anh thời hậu Brexit. Tỷ lệ 52% ủng hộ và và 48% phản đối Brexit cho thấy sự chia rẽ hết sức sâu sắc trong vương quốc Anh, điều này sẽ khiến cho mọi chính sách thời hậu D. Cameron luôn bị đặt trong tình trạng soi xét kỹ lưỡng từ cả hai phía. Sự chia rẽ còn đang dần dẫn vương quốc Anh tới bờ vực tan đàn xẻ nghé. Việc Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon có mặt tại hội nghị thượng đỉnh EU (ngày 28-6-2016) và đưa ra tuyên bố: “Scotland quyết tâm ở lại EU bất chấp Brexit”, báo hiệu khả năng sẽ có một Brexit theo chiều ngược lại tại Scotland. Brexit cũng kích hoạt những ý tưởng đòi tự chủ ở ngay tại thủ đô London. Ngày 28-6-2016, thị trưởng London Sadiq Khan tuyên bố: “Tôi yêu cầu trao thêm quyền tự trị cho thủ đô, ngay bây giờ nhằm bảo vệ kinh tế London khỏi sự bất ổn trước mắt. Có thêm quyền tự trị để bảo vệ các doanh nghiệp trên khắp thế giới đang làm ăn tại đây, bảo vệ việc làm, sự giàu có, thịnh vượng của chúng ta”. Việc thủ tướng D. Cameron tuyên bố từ chức đúng một ngày sau hôm bỏ phiếu (24-6-2016) báo hiệu một giai đoạn bất ổn của nước Anh, bởi chắc chắn trước một cuộc sống mới mà hình hài chưa rõ thì từ nhà lãnh đạo kế tiếp cho tới toàn thể người dân Anh sẽ khó có thể duy trì được nếp sống “phớt ăng lê” được. Chỉ đơn cử như việc nước Anh sẽ phải bắt đầu đàm phán về rất nhiều hiệp định thương mại với hầu hết các đối tác, kể cả với đồng minh thân cận nhất là nước Mỹ, cũng đủ thấy tương lai của nước Anh không thể màu hồng trong vòng năm đến 10 năm tới.
Trên bình diện toàn cầu, Brexit tạo ra một lỗ hổng không nhỏ trong chính sách hội nhập quốc tế của hầu hết các quốc gia. Vẫn biết, sở dĩ các nước tham gia vào các cơ chế hợp tác, liên kết quốc tế là để giàu hơn, yên ổn hơn, nhưng không phải lúc nào ý nguyện này cũng đạt được, nhất là trong một thế giới phân hóa giàu - nghèo ngày càng sâu sắc. Chính vì thế, lý do “bị EU đánh cắp mất chủ quyền” của phe ủng hộ Brexit nghe ra có vẻ rất hợp khẩu vị với không ít quốc gia, nhất là với những nước nghèo. Thêm nữa, trước hình ảnh một nước Anh giàu mạnh mà còn phải dứt áo ra đi khỏi EU, không ít người đang cổ súy cho chính sách hội nhập quốc tế chắc sẽ khó có thể tiếp tục lạc quan về “sức mạnh của chúng ta” được. Brexit cũng đang đặt ra vấn đề cải tổ cho mọi cơ chế hợp tác quốc tế. Không một tổ chức quốc tế nào có thể làm thay tất cả cho từng thành viên và bất cứ một cơ chế hợp tác, liên kết nào chỉ có thể tồn tại nếu đáp ứng yêu cầu cho từng thành viên, dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo. Đấy cũng là những điều kiện tiên quyết giúp tổ chức đó tồn tại lâu hay chóng. Biết vậy, nhưng việc dung hòa được giữa cái “tôi” và cái “chúng ta” vẫn luôn là bài toán khó tìm lời giải hoàn mỹ.
Bất luận thế nào thì việc nước Anh rời khỏi EU là không thể đảo ngược. Chính hiện tượng Brexit lại buộc tất cả chúng ta phải tăng cường hợp tác hơn nữa, đơn giản bởi, trước hết là để nhằm khắc phục những lỗ hổng của Brexit.