Sự trông đợi này không phải là vô cớ, chí ít là căn cứ vào tiểu sử của tân Tổng thống Poroshenko. Việc cử tri Ucraina lựa chọn một nhà tỷ phú đi lên từ hai bàn tay trắng (bắt đầu từ việc bán hạt ca cao rồi trở thành "vua sô cô la") cho thấy người dân Ucraina trông đợi vào những cải cách kinh tế mà tân Tổng thống có thể đem lại hơn là những lời hứa mang nặng màu sắc chính trị của đối thủ cạnh tranh trực tiếp, bà cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko. Ngoài ra, việc “giấu mặt hoàn toàn” trong các cuộc biểu tình ở quảng trường Maidan cũng giúp ông Poroshenko, ít nhất là không gây cảm giác “khó chịu” cho các nhà lãnh đạo Nga. Hơn nữa, những mối quan hệ làm ăn tại các vùng miền Đông cũng có thể đem đến cho ông Poroshenko những lợi thế trong đàm phán với những người dân ở đây. Quan trọng hơn cả, cho dù những người dân ở Donetsk hay Lugansk không tham gia cuộc bầu cử, nhưng giờ đây không một ai có thể phủ nhận được tính hợp pháp của chính phủ do ông Poroshenko thành lập.
Ngay sau lễ nhậm chức ngày 7-6-2014, chính quyền tân Tổng thống Poroshenko đã công khai những đường hướng chính cả về đối nội lẫn đối ngoại, điều hiếm thấy trong “triều đại” bốn tổng thống tiền nhiệm. Đối với vấn đề kinh tế, Kiev khẳng định sẽ thắt chặt quan hệ với EU, và lấy sự hợp tác với phương Tây là cơ sở nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế. Tổng thống Poroshenko cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Ucraina – Nga nhưng phải được tái thiết trên cơ sở bình đẳng. Với lực lượng li khai tại các tỉnh miền Đông, chính quyền Poroshenko chia làm hai loại: người dân lao động và các phần tử khủng bố. Trên thực tế, những hành động đầu tiên của Kiev, bắt đầu từ chiến dịch trấn áp khủng bố tại các tỉnh miền Đông, ký thỏa thuận với Ngân hàng thế giới (WB) về gói cứu trợ 3,5 tỷ USD cho đến những cuộc điện đàm trực tiếp với Tổng thống Nga Putin, và đỉnh điểm là Chương trình hòa bình 15 điểm, được công bố hôm 20-6-2014 cùng với tuyên bố đơn phương ngừng bắn trong vòng một tuần lễ của chính phủ, v.v., cho thấy tân Tổng thống Poroshenko đang từng bước hiện thực hóa chính sách nhằm hướng tới việc thiết lập lại trật tự trên toàn quốc cũng như cải thiện tình hình kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, đáp lại tất cả những hành động của chính quyền Kiev vẫn là một sự nghi ngại bao trùm từ phía các lực lượng ủng hộ liên bang hóa cũng như của Điện Kremlin.
Ngay sau khi Tổng thống Poroshenko tuyên bố chương trình hòa bình 15 điểm và lệnh ngừng bắn, lực lượng ủng hộ liên bang hóa lập tức đáp trả, rằng họ không tin tưởng vào thiện chí của chính phủ và chỉ chấp nhận ngừng bắn với điều kiện quân đội chính phủ phải rút hoàn toàn khỏi miền Đông. Hơn thế, sau hai ngày giao tranh “thêm” với quân đội chính phủ, ngày 23-6 (tức là một ngày sau khi Tổng thống Putin tuyên bố ủng hộ lệnh ngừng bắn của Kiev), Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk Alexander Borodai tuyên bố: “Chúng tôi chấp nhận ngừng bắn với điều kiện nó phải được một cơ chế giám sát được phía Nga tổ chức và theo lộ trình của Tổ chức an ninh hợp tác châu Âu (OSCE)”. Sự quan ngại của lực lượng ủng hộ liên bang hóa nằm ở chính trong Chương trình hòa bình của Tổng thống Poroshenko, với nội dung Kiev chỉ chấp nhận đàm phán trực tiếp với những tay súng ly khai “chưa dính líu đến các vụ giết hại thường dân và binh sĩ Ucraina”. Những phiến quân này còn cho đề nghị của Kiev thiết lập vùng đệm 10 km dọc biên giới giữa Ucraina và Nga chỉ là nhằm cô lập họ để tiện bề tiến đánh.
Phản ứng có tính “nước đôi” của Kremlin cho thấy, các nhà lãnh đạo Nga cũng chưa thực sự có được niềm tin vào tính chân thật của Chương trình hòa bình 15 điểm. Ngày 19-6-2014, trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov một mặt phát biểu: “Kế hoạch của ông Poroshenko quả là hay nếu Kiev thực sự mong muốn một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng trong nước”, nhưng ngay lập tức tỏ ra hoài nghi: “lệnh ngừng bắn đơn phương trong thời gian nhất định là mưu đồ dụ dỗ lực lượng dân quân hạ vũ khí và sau đó bỏ tù họ”. Ngoại trưởng Lavrov còn cho rằng, tuyên bố “lệnh ngừng bắn tạm thời cần thiết cho những ai không hài lòng có thể rời lãnh thổ Ucraina” của Tổng thống Poroshenko “giống như sự thanh lọc sắc tộc”. Tương tự, ngày 22-6, trong bài phát biểu của mình trên truyền hình, Tổng thống Putin cũng vừa bày tỏ sự ủng hộ kế hoạch của người đồng cấp Ucraina: “Việc Tổng thống Poroshenko thông báo về lệnh ngừng bắn chắc chắn là một phần quan trọng hơn trong kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ucraine. Không có lệnh ngừng bắn đó, sẽ chẳng thể có thỏa thuận nào đạt được và chắc chắn Nga ủng hộ bước đi đó”, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh “cuối cùng điều quan trọng nhất vẫn là một tiến trình chính trị” – tức là chính phủ Kiev phải tiến hành đàm phán hòa bình với các lực lượng ủng hộ liên bang hóa.
Về phần mình, chính quyền của tân Tổng thống Poroshenko cũng không mấy tin tưởng vào khả năng đạt được thỏa thuận với các nhóm đòi liên bang hóa miền đông. Đây cũng là lý do kế hoạch B được Tổng thống Poroshenko công khai đính kèm kế hoạch A (ông gọi Chương trình hòa bình 15 điểm là kế hoạch A). Kế hoạch B thực chất là nhằm đối phó với tình huống các lực lượng ủng hộ liên bang hóa, tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn của Nga, kiên quyết không chịu buông súng.
Qua phản ứng của các bên, chúng ta thấy rõ ràng sự ngờ vực và lợi ích là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho tình hình Ucraina chưa được cải thiện kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống 25-5-2014. Trước những động thái của Nga như cắt khí đốt, tăng quân dọc biên giới (từ ngày 26-6, Nga bắt đầu cuộc tập trận quy mô lớn ở miền trung giáp Ucraina), yêu cầu phải đàm phán với cả những nhóm li khai mà Kiev cho là khủng bố v.v. chính quuyền Poroshenko không ngi ngại mới là lạ. Ngược lại, người Nga chắc chắn hết sức lo ngại trước tuyên bố của Tổng giám đốc Tập đoàn năng lượng quốc gia Ucraina (NAFTOGAZ) Andriy Kobole: “Kiev sẽ mua được khí đốt từ các đối tác châu Âu như Hungaria, Ba Lan và Slovakia với giá chỉ khoảng 320 USD/1.000m3”, bởi nó vừa khiến cho vũ khí “dầu khí” của Nga giảm giá trị vừa mở ra một tiền lệ “tái xuất” vô cùng nguy hiểm đối với kinh tế Nga. Đặc biệt là việc tân Tổng thống Poroshenko chọn ngày 27-6, ngày hết hiệu lực của lệnh ngừng bắn, để ký thỏa thuận kinh tế với EU chẳng khác gì một lời cảnh báo về sự ngày càng “xa nhau” giữa hai nước láng giềng này. Cũng cần phải nhấn mạnh về sự xoắn quyện giữa “lợi ích” và “ngờ vực”. Chính vì mối quan hệ “môi hở, răng lạnh” giữa các nước láng giềng với nhau nên không khỏi dẫn đến tư tưởng “sở hữu” hay “ăn phải trông nồi”. Một khi cả Ucraina lẫn Nga, và đương nhiên cả những lực lượng li khai, không cùng thoát ra được vòng luẩn quẩn “lợi ích” và “ngờ vực” thì căng thẳng vẫn rất khó tìm được cách tháo gỡ.
Yên bình vẫn còn rất lâu nữa mới có thể trở lại Uraina, bởi vào thời điểm hiện tại, nếu tổ chức bình chọn chắc chắn cuộc khủng hoảng Ucraina sẽ loại bỏ được hàng loạt các điểm nóng nhất trên thế giới như cuộc nội chiến ở Syria, xung đột Israel – Palestin, va chạm trên biển Hoa Đông hay biển Đông, thậm chí cả cuộc giao tranh giáo phái tại Iraq v.v. để giành ngôi đầu. Đơn giản bởi cuộc khủng hoảng này hội tụ gần như tất cả những đặc điểm nổi bật nhất của một xung đột khu vực thời khủng hoảng kinh tế.
Người ta có thể tìm thấy đủ mọi lý do dẫn đến cuộc khủng hoảng này như về chủ quyền, về lãnh thổ, về cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn, về xung đột giữa các giai tầng trong một nền kinh tế đang bên bờ vực phá sản. Người ta cũng còn có thể thấy rõ một nét đặc trưng của đời sống quốc tế trong kỷ nguyên toàn cầu hóa – sự bế tắc kéo dài trong tiến trình giải quyết mọi cuộc khủng hoảng.