Lệnh ngừng bắn giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah của Liban có hiệu lực từ ngày 27/11 theo thỏa thuận do Mỹ và Pháp làm trung gian, nhằm cho phép người dân ở cả hai nước bắt đầu trở về nhà tại các khu vực biên giới bị tàn phá sau 14 tháng giao tranh. Theo các điều khoản ngừng bắn, lực lượng Israel có 60 ngày để rút khỏi miền nam Liban nhưng không bên nào được tiến hành các hoạt động tấn công.
Với tên gọi “Chấm dứt thù địch và các cam kết liên quan về các biện pháp tăng cường an ninh và hướng tới việc thực hiện Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, thỏa thuận được hy vọng mở đường và tạo điều kiện cho các nỗ lực tiếp theo nhằm xoa dịu căng thẳng tại khu vực Trung Đông sau những diễn biến tiêu cực nhiều tháng qua. Nghị quyết 1701 nhằm khôi phục hòa bình tại biên giới giữa Liban và Israel sau cuộc chiến năm 2006.
Với thỏa thuận ngừng bắn, các địa phương miền bắc Israel được kỳ vọng yên tĩnh trở lại sau nhiều ngày hứng chịu các trận tấn công dữ dội bằng rocket và thiết bị bay không người lái do phong trào Hezbollah phóng sang. Trong khi đó, tại Liban, hàng nghìn người dân sơ tán có cơ hội trở về nhà. Ngay sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, hàng nghìn công dân Liban đã rời Syria qua cửa khẩu biên giới Jdeidet Yabous giữa Syria và Liban để trở về nhà. Chính quyền Syria đã mở lại cửa khẩu này sau khi sửa chữa thiệt hại do cuộc không kích của Israel gây ra. Tuy nhiên, phía Israel cảnh báo người dân chưa được trở lại các khu vực gần biên giới cho tới khi thật sự an toàn. Quân đội Israel đã công bố áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm tại miền nam Liban.
Tin liên quanLiban kêu gọi người dân không vội trở về làng sát biên giới sau lệnh ngừng bắn
Nguy cơ về một thảm họa nhân đạo lan rộng trong khu vực cũng tạm thời được ngăn chặn. Các tổ chức nhân đạo và đối tác của Liên hợp quốc đã huy động nguồn lực để cung cấp hàng cứu trợ và hỗ trợ người dân. Trong ngày đầu tiên ngừng bắn, 11 xe tải của cơ quan Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã chuyển hàng cứu trợ khẩn cấp cho hơn 3.000 người ở Baalbek. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tiếp tục hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng xung đột.
Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn tạm thời này vẫn hết sức mong manh và còn nhiều thách thức trên thực tế. Đây là thỏa thuận giữa hai chính phủ Israel và Liban, trong đó cơ bản quy định các bên quay lại thực hiện các điều khoản trong Nghị quyết 1701. Trước khi nổ ra cuộc xung đột hiện tại, nghị quyết này trên thực tế đã bị phá vỡ và về lý thuyết Israel và Liban vẫn trong tình trạng chiến tranh. Trong khi đó, thỏa thuận quy định quân đội Liban sẽ triển khai lực lượng ở miền nam Liban, nơi cả Israel và lực lượng Hezbollah sẽ rút đi và chưa thể khẳng định quân đội Liban có đủ năng lực để duy trì an ninh tại đây hay không.
Một vấn đề nữa là, một điều khoản đi kèm được đưa vào thỏa thuận vẫn gây tranh cãi, đó là “Israel vẫn có quyền tự vệ phù hợp với luật pháp quốc tế”. Điều này đồng nghĩa thỏa thuận có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào trong trường hợp Israel bị Hezbollah tấn công trở lại, hoặc có thể thực hiện đòn răn đe phủ đầu nếu phát hiện nguy cơ bị tấn công.
Còn nhiều khó khăn, song lệnh ngừng bắn tạm thời giữa Israel và phong trào Hezbollah vẫn được hoan nghênh là bước đi tích cực, nhen lên đốm lửa hy vọng trong nỗ lực tìm giải pháp ngăn chặn chảo lửa xung đột lan rộng ở Trung Đông. Cộng đồng quốc tế còn hy vọng một thỏa thuận tương tự cũng sẽ đạt được ở Gaza. Tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay là các bên phải tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ lệnh ngừng bắn, tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo và các nỗ lực đàm phán tiếp theo nhằm đem lại hòa bình, ổn định cho toàn khu vực.