Hồng Kông (Trung Quốc) tăng cường các cơ sở cách ly ứng phó đợt bùng phát dịch mới

|

NDO - Trước tình trạng gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm Covid-19 mới, chính quyền Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) đang tăng cường thêm các cơ sở cách ly và điều trị cộng đồng.

Với 6.063 trường hợp mắc mới được ghi nhận trong ngày hôm qua, chính quyền đặc khu cho biết, bến du thuyền Kai Tak sẽ được chuyển đổi thành 1 cơ sở cách ly và điều trị Covid-19 chuyên dụng, với 1.000 giường bệnh để giảm tải cho các bệnh viện.

Cùng ngày, 1 cơ sở khác có công suất 10 nghìn giường bệnh cũng được khởi công xây dựng tại khu vực vịnh Penny.

Phát biểu tại lễ khởi công, Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết, các cơ sở mới này sẽ góp phần tăng cường đáng kể khả năng ứng phó với Covid-19 của đặc khu. Theo bà Lâm, Hồng Kông đang ở “tình thế nguy cấp” giữa “cuộc chiến không khói súng” với Covid-19.

Nhà chức trách đặc khu cho rằng, có thể phải mất tới 3 tháng để ổn định tình trạng lây nhiễm tại đây, vốn đang đẩy các cơ sở y tế rơi vào tình trạng quá tải và khiến Hồng Kông phải lùi cuộc bầu cử trưởng đặc khu đến tháng 5 tới.

Chính quyền Trung Quốc đại lục cũng đã cử nhân viên y tế và cung cấp các trang thiết bị, bao gồm các đơn vị xét nghiệm di động để hỗ trợ Hồng Kông ứng phó làn sóng lây nhiễm hiện tại.

Sáng 20/2, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo, có thêm 195 ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc đại lục, tăng so với 137 ca được xác nhận 1 ngày trước đó. Trong số những ca mắc mới có 94 ca nhập cảnh, còn lại 101 ca lây nhiễm cộng đồng, trong khi không có trường hợp tử vong mới.

Tính đến ngày 19/2, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 107.707 ca nhiễm Covid-19, trong khi số người tử vong vì Covid-19 vẫn ở mức 4.636 ca.

Ở châu Âu, Văn phòng Thủ tướng Anh ngày 19/2 cho biết, bắt đầu từ tuần tới, nước này dự kiến sẽ dỡ bỏ quy định tự cách ly đối với những người mắc Covid-19, như 1 phần của kế hoạch sống chung với Covid-19 của chính phủ.

Anh dự kiến sẽ dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch vào tuần tới. (Ảnh: REUTERS) 

Hiện tại, người có các triệu chứng mắc Covid-19 hoặc xét nghiệm dương tính ở Anh bắt buộc phải tự cách ly ít nhất 5 ngày.

Việc dỡ bỏ các yêu cầu tự cách ly khi mắc Covid-19 và thay thế bằng các hướng dẫn tự theo dõi sẽ đưa Covid-19 trở thành 1 dạng như các bệnh lây nhiễm thông thường khác đang được điều trị tại Anh. Động thái này cũng sẽ đưa Anh trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên cho phép những người nhiễm Covid-19 được tự do đến các cửa hàng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đi làm bình thường trở lại.

Với hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch dự kiến được dỡ bỏ, Anh sẽ quản lý các đợt bùng phát dịch trong tương lai thông qua cơ chế giám sát liên tục, trong bối cảnh chính phủ cũng dự kiến dừng các chương trình xét nghiệm miễn phí và thu hẹp quy mô các nghiên cứu sức khỏe cộng đồng.

Khoảng 85% dân số Anh từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất 2 liều vaccine phòng Covid-19, trong khi khoảng 2/3 dân số, bao gồm phần lớn những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất đã tiêm liều tăng cường.

Số ca tử vong vì Covid-19 tại Anh đã vượt mốc trên 160 nghìn ca, cao thứ hai ở châu Âu sau Nga. Với quy mô dân số của Anh, tỷ lệ này cao hơn 6% so mức trung bình của Liên minh châu Âu.

Ở châu Mỹ, giới chức y tế Mỹ đang cân nhắc khả năng cho phép tiêm liều vaccine phòng Covid-19 thứ tư vào mùa thu tới, theo thông tin từ tờ Wall Street Journal.

Nhân viên y tế chuẩn bị 1 liều vaccine tăng cường ở Chicago, Illinois, Mỹ, ngày 21/12/2021. (Ảnh: REUTERS)

Theo đó, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đang xem xét các dữ liệu liên quan việc tiêm liều tăng cường thứ hai sử dụng vaccine RNA của Pfizer-BioNTech và Moderna.

Tháng trước, cơ quan này đã giảm thời gian chờ tiêm liều tăng cường của Pfizer-BioNTech và Moderna xuống còn 5 tháng, nhằm tăng khả năng bảo vệ sớm trước biến thể mới Omicron.

Hiện Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới trong đại dịch, với tổng số ca mắc tại nước này đã vượt mốc 80 triệu ca, trong khi số ca tử vong cũng cao nhất thế giới với 959.130 ca.

Đồ họa: TRUNG HƯNG

Với số ca nhiễm tương đương 1/2 của Mỹ (trên 42,8 triệu ca), Ấn Độ đứng thứ hai thế giới. Brazil xếp thứ hai về số ca tử vong, với 643.938 ca. Trong số 5 quốc gia đứng đầu danh sách nhiều ca mắc nhất, ngoài 3 nước kể trên, 2 quốc gia còn lại đều ở châu Âu, gồm Pháp với hơn 22,2 triệu ca mắc và Anh hơn 18,5 triệu ca.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến thời điểm sáng 20/2, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 423.809.825 ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 5,9 triệu ca tử vong. Số người đã bình phục là 348.805.392 ca. Hiện còn 82.548 ca đang phải điều trị tích cực.

Đồ họa: TRUNG HƯNG

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với tổng cộng trên 150 triệu ca mắc, trong đó 1.683.386 ca tử vong. Tiếp theo là châu Á với trên 111,7 triệu ca mắc và 1.331.929 ca tử vong. Tiếp đến là Bắc Mỹ hiện ghi nhận hơn 94 triệu ca nhiễm, và 1.383.420 ca tử vong, sau đó là Nam Mỹ với lần lượt hơn 53,2 triệu ca mắc và 1.247.649 ca tử vong.

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới