Sevilla và chuyện về chiếc chậu thau đong đầy nước mắt

|

NDO - Tại sao Sevilla lại trở thành đội bóng thành công nhất lịch sử Europa League với sáu lần vào chung kết và đều giành chức vô địch? Điều này không khó để giải thích khi họ là những kẻ nghiện thành công, luôn thèm muốn cảm giác lên ngôi. 

Có thể gọi đó là may mắn, khi năm đầu ngón chân của Romelu Lukaku - người hùng trong suốt mùa giải và phần lớn trận chung kết Europa League tại Cologne - khiến quả bóng sau pha ngả bàn đèn của Diego Carlos bay thẳng vào lưới.

Tuy nhiên nếu để ý bạn sẽ thấy, cầm trên tay chiếc Cúp Europa League chỉ đơn giản Sevilla đã nhận những gì họ xứng đáng. Trong suốt 90 phút, họ đã tạo ra cơ hội và dứt điểm nhiều hơn Inter. Như HLV Julen Lopetegui nói trong những giọt nước mắt hạnh phúc, đội bóng của ông không bao giờ đầu hàng.

Inter mở tỷ số từ rất sớm, cũng rất nhanh chóng họ đáp trả bằng hai bàn thắng. Bị gỡ hòa, họ tiếp tục lao lên và có được phần thưởng là bàn thắng phút 74. Và với sự quả cảm, họ không cho phép đối thủ lật mình trong 16 phút cuối. Phút 82, Reguilon và Fernando dùng cả thân mình nhằm ngăn cản Victor Moses, sau đó Kounde nhoài người hết cỡ để phá bóng trên vạch vôi.

Khi tiếng còi chung cuộc vang lên, không phải Inter, mà chính các cầu thủ Sevilla đổ rạp trên sân. Đó là lúc họ cho phép mình được nghỉ ngơi, giải phóng sự mệt mỏi và căng thẳng trước khi bắt đầu bữa tiệc ăn mừng. Lopetegui khóc. Carlos cũng khóc. Reguilon cố kìm nén điều đó khi gọi điện về cho gia đình, nhưng giọng anh nghẹn lại.

 

Chứng kiến những giọt nước mắt lã chã rơi, người hâm mộ Sevilla lại liên tưởng đến biệt danh Palanganas, tức “Chậu thau”. Đó là câu chuyện từ rất lâu rồi, khi Sevilla được thành lập và định danh là đội bóng của giới thượng lưu.

Vào mùa giải nọ, họ chiêu mộ một cầu thủ xuất thân từ tầng lớp lao động. Điều này dẫn tới những xung đột trong nội bộ đội bóng, sau đó để phản đối, một số lãnh đạo đã rời đi và lập ra Real Betis.

Ngày chia tay, những người ra đi tặng lại Sevilla chiếc chậu có hai màu đỏ trắng kèm dòng chữ: “Món quà từ biệt này dùng để chứa những giọt nước mắt của các người, vì thất bại của các người và thành công của chúng tôi”.

Chà, có một thời gian Sevilla thực sự cần chiếc chậu thau để chứa những giọt nước mắt đau khổ. Từ một CLB oai hùng, từng vô địch Tây Ban Nha năm 1946 và giành ba Copa del Rey vào các năm 1935, 1939, 1948, họ rơi vào suy thoái để không sở hữu một chiếc Cúp nào trong gần sáu thập kỷ. Sevilla thậm chí cũng không phải đội bóng lớn nhất thành phố Seville, đó phải là Betis.

Nhưng rồi mọi thứ thay đổi. Bắt đầu vào năm 2006, đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Sevilla và kình địch cùng thành phố Betis ăn mừng chức vô địch Copa del Rey. Với dàn cầu thủ chất lượng được Giám đốc thể thao Monchi đưa về, gồm Luis Fabiano, Dani Alves, Jesus Navas, Javier Saviola cùng thủ môn Andres Palop, họ đã đánh bại Middlesbrough để lần đầu đăng quang UEFA Cup, giải đấu sau này được đổi tên thành Europa League vào năm 2009.

Theo Palop, chiến tích đó khiến Sevilla được tái sinh, thổi bùng ngọn lửa quyết tâm và khát khao vinh quang trong đội bóng. Họ trở nên “nghiện” cảm giác được chơi ở chung kết và cố gắng có mặt ở đó rồi chiến thắng thêm lần nữa, rồi một lần nữa.

15 năm qua, sau đêm đáng nhớ ở Eindhoven, họ tiếp tục nâng cao chiếc Cúp vô địch ở Glasgow 2007, Turin 2014, Warsaw 2015, Basel 2016 và bây giờ là Cologne 2020.

 

Một thập kỷ rưỡi là quãng thời gian đủ dài để nhấn chìm một biểu tượng. Thí dụ như Middlesbrough, đối thủ trong trận chung kết UEFA/Europa League đầu tiên của Sevilla. Bây giờ đội bóng này đang ngụp lặn ở Championship và suýt nữa rớt xuống League One mùa vừa rồi.

Hoặc Espanyol, đội bị Sevilla đánh bại trong trận chung kết thứ hai, năm 2007, mùa tới sẽ chơi ở giải hạng 2 Tây Ban Nha. Thế nhưng “Chậu thau” Sevilla vẫn bền bỉ là một đội bóng gây khó chịu cho các ông lớn ở La Liga, đồng thời di chuyển qua lại giữa Champions League và Europa League.

Trong thế kỷ 21, họ chứ không phải Real, Barca hay Bayern, M.U, đã chơi nhiều trận chung kết ở châu Âu nhất, với 11 lần, bao gồm năm trận tranh Siêu Cúp châu Âu.

Để giải thích cho sự trường tồn của Sevilla, chỉ cần nhìn Navas. Cầu thủ chạy cánh người Tây Ban Nha là một phần của thế hệ vô địch năm 2006 và 2007. Anh ra đi, sau đó trở về và lại cùng CLB nâng cao chiếc Cúp vào đêm thứ Sáu.

Đã có những đổi thay lớn về mặt con người, nhưng bản sắc, tinh thần của Sevilla vẫn còn đó để Navas lại hòa nhập dễ dàng. Đó vẫn là một đội bóng “nghiện” đăng quang ở Europa League và luôn cần chiếc “chậu thau” để đựng những giọt nước mắt hạnh phúc.